Vì sao hơn một nửa ĐT Việt Nam chạy trốn "lưỡi hái tử thần" tại V-League?

Bóng đá nước nhà đang sống chung với những nghịch lý. Hơn một nửa thành phần ĐTQG trong màu áo HAGL và Viettel “lâm nguy” tại V-League là một minh chứng điển hình.

Nếu lấy thành phần đội tuyển Việt Nam đấu Thái Lan tại trận mở màn vòng loại World Cup 2022 hôm 5/9 thì có 6 tuyển thủ quốc gia thiện chiến gồm trung vệ Bùi Tiến Dũng, đội trưởng Quế Ngọc Hải, Nguyễn Trọng Hoàng (Viettel), Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Tuấn Anh, Nguyễn Phong Hồng Duy (HAGL) đối mặt nguy cơ xuống thi đấu ở giải hạng nhất mùa tới. Việc VFF và VPF đổi lịch thi đấu V-League để ưu tiên cho đội tuyển quốc gia đấu Malaysia, khả năng HAGL và Viettel rớt hạng là hoàn toàn khả thi.

Việc các tuyển thủ quốc gia thi đấu cho đội bóng phố núi và tân binh Viettel có thể tụt hạng là nỗi đau của bóng đá nước nhà. Nó cho thấy sự bất ổn về chất lượng chuyên môn của V-League. Thành phần chủ lực của đội tuyển Việt Nam chủ yếu xuất phát từ 3 đội Hà Nội FC, Viettel và HAGL. Một điều khá nghịch lý là cầu thủ thể hiện phong độ thất thường tại câu lạc bộ nhưng lên tuyển thi đấu thăng hoa dưới sự dẫn dắt của HLV Park Hang-seo. Cặp trung vệ Bùi Tiến Dũng và Quế Ngọc Hải có thể được xem là một ví dụ. Tiến Dũng và Ngọc Hải cứng cựa và bản lĩnh trong màu áo đội tuyển quốc gia nhưng mờ nhạt khi thi đấu cho Viettel. Về lâu dài, sự bất hợp lý này không phải là xu hướng tốt cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam.

Đội tuyển Việt Nam và nghịch lý của HAGL, Viettel - Bóng Đá

Có 6 cầu thủ HAGL, Viettel đá chính cho ĐT Việt Nam trận gặp Thái Lan.

Công tâm mà đánh giá việc HAGL và Viettel đối diện nguy cơ tụt hạng là điều có thể lý giải được. Đội chủ sân Pleiku mùa giải nào cũng lận đận với cuộc chiến tránh rớt hạng dù có dàn cầu thủ đầy tiềm năng được nhiều đội bóng nước ngoài săn đón. Trong khi đó tân binh Viettel mới thăng hạng, chưa thích nghi với V-League khốc liệt và khó lường.

Điểm chung của Viettel và HAGL là sự biến động trên băng ghế chỉ đạo. Cả 2 đội bóng đều thay HLV trưởng và phải xây dựng lại chiến thuật từ đầu. Có thể nói HAGL và Viettel thể hiện phong độ thất thường có 1 phần nguyên nhân từ HLV trưởng Lee Tae-hoon và Nguyễn Hải Biên. Ngoài ra, dễ dàng nhận thấy cả 2 đội bóng đều thất bại trong bài toán cầu thủ ngoại. Chỉ một mình Bruno Cunha Cantanhede không thể gánh vác toàn bộ sức mạnh của Viettel. HAGL mùa này thi đấu gần như chấp cầu thủ ngoại. Trận gặp Sài Gòn FC mới đây, ông Lee Tae-hoon chỉ sử dụng duy nhất thủ môn Wieger Sietsma, cất trung vệ Kim Bong-jin và tiền đạo Filipe Martins trên băng ghế dự bị.

Đội tuyển Việt Nam và nghịch lý của HAGL, Viettel - Bóng Đá

 Trung vệ Bùi Tiến Dũng chưa thể hiện phong độ ổn định tại Viettel. Ảnh VPF.

Dù “lâm nguy” nhưng HAGL và Viettel vẫn nắm quyền tự quyết trong tay. Để chấm dứt nghịch lý của 2 đội bóng này có lẽ cần cuộc cách mạng về lực lượng cầu thủ nội và ngoại binh lẫn trên băng ghế chỉ đạo. Nhưng đó là chuyện của tương lai. Trước mắt, HAGL và Viettel cần phải tận dụng triệt để lợi thế 2 trận sân nhà trong 3 vòng đấu còn lại của V-League để thoát hiểm trong cuộc chiến tránh rớt hạng.

Với đội tuyển Việt Nam, chắc chắn việc HAGL, Viettel rơi vào vòng xoáy sinh tử V-League sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của các tuyển thủ quốc gia trong cuộc chạm trán Malaysia vào ngày 10/10. Mặc dù vậy, đây không phải là vấn đề quá lớn, bởi hơn ai hết "phù thủy" Park Hang-seo nắm rõ khả năng chuyên môn và tâm lý của từng học trò. Thầy Park luôn có cách để "kích" các cầu thủ đạt hơn 100% phong độ.

    Bình Luận