Trong bài phỏng vấn với Zing hồi tháng Hai, khi được hỏi liệu cái tên nào sẽ gây ấn tượng ở giải đấu chính thức đầu tiên dưới thời HLV Philippe Troussier, Lê Minh Dũng - người sau đó trở thành chuyên viên phân tích của ĐTQG và U22 Việt Nam trả lời ngay:
“Cầu thủ quan trọng nhất tôi dự đoán sẽ là Nguyễn Thanh Nhàn, sinh năm 2003. Một cầu thủ mà sự nghiệp được tác động lớn bởi ông Troussier”.
Sự tin tưởng của Phù thủy Trắng
Đó là cầu thủ trẻ người Tây Ninh, từng trúng tuyển vào trung tâm PVF vào năm 2013 nhưng quyết định ở lại quê nhà tập luyện vì nhiều lý do khách quan. Sau này, trong gần một năm cuối ở giai đoạn đầu tiên làm việc tại Việt Nam, bằng nhiều mối quan hệ và vận động hành lang, HLV Troussier đã nỗ lực giúp Thanh Nhàn trở thành học viên chính thức của trung tâm PVF. Ông biết đó là viên ngọc quý cần được tạo điều kiện nuôi dưỡng.
Để rồi, chính Thanh Nhàn thay vì Khuất Văn Khang hay một ai khác, đã được trao chiếc áo số 10 ở Doha Cup, giải giao hữu đầu tiên kể từ khi trở lại Việt Nam tiếp quản ghế HLV trưởng của ông Troussier.
Trong một giải đấu với nhiều thử nghiệm và thua đậm trước các đối thủ (0-3 trước U23 Iraq và 0-4 trước U23 UAE), Thanh Nhàn không chứng tỏ được nhiều. Anh được bầu là Cầu thủ hay nhất cuộc đối đầu U23 Kyrgyzstan, nhưng trận đó U23 Việt Nam vẫn thua trên chấm luân lưu.
Điều đáng chú ý là phát biểu của Nhàn sau khi nhận giải: “Dù sao, U23 Doha Cup mới chỉ là bước khởi đầu cho U23 Việt Nam tiến tới mục tiêu giành Huy chương Vàng SEA Games 32. Chúng tôi sẽ nỗ lực tập luyện để hướng tới giải đấu này”.
Phát biểu ấy có phần không phù hợp khi sớm nhắc đến ba chữ “Huy chương Vàng”, trong bối cảnh đội ngũ còn nhiều vấn đề và gây thất vọng. Nhất là khi cũng tại Doha, U23 Thái Lan tạo ấn tượng mạnh khi cầm hòa U23 Saudi Arabia 2-2 và đặc biệt là quật ngã U23 Qatar với tỷ số tối thiểu.
Nhảy cóc thời gian sau Doha Cup khoảng 2 tháng, ta thấy Thanh Nhàn đá chính cả hai trận đầu của U22 Việt Nam tại SEA Games. Anh không còn mang áo số 10, cũng như chưa thể điền tên lên bảng tỷ số trước hai đối thủ dưới cơ là Lào và Singapore. Thậm chí ở phút 50 cuộc đối đầu những chú sư tử trẻ, Nhàn còn bỏ lỡ cơ hội khó tin trước khung thành rộng mở.
Song trước cuộc đối đầu U23 Malaysia, vẫn chính Nguyễn Thanh Nhàn được HLV Troussier phân công thay mặt đội tiếp xúc truyền thông ở buổi tập chót.
“Việc được nghỉ nhiều ngày là lợi thế rất lớn của U22 Việt Nam. U22 Malaysia có nhiều cầu thủ cao to và chơi sức mạnh, đây là điểm mạnh nhất của họ. Để hạn chế điều này, toàn đội sẽ chơi quyết liệt, áp sát ngay từ đầu. Tôi và toàn đội rất tự tin trước trận đấu ngày mai và hy vọng sẽ giành được chiến thắng”, tiền đạo chưa bước sang tuổi 20 khẳng định.
Cầu thủ đặc biệt
Một lần nữa, từ khóa “tự tin” được Thanh Nhàn thốt lên. Và giờ là lúc chuyên viên phân tích Lê Minh Dũng đưa ra lý giải cho tinh thần lạc quan ấy - một sự lạc quan có cơ sở: “Nhàn là cầu thủ có khả năng thay đổi cục diện trận đấu và đấy là điều rất hiếm ở bất kỳ đâu”.
