Cách đá này đã tạo ra nhiều sự hấp dẫn cho 14 đội bóng, vì tất cả phải chạy đua cật lực ngay từ đầu để chiếm lợi thế ở lượt về. Tuy nhiên, V-League càng về cuối lại càng có nguy cơ không tích cực từ các CLB đã rơi rớt mục tiêu hoặc những cái bắt tay của tình bạn truyền thống.
Chẳng hạn, B. Bình Dương, HA Gia Lai cực khó chạy đua lên ngôi vô địch dễ dẫn đến trạng thái thả lỏng hay thiếu quyết tâm của cầu thủ, đặc biệt rơi vào các tuyển thủ quốc gia nằm trong tầm ngắm của ông Park. Rõ hơn là Hà Tĩnh đứng cuối nhóm đội mạnh hoặc Than Quảng Ninh dù còn cửa vô địch mà vắng động lực, ai cấm họ dưỡng chân cho mục đích khác? Khi tính chất của mỗi trận đấu lượt về như chung kết, một cú ngã có chủ đích sẽ tạo lợi thế rất lớn cho nhóm đội khao khát lên ngôi thực sự.
HA Gia Lai hết cửa tranh vô địch lại thua tan nát sau hai lượt đấu giờ rất khó giữ được sức mạnh tinh thần lẫn động lực để thi đấu. Ảnh: NGỌC DUNG
Chuyện các CLB làm nhà phân phối ở sân chơi V-League không lạ, có khi chỉ vì cái nghĩa với nhau để những mùa sau còn giúp đỡ nhau trong cơn ngặt nghèo, không hẳn là tiền bạc.
Nhóm dưới chạy trốn một suất rớt hạng ráo riết hơn thì cuộc chơi ở hậu trường càng phức tạp hơn. SL Nghệ An, SHB Đà Nẵng, Thanh Hóa đã sớm trụ hạng trước ba vòng đấu sẽ chi phối rất mạnh đến cuộc đua trụ hạng của ba đội xếp sau. Điểm số với họ lúc này không còn ý nghĩa và phần thưởng của ban tổ chức cũng không hấp dẫn bằng thứ bóng đá tình cảm lẫn sự lại quả xứng đáng hơn.
Cái khó của các nhà làm giải lâu nay là luôn bất lực trước sự toan tính và thực hiện một cách tinh vi của những CLB đã hết mục tiêu lại thích đi “làm từ thiện”.
Bình Luận