Tái ký hợp đồng với thầy Park: Bản chất vấn đề và việc đánh tráo khái niệm

VFF nhiều khả năng nhờ mạnh thường quân hỗ trợ trả lương cho thầy Park. Đây không phải là lần đầu tiên và chưa hẳn cuối cùng.

Đầu tiên có thể khẳng định việc đàm phán, thương thảo hợp đồng giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam và HLV Park Hang-seo sẽ không đơn giản như những tuyên bố trên báo chí.

Mấu chốt vấn đề là VFF chưa thể tự chủ tài chính và tự quyết định. Họ sẽ phải nhờ sự hỗ trợ về tài chính của cấp trên và kêu gọi mạnh thường quân chung sức vì bóng đá nước nhà. Trong khi đó, ông Lee Dong-jun, được HLV Park Hang-seo ủy quyền việc gia hạn hợp đồng mới, là người rất chuyên nghiệp trong lĩnh vực này.

Tái ký hợp đồng với thầy Park: Bản chất vấn đề và việc đánh tráo khái niệm - Bóng Đá

 HLV Park Hang-seo thời điểm ký hợp đồng đầu tiên với VFF.

Bản chất của vấn đề xuất phát từ việc HLV Park Hang-seo đã trở thành biểu tượng thành công cả ở Hàn Quốc và Việt Nam. Vì vậy, việc định giá thương hiệu, mức lương mới của thầy Park cần sự tham khảo, thẩm định chuyên nghiệp, chứ không xuất phát từ suy nghĩ chủ quan. Nên nhớ mức lương không đơn thuần là con các chữ số đơn giản mà là tiêu chuẩn định vị thương hiệu, đẳng cấp của 1 huấn luyện viên.

Khó mà viện lý do tăng lương gấp đôi, gấp ba để đính kèm những điều kiện “khủng” về mục tiêu chiến lược. Dĩ nhiên, 1 HLV nhận mức lương cao sẽ phải đáp ứng những mục tiêu vô cùng thách thức từ ban lãnh đạo. Đề cập chuyện tiền lương cao, “cò kè bớt một thêm hai” lúc này là hành động thiếu chuyên nghiệp sau những gì thầy Park tận hiến cho bóng đá Việt Nam, nhất là sau khi ông Park chia sẻ, muốn làm điều gì đó để đáp lại tình cảm của người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Tái ký hợp đồng với thầy Park: Bản chất vấn đề và việc đánh tráo khái niệm - Bóng Đá

Bóng đá Việt Nam đang sở hữu thế hệ cầu thủ tiềm năng có thể tạo nên kỳ tích.

Cách khoa học nhất là tham khảo các đội bóng Đông Nam Á, đặc biệt là Thái Lan. Điều này là hoàn toàn khả thi, bởi Việt Nam vừa lên đỉnh khối ASEAN, thay thế vị thế “King of Asean” của người Thái. Hãy xem cách liên đoàn bóng đá Thái Lan trân quý và trọng dụng các HLV trưởng đội tuyển như thế nào và từ đó VFF có thể đi đến quyết định hợp lý, hợp tình.

Dường như đang có sự đánh tráo khái niệm từ phía VFF. Vì sao lại nói vậy? Đầu tiên rõ ràng VFF không và chưa đủ năng lực kiếm tiền để trả lương cho vị HLV trưởng đội tuyển quốc gia mà mình ký hợp đồng tuyển dụng. Hay nói cách khác dù đạt nhiều thành công trong gần 2 năm qua, nhưng tổ chức này vẫn chưa đứng vững trên đôi chân của mình. Họ chưa biết cách khai thác thương hiệu của U23 quốc gia, đội tuyển Việt Nam.

Tái ký hợp đồng với thầy Park: Bản chất vấn đề và việc đánh tráo khái niệm - Bóng Đá

 HLV Park Hang-seo sẽ dẫn dắt U22 Việt Nam giành HCV SEA Games 30?

Ngoài ra, có thể thấy VFF đang hướng dư luận và kêu gọi xã hội hóa trong việc gia hạn hợp đồng mới với thầy Park. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất lại chưa đề cập đến, đó là khối lượng công việc của HLV Park Hang-seo rất “kinh khủng” khi phải “vừa xay lúa vừa bồng em”. Những đội mạnh khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Indonesia... đều có HLV chuyên biệt cho đội U23 và đội tuyển quốc gia.

Xã hội hóa là chủ trương tốt, phát huy những phẩm chất tốt đẹp của cộng đồng. Thế nhưng với VFF, xã hội hóa trong việc tái ký hợp đồng với HLV Park Hang-seo chưa hẳn là cách làm hay, căn cơ và mang tầm chiến lược. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông Park là do bầu Đức trả lương. Giờ đây, hợp đồng mới của thầy Park có thể nhờ đến sự hỗ trợ từ 1 doanh nhân, doanh nghiệp khác.

Như vậy việc khó khăn nhất đều do xã hội giải quyết, vậy vai trò, trách nhiệm của VFF ở đâu? Tổ chức này hoạt động như thế nào khi không đủ khả năng kiếm tiền để trả lương cho HLV trưởng do chính mình thuê?

    Bình Luận