Lời hứa chưa tròn...
Đoàn quân HLV Philippe Troussier vừa khép lại hành trình tại SEA Games 32 bằng tấm HCĐ khi đánh bại Myanmar vào chiều ngày 16/05. Đây là kết quả đã khiến nhiều NHM cảm thấy thất vọng khi U22 Việt Nam không thể bảo vệ ngôi vô địch đã làm được suốt 2 kỳ Đại hội Thể thao ĐNÁ gần nhất. Rõ ràng, lời hứa của nhà cầm quân người Pháp trước khi bắt đầu chiến dịch chưa được thực hiện một cách trọn vẹn.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc còn thiếu kinh nghiệm chính là nguyên nhân khiến U22 Việt Nam thi đấu không đúng như kỳ vọng. Thế nhưng, nếu suy xét kỹ lại, đây chưa hẳn là nhận định xác đáng khi chúng ta có đến 7 nhà vô địch ở kỳ SEA Games gần nhất trên sân nhà. Bên cạnh đó, rất nhiều những cái tên khác đã chinh chiến ở các giải đấu trẻ của khu vực ĐNÁ, VCK U20 và U23 châu Á trong suốt 2 năm qua. Hơn nữa, các đối thủ vừa qua chưa hẳn đã giàu kinh nghiệm hơn Những chiến binh Sao Vàng.
Trên thực tế, U22 Việt Nam là đội có quãng thời gian chuẩn bị lâu nhất (gần 2 tháng) so với các đối thủ khác như Malaysia hay Indonesia. U22 Thái Lan thậm chí đã không mang đủ quân số khi bắt đầu chiến dịch. Thế nên, việc nói rằng các cầu thủ chưa kịp làm quen với triết lý của ông thầy mới cũng chưa thỏa đáng.
Một yếu tố khác là việc rất nhiều cái tên trong thành phần U22 Việt Nam là học trò ruột của HLV Troussier thời còn dẫn dắt U19 QG vào năm 2019. Bởi vậy, NHM có quyền đặt dấu hỏi và sự thất vọng khi chúng ta phải nhìn Tim Garuda bước lên ngôi cao nhất khu vực.
...và dấu hỏi cho tham vọng World Cup của HLV Troussier?
Nếu như U22 Việt Nam đã thất bại trong việc bảo vệ tấm HCV thì ở 2 kỳ AFF Cup gần nhất, ĐTQG cũng phải ngậm ngùi chấp nhận mất đi vị thế hàng đầu ĐNÁ về tay Thái Lan. Rõ ràng, khi mà đấu trường khu vực chúng ta còn chưa thể chinh phục được thì tham vọng World Cup 2026 mà HLV Philippe Troussier đặt ra cho bóng đá Việt Nam cũng là một giấc mơ khó thực hiện.
Những cái tên của U22 Việt Nam hiện tại được xem là thế hệ thay thế các đàn anh ở ĐTQG trong tương lai. Thế nhưng, họ chưa thể hiện được quá nhiều để người ta đặt kỳ vọng. Trong khi đó, kể từ sau AFF Cup 2022, ĐT Việt Nam chỉ có 4 ngày hội quân cùng HLV mới và nói không với các trận giao hữu. Vấn đề về phong độ, chất lượng của các cầu thủ sau một thời gian dài đang là dấu hỏi lớn. Vậy, cơ sở nào để HLV Philippe Troussier đặt mục tiêu dự VCK World Cup?
Cần phải nhắc lại, bóng đá Thái Lan trong giai đoạn hoàng kim nhất, họ đã liên tiếp thống trị khu vực ĐNÁ với vô số danh hiệu tại AFF Cup và SEA Games. Chính vì thế, "Voi chiến" mới đặt tham vọng tham dự VCK World Cup 2018 dưới sự dẫn dắt của Kiatisuk Senamuang. Dẫu vậy, ĐT xứ chùa vàng cũng chẳng thể hoàn thành giấc mơ của mình. Thế nên, khi mà bóng đá Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại, tham vọng World Cup thực sự khá xa xỉ.
Một ví dụ điển hình khác là thành tích của ĐT nữ Việt Nam trong suốt giai đoạn vừa qua. Các cô gái vàng đã thống trị khu vực một thời gian dài và vươn lên top 5 châu Á. Với một nền móng vững chắc, Huỳnh Như và các đồng đội mới có lần đầu tiên dự World Cup bóng đá nữ. Nói thế để thấy rằng, đây sẽ là giai đoạn đầy chông gai với bóng đá nam Việt Nam cùng sự chèo lái của HLV Philippe Troussier.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận