Việt Nam cần chuẩn bị gì khi World Cup tăng lên 48 đội?

Châu Á sẽ có 8 suất dự khi World Cup nâng lên 48 đội vào năm 2026. Đó là cơ hội “trăm năm có một” mà bóng đá Việt Nam không thể bỏ lỡ.

Vậy Việt Nam cần chuẩn bị gì để sẵn sàng giành cơ hội tham dự World Cup 2026?

World Cup 2026 và cơ hội cho bóng đá Việt Nam

World Cup 2026 tại Bắc Mỹ sẽ là Cúp thế giới đầu tiên có 48 đội tham dự. Khu vực châu Á sẽ được trao 8 suất dự vòng chung kết, gần gấp đôi so với 4,5 suất hiện tại. Đây là cơ hội lớn cho những nền bóng đá tầm trung của khu vực, trong đó có Việt Nam. Nếu tuyển Việt Nam muốn có vé dự vòng chung kết World Cup 2026, chúng ta phải lọt vào top 8 châu Á trong 8 năm tới.

Trước thềm World Cup 2018, đội tuyển Việt Nam đã tiến rất gần tới vòng loại cuối khu vực châu Á (12 đội). Văn Quyết và đồng đội kết thúc vòng loại với vị trí thứ 3 bảng F - chỉ xếp sau hai cường quốc là Iraq và Thái Lan.

Thành tích ấy là kết quả tốt nhất của tuyển Việt Nam trong lịch sử tham dự các vòng loại World Cup. Kết quả ấy cho thấy bóng đá Việt Nam đang tiến bộ không ngừng ở sân chơi châu lục và hoàn toàn có thể vươn tới các mục tiêu cao hơn trong tương lai.

Hiện tại, tuyển Việt Nam xếp hạng 102 thế giới, nằm trong khoảng top 15 tới 20 châu Á.

Nếu muốn dự World Cup, tuyển Việt Nam cần tiến vào và giữ một vị trí ổn định trong top 100 FIFA. Về mặt thành tích, đội tuyển cần góp mặt ở vòng loại cuối World Cup 2022, giành quyền chơi ở tứ kết Asian Cup 2019 và xa hơn là 2023. Những trải nghiệm đỉnh cao ấy sẽ là nền tảng cho giấc mơ World Cup 2026.

Đào tạo trẻ là điều kiện tiên quyết

Nếu lấy năm 2007 - thời điểm Học viện bóng đá HAGL JMG ra đời, là mốc khởi đầu, bóng đá Việt Nam đã trải qua hơn một thập kỷ dưới cuộc cách mạng đào tạo trẻ. Trong 10 năm ấy, một hệ thống những trung tâm đào tạo mới như HAGL, PVF, Viettel, Hải Dương, CLB Hà Nội... đã liên tục ra đời.

Sự xuất hiện của các trung tâm mới đã làm thay đổi hình hài bóng đá trẻ Việt Nam. Vài năm trở lại đây, bóng đá Việt Nam liên tục gặt hái thành công nhờ hệ thống ấy. Chiến tích của U23 Việt Nam ở ASIAD 2014, tấm vé dự U20 World Cup 2017 hay đỉnh cao là ngôi Á quân giải U23 châu Á 2018, tất cả cho thấy bóng đá trẻ Việt Nam đang đi đúng hướng.

Việt Nam cần chuẩn bị gì khi World Cup tăng lên 48 đội? - Bóng Đá

 Thế hệ của Bùi Tiến Dũng được kỳ vọng sẽ đưa bóng đá Việt Nam tới những thành công lớn hơn. Ảnh: Hải An.

Nếu bóng đá Việt Nam muốn có mặt ở World Cup 2026, đào tạo trẻ sẽ là điều kiện tiên quyết.

HLV Park Hang-seo từng nói nếu Việt Nam có 5 trung tâm PVF, chúng ta có thể mơ về World Cup trong tương lai. Một thập kỷ trước, sự ra đời của HAGL và các lò đào tạo mới đã giúp U23 Việt Nam giành ngôi Á quân châu Á. Hãy tưởng tượng xem, một thập kỷ sau, bóng đá Việt Nam sẽ thu được điều gì nếu tiếp tục đầu tư cho những người trẻ.

Cải tổ V-League, thay đổi hệ thống thi đấu

World Cup 2018 chứng kiến điều nghịch lý của bóng đá Việt khi Việt Nam là tuyển quốc gia hiếm hoi trong khu vực không tập trung còn V-League là giải quốc nội duy nhất tiếp tục thi đấu với cường độ cao. “Nhịp sinh học” của bóng đá Việt Nam hoàn toàn khác với thế giới. Nó là bằng chứng cho thấy bóng đá Việt Nam chưa từng sẵn sàng cho giấc mơ World Cup.

Để giấc mơ 2026 trở thành hiện thực, hệ thống ấy sẽ phải thay đổi.

V-League và các giải vô địch quốc gia phải vận hành ăn khớp với lịch hoạt động của FIFA. Các đội tuyển Việt Nam phải hướng tới những sân chơi châu lục như ASIAD hay Asian Cup. VFF phải cởi mở, tạo điều kiện cho cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu nhiều hơn.

Việt Nam cần chuẩn bị gì khi World Cup tăng lên 48 đội? - Bóng Đá

 World Cup 2026 là lần đầu tiên trong lịch sử, Cúp thế giới có 48 đội dự vòng chung kết.

Thực tế cho thấy, các đội tuyển tham dự World Cup đều được dẫn dắt bởi những cầu thủ đang thi đấu ở các giải lớn như Son Heung-min (Hàn Quốc) hay Mohamed Salah (Ai Cập).

Tiến Dũng, Quang Hải và vai trò của lứa U23 Việt Nam

Trong “mục tiêu thế kỷ” ấy của bóng đá Việt Nam, vai trò của lứa U23 với những Tiến Dũng, Quang Hải, Xuân Trường, Duy Mạnh là cực kỳ quan trọng. Năm 2026, phần lớn đội hình U23 Việt Nam sẽ ở quãng tuổi từ 27 tới 31.

Bản thân Bùi Tiến Dũng năm ấy vừa tròn 29 tuổi. Đó là độ tuổi đẹp nhất trong sự nghiệp của một thủ môn, là thời điểm Tiến Dũng đạt tới độ “chín” cả về trình độ, kinh nghiệm lẫn tâm lý thi đấu. Cùng với những đồng đội như Quang Hải, Duy Mạnh... họ sẽ là những người dẫn dắt các thế hệ đàn em tới giấc mơ World Cup 2026.

Việt Nam cần chuẩn bị gì khi World Cup tăng lên 48 đội? - Bóng Đá

 Bùi Tiến Dũng sẽ 29 tuổi vào năm 2026 - đạt tới độ “chín” cả về trình độ, kinh nghiệm lẫn tâm lý thi đấu. Ảnh: Hoàng Hà.

Thời gian gần đây, Bùi Tiến Dũng cũng đang cho thấy dấu hiệu tiến bộ. Sau những rắc rối ở Thanh Hóa hồi đầu mùa, thủ môn của U23 Việt Nam đã cho thấy quyết tâm và khát vọng mãnh liệt. Tinh thần bất bại, dám đương đầu và vượt qua mọi giới hạn, thử thách được truyền cảm hứng từ Clear Men đã giúp anh chiến thắng trong cuộc cạnh tranh vị trí, chinh phục HLV trưởng Đức Thắng để trở thành sự lựa chọn số một trong khung gỗ Thanh Hóa. Không hề tình cờ khi quãng thời gian hồi sinh của Thanh Hóa gắn liền với sự trở lại của Tiến Dũng trong khung thành.

Với những sự chuẩn bị dài hạn, giấc mơ World Cup 2026 của bóng đá Việt Nam không hề xa vời.

Nguồn: Zing.vn
    Bình Luận