Dấu ấn chiến thuật và tâm thế thi đấu bình tĩnh là những điều có thể thấy được ở trận đầu tiên của HLV Philippe Troussier cùng ĐTQG Việt Nam trước đối thủ Hong Kong (Trung Quốc). Song, tại Lạch Tray, các cầu thủ chủ nhà đã không tạo nên một điểm nhấn thực sự đậm nét nào.
Đội bóng của Philippe Troussier
Trái ngược với màn trình diễn của các đàn em ở lứa tuổi U22 tại SEA Games, tuyển Việt Nam nhập cuộc với tâm lý thi đấu của những người đã quá dày dặn kinh nghiệm trận mạc, bằng sự bình tĩnh, chậm rãi trong ý đồ chơi bóng của mình. Có cảm giác rằng khoảng 15 phút thi đấu đầu tiên của trận đấu giống như một bài tập kiểm soát bóng của thầy trò HLV Troussier trước Hong Kong.
Theo diễn biến của trận đấu, những phương án di chuyển đội hình và phối hợp tấn công có dấu ấn của vị chiến lược gia người Pháp đã được thể hiện với 11 cầu thủ có trình độ chơi bóng cao hơn hẳn so với lứa U22.
Thứ nhất, không khó để nhận ra yêu cầu của ông Troussier với các cầu thủ tấn công về việc hoán đổi vị trí và tạo ra các nhóm chuyền bóng. Ngay từ những phút đầu trận, đã có những thời điểm Văn Hậu và Tấn Tài là những người hoạt động ở khu vực của các tiền vệ tấn công trong khi Quang Hải và Tuấn Hải di chuyển ra hành lang.
Rộng hơn trên toàn đội hình, để tạo ra các lựa chọn chuyền bóng khác nhau trong một khu vực sân, các trung vệ lệch cũng được cho phép di chuyển đồng bộ ở hành lang cánh của mình. Những hình ảnh của Tuấn Tài hay Ngọc Thắng tại SEA Games có thể được thấy trong cách chơi của Thanh Bình, đặc biệt trong hiệp một.
Kiểm soát bóng chủ động ở một biên rồi tấn công ở biên còn lại là một trong những phương án tấn công thường gặp với đội bóng được dẫn dắt bởi HLV Philippe Troussier. Với trình độ các cầu thủ cao hơn, chiến lược gia người Pháp đã không mất nhiều thời gian để tạo nên thói quen cho học trò.
Nói đến thói quen khi chơi bóng, một trong những yêu cầu dễ bắt gặp nhất mà ông Troussier áp dụng cho các cầu thủ của mình ở bất kỳ lứa tuổi nào là việc họ phải di chuyển nhận bóng đi kèm động tác tay để tạo thông tin cho đồng đội về hướng nhận bóng mong muốn. Đây là thứ có thể bắt gặp ở gần như bất cứ buổi tập nào của vị chiến lược gia người Pháp. Với ĐTQG Việt Nam, đó dường như đang trở thành phản xạ có điều kiện.
Động thái di chuyển và động tác tay ấy không chỉ đơn giản là các cử chỉ giao tiếp trên sân. Đằng sau những thói quen nhỏ ấy là ý đồ xây dựng phản xạ của ông Troussier cho các cầu thủ với phương án phối hợp đặc sản của vị HLV này: những tình huống di chuyển người thứ 3.
Ở đầu hiệp hai, đẳng cấp của các cầu thủ áo đỏ được thể hiện trong một tình huống triển khai nhuần nhuyễn từ 1/3 cuối sân.
Một cách khái quát, đó sẽ là hình ảnh của tuyển Việt Nam dưới thời HLV Philippe Troussier với triết lý chơi bóng mà vị chiến lược gia này đã tuyên bố. Linh hoạt, cơ động trong các tình huống di chuyển hỗ trợ triển khai bóng để tạo ra các cơ hội tấn công. Những pha bóng xuất phát từ sân tập và được hiện thực hóa trong trận đấu. Cơ hội ghi bàn mười mươi mà Đinh Thanh Bình có được ở ngay thời điểm đầu hiệp hai đại diện cho những gì mà các cầu thủ áo đỏ có thể thực hiện theo yêu cầu mà vị tân HLV trưởng đề ra.
Rõ ràng với những cầu thủ ở cấp độ đội tuyển, ông Troussier không mất quá nhiều thời gian để giới thiệu và áp dụng những ý tưởng của mình. Song để duy trì thế trận, duy trì các tình huống phối hợp một cách liên tục và có được sự hiệu quả với cách chơi ấy lại là một câu chuyện mang tính quá trình.
Những tồn tại
90 phút tại Lạch Tray không chỉ chứng kiến những tình huống di chuyển hợp lý, những phương án tấn công rõ ràng của tuyển Việt Nam mà nó còn cho thấy ở nhiều thời điểm, các học trò của HLV Troussier vẫn chưa thể thích ứng kịp với một lối chơi hoàn toàn mới. Những sai số đã xuất hiện và không dưới một lần, đối thủ không được đánh giá cao là Hong Kong (Trung Quốc) có cơ hội rõ rệt để ghi bàn vào lưới Văn Lâm.
Trong yêu cầu của HLV Troussier, các trung vệ lệch sẽ cần đảm nhiệm những vai trò tương đối phức tạp về mặt di chuyển, hỗ trợ đồng đội khi có bóng. Song song với đó là các tình huống di chuyển hướng về phía trước của các tiền vệ trung tâm. Ở nhiều thời điểm cụ thể, những lựa chọn không hợp lý với bóng có thể sẽ khiến ĐT Việt Nam rơi vào trạng thái không thể giữ được sự cân bằng trong cự ly đội hình của mình, trạng thái là nguyên nhân cho các tình huống phản công của đối phương.
Từ giới thiệu một triết lý mới tới “giáo dục” các cầu thủ như chính lời HLV Troussier từng đề cập, tới việc có được trọn vẹn niềm tin của các học trò dành cho triết lý bóng đá ấy sẽ là một quá trình với vị chiến lược gia người Pháp.
Bên cạnh đó, những phương án nhân sự phù hợp và vai trò cho từng vị trí cũng là một yếu tố đáng cân nhắc với ban huấn luyện của tuyển Việt Nam với ví dụ điển hình là Quang Hải.
Phẩm chất của cầu thủ mang áo số 19 thuộc khu vực 1/3 cuối sân, nơi những quyết định của tiền vệ này luôn mang đến sự đột biến cao. Trong 90 phút thi đấu trọn vẹn của mình, Quang Hải đã phần nào cho thấy điều đó khi không dưới một lần tạo ra các thời cơ rõ rệt cho ĐT Việt Nam.
Tuy nhiên, theo cách di chuyển đội hình của ĐT Việt Nam trong hiệp một, cựu tiền vệ của CLB Hà Nội dành nhiều thời gian chơi ở vị trí của trung vệ Thanh Bình hơn là khu vực hoạt động của một tiền vệ tấn công. Ở khu vực hoạt động vốn dĩ có sự xuất hiện của những chân điều tiết trận đấu xuất sắc khác như Ngọc Hải hay Hoàng Đức, Quang Hải có lẽ cần phải được đặt vào phạm vi quen thuộc của mình nhiều hơn.
Không thể nói rằng bản thân Quang Hải đã chơi ấn tượng ở giai đoạn mà cầu thủ này không duy trì được cảm giác với bóng và cảm giác không gian một cách ổn định. Nhưng rõ ràng việc đặt Quang Hải chơi thấp không phải là một lựa chọn tối ưu với cách chơi hiện tại của tuyển Việt Nam.
Đó sẽ là một trong những gạch đầu dòng quan trọng trong quá trình làm quen, thử nghiệm và tìm ra được phương án nhân sự cũng như chiến thuật tốt nhất cho tuyển Việt Nam của HLV Philippe Troussier. Với trình độ cầu thủ cao hơn, chiến lược gia người Pháp hoàn toàn có cơ sở để áp dụng những ý tưởng bóng đá của mình, từ đó tìm ra sự cân bằng và những dấu ấn cụ thể hơn trong hành trình dài hơi trước mắt.
Bình Luận