HLV Troussier mạnh dạn thay đổi nhân sự
Với việc chỉ có trong tay 20 cầu thủ, chiến lược gia người Pháp vẫn có những quyết định tương đối dứt khoát về nhân sự xuyên suốt SEA Games 32. Phần lớn trong số đó đều cho thấy được hiệu quả.
Trước khi kì đại hội tại Campuchia khởi tranh, ít ai nghĩ rằng cặp tiền vệ trung tâm sinh năm 2003 Nguyễn Thái Sơn và Nguyễn Đức Phú có thể chiếm được một suất đá chính ở tuyến giữa của U22 Việt Nam. Trước đó, ông Troussier thường có thói quen lựa chọn những mẫu tiền vệ trung tâm có khả năng điều tiết bóng tốt như Huỳnh Công Đến, Lê Quốc Nhật Nam hay xa hơn là Nguyễn Thanh Khôi trong sơ đồ 3-4-3 quen thuộc của mình. Song, cả Thái Sơn và Đức Phú đã thuyết phục được ban huấn luyện bằng ý chí chiến đấu, khả năng hoạt động với tần suất cao và tính cân bằng mang lại cho hệ thống của U22 Việt Nam.
Một trường hợp khác cũng xứng đáng được nhắc tên là trung vệ Nguyễn Ngọc Thắng. Nếu so về cả kinh nghiệm làm việc với chiến lược gia người Pháp lẫn kinh nghiệm thi đấu quốc tế, Ngọc Thắng không thể cạnh tranh với những người đồng nghiệp. Không được ra sân ở cả 3 trận đấu đầu tiên ở vòng bảng, nhưng khi được trao cơ hội, Ngọc Thắng đã chiếm trọn sự tin tưởng của HLV Troussier và đá chính 3 trận đấu còn lại của U22 Việt Nam.
Cầu thủ thuộc biên chế CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh cho thấy sự tự tin của mình cả khi có bóng lẫn thời điểm phòng ngự. Những lựa chọn phát triển bóng quyết đoán và hợp lý lên phía trước của Ngọc Thắng tạo ra hình ảnh U22 Việt Nam cân bằng hơn ở hai hành lang cánh, chứ không còn phụ thuộc vào một mình cái chân trái của Phan Tuấn Tài.
Trên hàng tấn công, những cá nhân ở độ tuổi U20 cũng gần như được sử dụng ở tất cả các trận đấu. Quốc Việt, Văn Trường hay Văn Khang cho thấy được chất lượng và sự tự tin của mình một khi có cơ hội vào sân và mang đến một bộ mặt mới mẻ cho U22 Việt Nam.
Đánh giá một cách khách quan, có thể nói ông Troussier đã tỏ ra tương đối kiên quyết trong các lựa chọn về nhân sự của mình. Đó sẽ là một tín hiệu tích cực không chỉ ở cấp độ U22, mà còn là với ĐTQG Việt Nam trong thời gian sắp tới.
Những miếng tấn công được định hình ở U22 Việt Nam
Đúng như những tuyên bố của mình ở thời điểm nhận chức hồi tháng 2, ông Troussier đã giúp các cầu thủ trẻ trong tay mình dần hiện thực khả năng kiểm soát trận đấu và tạo ra cơ hội ghi bàn một cách chủ động. Càng ở những trận đấu cuối tại SEA Games lần này, những phương án tấn công của U22 Việt Nam càng được thể hiện một cách rõ nét và tạo ra hiệu quả cao.
Khi một miếng đánh được thực hiện thành công và tạo ra các pha dứt điểm nhiều hơn một lần xuyên suốt giải đấu, có thể khẳng định phương án ấy đã được tập luyện nhiều lần và mang lại niềm tin cho các cầu thủ. Điển hình nhất là những tình huống phối hợp ở hành lang cánh trái nơi có sự góp mặt của trung vệ lệch Phan Tuấn Tài. Những tình huống tiền vệ tấn công di chuyển lôi kéo hậu vệ đối phương, tạo khoảng trống cho wing-back băng xuống gần như đã trở thành “bài tủ” của U22 Việt Nam sau chỉ 2 tháng tập luyện cùng nhau. Đã hơn một lần, phương án tấn công ấy phát huy hiệu quả và mang về cơ hội ghi bàn rõ rệt cho đội bóng của HLV Troussier tại giải đấu lần này.
Việc sử dụng Tuấn Tài trong vai trò của một trung vệ xuyên suốt giải đấu cũng cho thấy sự kiên định và niềm tin của chiến lược gia người Pháp với triết lý chơi bóng của mình. U22 Việt Nam cần những trung vệ chơi ở biên thuận chân sắm vai những người bắt đầu ở mỗi đợt triển khai bóng. Phía trước họ, cặp tiền vệ trung tâm sẽ làm vai trò cầu nối hỗ trợ, hai tiền vệ tấn công cùng tiền đạo tạo ra các điểm nhận ở sau lưng tuyến tiền vệ đối phương, trong khi hai wing-back luôn nhận nhiệm vụ tấn công chiều sâu và đưa bóng vào vòng cấm địa đối phương.
Với những điều chỉnh từ ban huấn luyện, các cầu thủ nắm bắt được tốt hơn các khoảng trống tấn công cần chiếm lĩnh, lựa chọn chuyền bóng và di chuyển được thực hiện một cách đồng bộ hơn, cũng như ở một nhịp độ tốt hơn so với thời điểm khởi đầu giải đấu.
