Đội U23 Việt Nam tạo nên cơn địa chấn trên đất Trung Quốc. Họ đánh bại Australia, Iraq, rồi hạ luôn đội bóng giàu có Qatar trên hành trình tiến vào trận chung kết giải U23 châu Á. Phần còn lại thuộc về lịch sử.
Màn trình diễn đó thu hút sự chú ý của thế giới, cho thấy tương lai rất hứa hẹn của bóng đá Việt Nam.
Thành công của U23 Việt Nam khiến những nhà làm bóng đá của Trung Quốc nhận ra một điều: Họ đầu tư rất nhiều tiền để phát triển bóng đá nhiều năm qua, tuy nhiên có lẽ đa phần trong số đó trở nên hoang phí.
Về cấu trúc phát triển bóng đá, Việt Nam và Trung Quốc rất giống nhau. Cả hai quốc gia đều có lượng CĐV hùng hậu, nhưng đa phần "chuộng" bóng đá châu Âu hơn giải quốc nội.
Đội tuyển quốc gia của Việt Nam và Trung Quốc cũng không có sự phát triển ổn định trong hơn 2 thập kỷ qua.
Song, điều khác biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc thuộc về nỗ lực phát triển giải quốc nội. Trung Quốc những năm gần đây đi theo chính sách dùng tiền để phát triển khả năng chơi bóng, còn Việt Nam chứng tỏ không cần đầu tư khoản tiền quá lớn, họ kiên trì tập luyện.
Xây từ... ngọn
Giấc mơ đưa Trung Quốc thành cường quốc bóng đá vào năm 2050 xuất phát từ cấp cao nhất trong chính phủ. Bóng đá là mũi nhọn của chiến dịch phát triển nền thể thao ở quốc gia này, từ các cuộc tranh tài chuyên nghiệp đến thể thao đại chúng.
Tuy nhiên nhiều người lo ngại sự tham gia của các doanh nghiệp sẽ khiến các tài năng nội địa không có cơ hội phát triển.
Hiện tại, việc phát triển tài năng trẻ của Trung Quốc thông qua các học viện được đầu tư mạnh mẽ, đơn cử như học viện trị giá 185 tỷ USD của Quảng Châu với 2.800 học viên. Nhưng đây chỉ là con số nhỏ so với người Hán (dân tộc chiếm đa số người Trung Quốc).
Ở nhiều thành phố, bóng rổ mới là môn thể thao phổ biến nhất, còn các tài năng bóng đá thường xuất hiện ở vùng dân tộc thiểu số phía tây.
Những CLB tại giải Chinese Super League cũng thiếu đi bản sắc nhất định. Một số đội bóng phải di dời nơi đóng quân từ 2 đến 3 lần trong 10 năm, tên gọi CLB được thay đổi liên tục. Biểu tượng của nhà tài trợ chiếm diện tích lớn ở mặt trước áo đấu, thay vì logo đội bóng.
Trong bóng đá Trung Quốc, sự phát triển chỉ được đo theo thời hạn một năm. Rất nhiều CLB ở giải Super League chi nhiều tiền để thuê HLV nước ngoài, rồi sa thải họ chỉ sau một mùa giải gây thất vọng.
Họ cũng mua và bán nhanh chóng những ngôi sao hết thời từ châu Âu với hy vọng nâng cao chất lượng giải đấu. Nhưng những người này chỉ mang lại sự chú ý của truyền thông, chứ không mang ý nghĩa tích cực cho đào tạo bóng đá.
Chặng đường dài của Việt Nam
Năm 2007, HAGL mở học viện cùng đối tác JMG trên vùng cao nguyên Việt Nam. Chương trình này mang lại kết quả tốt nhờ được áp dụng các bài giảng kỹ thuật của HLV Arsenal.
Điều khiến hầu hết người hâm mộ quan tâm khi đến học viện là kỹ thuật, phong cách thi đấu và tinh thần thể thao của cầu thủ chứ không phải quy mô học viện.
Không có gì thay đổi về học viện ngoại trừ việc 10 năm sau, nhiều học viên ngày nào đã trở thành những cầu thủ có đẳng cấp rất cao. Năm ngoái, trong đội hình 18 người của U23 Việt Nam có đến một nửa xuất phát từ lò đào tạo HAGL.
Sự xuất hiện của các cấp độ đội trẻ Việt Nam trên đấu trường quốc tế cũng tăng lên. Việt Nam là quốc gia duy nhất ở Đông Nam Á có đại diện tham dự vòng chung kết U20 thế giới vừa qua.
Các học viện khác cũng xuất hiện một cách từ tốn. Trung tâm bóng đá Mỹ Đình ở Hà Nội thành lập sau khi Liên đoàn bóng đá Việt Nam có được tài trợ từ FIFA và AFC. Số lượng CLB tăng lên khắp cả nước, sử dụng các HLV nội giữ vị trí dài hạn, bất chấp sự chỉ trích của công chúng.
Giờ đây, sau những đầu tư mạnh mẽ không có giới hạn, những gì người ta biết về bóng đá Trung Quốc chỉ có 2 điều: Carlos Tevez rời đi, còn Javier Mascherano sắp đến. Cả hai đều là người Argentina.
Nhìn xuống phía Nam, điều duy nhất hầu hết mọi người biết về bóng đá Việt Nam là họ đang có một thế hệ cầu thủ trẻ cực kỳ hứa hẹn.
Tại giải U23 châu Á, chủ nhà Trung Quốc bị loại từ vòng bảng, chỉ thắng được 1 trận. Trong khi đó, U23 Việt Nam dù không được đánh giá cao bất ngờ giành quyền vào chung kết.
Bình Luận