Trong trận đấu tuy chỉ mang ý nghĩa thủ tục song lại ảnh hưởng đến lựa chọn ở bán kết, U22 Việt Nam sớm bị thủng lưới nhưng đã thể hiện nỗ lực đáng ghi nhận để san bằng tỉ số, thậm chí còn có phần lấn lướt hơn U22 Thái Lan.
Những vấn đề của kiểm soát bóng
Chúng ta sẽ nói về bàn thua, đó là một vấn đề phát sinh chính từ khâu kiểm soát bóng, vốn là thứ triết lý mà ông Troussier kiên trì theo đuổi.
Các học trò của ông đã thực hành trơn tru trong hầu hết công đoạn của một tình huống kiểm soát điển hình: đưa bóng lên từ trung vệ lệch cánh, phối hợp ăn ý với ít nhất 5 pha bật tường một chạm, chuyển hướng tấn công sang vị trí trống trải, cho đến khi “gẫy” ở đường chuyền quyết định của Nguyễn Văn Trường.
Và từ vết đứt gẫy này, rủi ro của một pha hứng chịu phản công đã xảy ra. Trung vệ U22 Thái Lan chỉ đơn giản là phá bóng “theo bài”, nhưng khối đội hình đang dâng lên của chúng ta hoàn toàn bị bất ngờ. Lương Duy Cương trượt ngã dĩ nhiên có thể do mặt sân, nhưng “tai nạn” đó cũng bởi sự lúng túng, vội vã và mất phương hướng của cầu thủ CLB Đà Nẵng.
Không phải đây là lần đầu tiên U22 Việt Nam mắc những sai sót trong quá trình “dàn trận”, chỉ có điều, các đối thủ trước đây của chúng ta như U22 Lào, Singapore và cả Malaysia không đủ sắc sảo để tận dụng thời cơ. Trước khi gặp U22 Thái Lan, chúng ta mới chỉ thua 1 quả từ lỗi bắt bóng không dính của Quan Văn Chuẩn, đã là cả một sự may mắn lớn lao.
Achitpol, một chân sút đang chơi bóng ở Đức, thì không bỏ lỡ những pha đối mặt thủ môn như Aliff Izwan hay Akmal Kamal của U22 Malaysia. Pha dứt điểm gọn gàng của tiền đạo U22 Thái Lan khiến người hâm mộ bỗng nhiên buộc phải chạnh nghĩ về một kịch bản “bất ổn” cho nhà cầm quân người Pháp.
Những điểm sáng từ trong gian khó
Bị Thái Lan dẫn bàn luôn là một cảm giác đầy bí bách của bất cứ đội bóng Việt Nam nào, cho dù có được dẫn dắt bởi một thầy phù thuỷ như Park Hang-seo. Hôm qua, ông Park ngồi dự khán, chứng kiến U22 Việt Nam rơi vào thế khó nhưng rồi lại tự vẫy vùng giải nguy bằng ý chí kiên cường.
Có lẽ thành quả lớn nhất của HLV Philippe Troussier cho đến lúc này là rèn được một U22 Việt Nam tương đối lạnh lùng trước mọi hoàn cảnh. Khi thắng Lào, Sing hay Mã, họ không quá tưng bừng, thì khi thua Thái, họ cũng không quá bối rối.
Cũng có thể tính chất trận đấu không đến mức một mất một còn cũng là dịp tốt để các cầu thủ trẻ rèn giũa tinh thần vượt khó, nhưng tự thân họ đã cho thấy thứ bản lĩnh vững vàng để tiếp tục chơi lối chơi của mình, kiến tạo những cơ hội cho mình, và từ cơ hội chuyển hoá được thành bàn thắng.
Không lâu sau khi để người Thái làm chủ cuộc chơi, U22 Việt Nam đã xốc dậy, tìm những phương án khác nhau để tiếp cận cầu môn của Thirawooth. Vắng một tiền đạo mũi nhọn như Nguyễn Văn Tùng trên sân, ông Troussier buộc phải luân phiên các tiền vệ làm điểm đến, mà tình huống Khuất Văn Khang băng lên đón cột 2 đánh đầu là rõ nét nhất cho ý đồ này.
Những thay đổi nhân sự của thầy Philippe cũng rất phù hợp trong thế trận cần bàn thắng. Khi đội hình có sự trở lại của Phan Tuấn Tài, Võ Minh Trọng, sức tấn công biên của U22 Việt Nam khởi sắc rõ rệt. U22 Thái Lan dường như trở tay không kịp trước những điều chỉnh này, bằng chứng là họ nhận liên tiếp 2 thẻ vàng và bị gỡ hoà ngay sau đó.
Bàn thắng của U22 Việt Nam giá trị ở chỗ nó có sự tham gia của số đông cầu thủ tấn công, và tất cả đều tập trung, tỉnh táo trong nhiệm vụ của mình. Mọi thứ diễn ra chỉ trong tích tắc, nhưng nó là thành quả của chuỗi liên hoàn từ pha đá phạt đập đất của Khuất Văn Khang, nỗ lực tranh cướp giành lại bóng của Lương Duy Cương, quả căng ngang quyết đoán của Hồ Văn Cường, Ngọc Thắng sút trúng người hậu vệ Thái Lan và Nhật Nam là người đá bồi sau chót.
Điều quan trọng là từ sau bàn thắng đó, chúng ta mới chính là những người làm chủ cuộc chơi. HLV Sritaro cũng ngay lập tức nhận ra nguy cơ đánh mất thế trận, thay người liên tiếp nhưng cũng rất khó khăn để kìm hãm các đợt lên bóng của U22 Việt Nam.
Dù không thể có thêm 1 bàn thắng để khép lại trận đấu trọn vẹn, các học trò của ông Troussier cũng đã kịp để lại nhiều dấu ấn của sự trưởng thành. Thanh Nhàn có những pha thoát pressing đầy tinh tế, Văn Trường dẫu vội vàng, cá nhân trong một vài tình huống nhưng sút xa rõ ràng là một vũ khí của anh. Văn Khang đã chứng minh anh là ông chủ của các quả phạt trực tiếp, còn Minh Trọng chắc chắn là cái tên khiến HLV U22 Indonesia Sjafri phải rất lưu tâm ở bán kết.
Cuộc đọ sức U22 Thái Lan còn đúng nghĩa là màn kiểm tra chất lượng đội hình của ông Troussier. Lúc này, ông đang tạm có trong tay một lực lượng khá đồng đều, nhất là nhân sự hàng tiền vệ. Ở mỗi vị trí trọng yếu, nhà cầm quân người Pháp đều có từ 2 cầu thủ trở lên hoàn toàn có thể thay thế được nhau.
Chúng ta đương nhiên sẽ bất lợi một chút khi thiệt về ngày nghỉ trước đội đầu bảng A U22 Indonesia đang có phong độ rất cao, nhưng điều đó không phải mối e ngại của ông Troussier. U22 Việt Nam đang là một phiên bản đáng tin cậy hơn sau từng trận, và hy vọng biểu đồ thăng tiến đó sẽ giúp chúng ta tiến vào đến trận chiến cuối cùng của SEA Games 32.
Bình Luận