Đó là điều Nhàn từng nhiều lần thể hiện ở sân chơi trẻ và cả đấu trường chuyên nghiệp. Đơn cử khi anh lập hattrick vào lưới Học viện Nutifood của HLV Guillaume Graechen ở trận chung kết, giúp PVF vô địch U19 Quốc gia năm 2021 và cá nhân Nhàn thì ẵm danh hiệu Cầu thủ hay nhất giải. Hay khi anh lập tức mở tỷ số vào lưới CLB Phú Thọ, ở ngay lần đầu thi đấu tại giải Hạng Nhất Quốc gia vào năm 2022. Mùa giải đó, càng bất ngờ khi anh giành luôn ngôi Vua phá lưới giải đấu với 10 bàn thắng.
Thanh Nhàn cũng đang chơi không tệ tại SEA Games 32. Bàn thắng "mở hàng" của U22 Việt Nam xuất phát từ chính đường kiến tạo của anh, một pha tạt bóng quyết đoán và chuẩn xác cho Nguyễn Văn Tùng đánh đầu tinh tế.
Trong tình huống đó, Thanh Nhàn bị một cầu thủ Lào theo sát ở gần ngay đường biên dọc, còn phía trong là hai cái bóng áo trắng khác đứng bọc lót. Nhiều người nghĩ Nhàn sẽ chuyền về cho Vũ Tiến Long hoặc đập nhả với Hồ Văn Cường… Ít ai nghĩ anh sẽ tạt từ khoảng cách xa như thế, nhưng chính sự táo bạo với khả năng ra quyết định nhanh và mang tính sát thương cao ấy, giúp U22 Việt Nam có lợi thế sớm ngay từ phút thứ hai.
Đến trận gặp Singapore, ngoài pha bỏ lỡ ở hiệp hai sau đường dọn cỗ của đàn em Nguyễn Quốc Việt, thực tế Thanh Nhàn còn có một pha dứt điểm khác từ cơ hội do chính anh tạo ra. Phút 11, khi bóng bật ra từ cú tắc của đối thủ với Lê Văn Đô, Thanh Nhàn chớp thời cơ với một cú đẩy bóng dài đồng thời luồn lách khéo léo qua hai hậu vệ Singapore để băng xuống dứt điểm. Nếu hậu vệ đối phương không kịp dùng sải chân dài để chắn đường sút, Thanh Nhàn có thể đã mở tỷ số trận đấu đó.
Không phải ngẫu nhiên mà HLV Troussier tái nhấn mạnh sự tin tưởng bằng việc cử Thanh Nhàn phát ngôn trước trận đấu tối nay. Cầu thủ thuận chân trái với đôi chân vòng kiềng này gợi nhớ sâu sắc những đàn anh với sức sáng tạo cao của ĐTQG Việt Nam. Trước trận đấu bản lề với đối thủ không hề yếu như U22 Malaysia, sự đột biến ấy càng trở nên cần thiết.
Khát vọng đối đầu 'bóng ma'
Và rồi chúng ta cần nó hơn bao giờ hết, khi bóng ma quá khứ đã hiện về. Tại SEA Games 29 năm 2017 trên chính đất Malaysia, U22 Việt Nam của HLV Nguyễn Hữu Thắng đã thắng giòn giã hai trận đầu. Chúng ta bước đến hai trận cuối vòng bảng mà chỉ cần một trận thắng là giành vé vào bán kết. Khi ấy, ta cũng gặp U22 Thái Lan ở lượt trận cuối.
Kết quả, Nguyễn Công Phượng và các đồng đội bế tắc hoàn toàn và bị U22 Indonesia cầm hòa 0-0, trước khi thua đậm 0-3 trước người Thái và xách va li về nước ngay sau vòng bảng.
U22 Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ tương tự, và nhìn cái cách U22 Malaysia dù thua U22 Thái Lan 0-2 nhưng lại thắng U22 Lào 5-1, chúng ta cần cảnh giác trước nguy cơ vấp ngã với một trận hòa tai hại như 6 năm về trước.
Nói như chuyên viên phân tích Minh Dũng, U22 Việt Nam cần một cầu thủ hiếm có với khả năng thay đổi cục diện như Thanh Nhàn trong cuộc đối đầu hứa hẹn giằng co. Và ngoài nhiệt huyết cống hiến cho màu cờ sắc áo, bản thân Nhàn cũng cần một cơ hội như thế này để khẳng định năng lực.
Người con của miền đất phương Nam nắng gió đã chờ ngày này từ rất lâu rồi. Anh cũng có nhiều động lực to lớn khác, như ước mơ thành danh để xây một căn nhà khang trang hơn cho ba mẹ tảo tần - những người đã tiết kiệm từng đồng vất vả từ công việc làm hồ và bán thịt ngoài chợ để giúp anh nuôi dưỡng giấc mơ cầu thủ.
Bình Luận