Nếu chỉ xét riêng ở khâu tấn công, đội bóng trẻ của ông Troussier đã làm không hề tồi trong các cuộc đối đầu với U22 Thái Lan, U22 Indonesia và U22 Myanmar. Sự cải thiện trong thời gian ngắn là thứ xứng đáng được ghi nhận từ U22 Việt Nam.
Không chỉ dừng lại ở đó, các học trò của chiến lược gia người Pháp cũng dần tạo ra được sự đa dạng trong các miếng tấn công của mình. Các tình huống tạo ra nguy hiểm không chỉ xuất phát từ hành lang biên trái nơi có sự góp mặt của Tuấn Tài, mà còn trải đều ở khắp các khu vực trên sân, với ý thức và tư duy chơi bóng đã được cải thiện.
Hình ảnh 2 bàn thắng của U22 Việt Nam trong trận đấu cuối cùng gặp U22 Myanmar có thể xem là 2 bàn thắng điển hình cho các miếng phối hợp tấn công khác nhau mà các cầu thủ trẻ có thể tạo ra. Một, đến từ nhóm phối hợp sở trường ở biên cánh trái với người kết thúc tình huống là wing-back phải Hồ Văn Cường. Một đến từ bài tấn công trực diện ở hành lang cánh phải với đường chuyền xuyến tuyến quen thuộc của Ngọc Thắng.
Ông Troussier có lí khi nhận định rằng những cầu thủ trẻ trong tay mình có tiềm năng phát triển lớn ở tương lai. Nói đơn cử, sự đa dạng trong phong cách chơi bóng và chất lượng trong lối chơi của nhóm 6 cầu thủ trên hàng tấn công là thứ khó có thể tìm thấy ở bất kì lứa cầu thủ nào ở giai đoạn trước đây của bóng đá Việt Nam. Những Văn Tùng, Thanh Nhàn, Văn Đô, Văn Trường, Văn Khang và Quốc Việt hứa hẹn sẽ là sự bổ sung đáng chú ý cho ĐTQG trong thời gian sắp tới.
Bản lĩnh thi đấu và hàng thủ còn non của U22 Việt Nam
Tiềm năng, nhanh chóng cải thiện bản thân là những điều vô cùng tích cực mà U22 Việt Nam đã cho thấy tại SEA Games 32 lần này. Song, trái ngược với thành công tại 2 kì đại hội Đông Nam Á trước đó, đội bóng của HLV Troussier lại không cho thấy được bản lĩnh của một nhà vô địch ở các thời điểm quyết định.
Khó lòng có thể tìm ra một cầu thủ mang dáng dấp thủ lĩnh trong lối chơi trong đội hình U22 Việt Nam tại giải đấu lần này. Đội bóng của U22 Việt Nam cho thấy hình ảnh của một tập thể trẻ sẵn sàng thi đấu ở một cường độ liên tục trong cả tấn công và phòng ngự, hơn là một tập thể có thể điều chỉnh tốc độ của trận đấu theo ý mình. Đó là bối cảnh mà vai trò của một thủ lĩnh trong lối chơi tỏ ra quan trọng hơn cả.
Việc thiếu đi kinh nghiệm thi đấu và bản lĩnh khiến U22 Việt Nam phải nhận những bàn thua không đáng có, mà đặc biệt là ở trận bán kết với U22 Indonesia.
Cùng với đó, chất lượng phòng ngự cá nhân cũng là một trong những điểm tồn tại lớn của các học trò HLV Troussier sau giải đấu này. Người hâm mộ Việt Nam đã quá quen thuộc với hệ thống phòng ngự 3-4-3/5-4-1, mà ở đó các trung vệ luôn có được các tình huống tranh chấp mạnh mẽ ở trước mặt, cũng như khả năng kiểm soát khoảng trống sau lưng một cách quyết liệt. Với U22 Việt Nam tại giải đấu lần này, đó lại chính là những thứ họ chưa thể hoàn thành tốt, đặc biệt ở các thời điểm đối thủ chủ động đẩy cao tốc độ trận đấu.
Hành trình SEA Games đã khép lại với những cảm xúc đối lập dành cho lứa cầu thủ trẻ của bóng đá Việt Nam. Các học trò của HLV Philippe Troussier rõ ràng vẫn còn nhiều thiếu sót để cạnh tranh tấm huy chương vàng lần thứ 3 liên tiếp. Song, chiến lược gia người Pháp phần nào đã hiện thực hóa tầm nhìn của mình trên cương vị HLV trưởng các ĐTQG Việt Nam. Một đội bóng sẵn sàng kiểm soát thế trận, đa dạng các phương án tấn công đã được hình thành.
Hy vọng, triết lý bóng đá ấy sẽ được áp dụng một cách thành công ở ĐTQG Việt Nam, nơi chất lượng cầu thủ là thứ đã được khẳng định. Bên cạnh đó, hãy hy vọng lứa cầu thủ tiềm năng ở lứa U22 tại SEA Games lần này sẽ có nhiều cơ hội thi đấu ở cấp độ CLB hơn để trở thành một nền tảng tốt phục vụ cho những phương án chiến thuật của vị chiến lược gia người Pháp.
Bình Luận