Trở lại sân cỏ sau 2 năm giải nghệ, hậu vệ Phùng Văn Nhiên (38 tuổi, DNH Nam Định) trở thành cầu thủ lớn tuổi nhất lịch sử V-League
Thực trạng này cho thấy điều gì và có tác động ra sao tới bóng đá Việt Nam?
Khi những lão tướng vẫn cày ải
Ở trận đấu giữa Hà Nội FC và Viettel tại vòng 5 giai đoạn 2 V-League 2020, đội bóng Thủ đô xuất phát với 2 cầu thủ trên 30 tuổi là thủ thành Bùi Tấn Trường (34 tuổi) và tiền vệ Lê Tấn Tài (36 tuổi). Sang hiệp 2, HLV Chu Đình Nghiêm tung thêm Phạm Thành Lương (32 tuổi) vào sân. Đây cũng là ba cầu thủ thường xuyên được sử dụng trong đội hình Hà Nội FC ở mùa giải năm nay.
Từ lâu, Hà Nội FC vốn được biết đến là cái nôi đào tạo trẻ hàng đầu Việt Nam. Mặc dù vậy, đội bóng Thủ đô vẫn phải trọng dụng các lão tướng. Không riêng nhà đương kim vô địch, nhiều CLB đang thi đấu ở V-League 2020 cũng có xu hướng thích dùng cầu thủ tuổi băm.
Tiêu biểu nhất chắc chắn là DNH Nam Định. Đoàn quân áo vàng có hậu vệ Phùng Văn Nhiên (38 tuổi) cầu thủ lớn tuổi nhất lịch sử V-League. Cạnh đó, thủ thành Đinh Xuân Việt cũng đã 36 tuổi hay tiền đạo Đỗ Merlo 35 tuổi. HAGL cũng chẳng chịu kém cạnh khi đưa về tiền đạo Nguyễn Anh Đức (35 tuổi). Sài Gòn FC có Nguyễn Ngọc Duy (34 tuổi)…
Thực tế, độ tuổi trung bình của các đội bóng dự V-League 2020 khá cao, dao động từ 25-27 tuổi. Từ dẫn chứng trên, rõ ràng V-League đang tồn tại một nghịch lý. Trong những năm qua, bóng đá Việt Nam đầu tư mạnh cho đào tạo trẻ nhưng giải vô địch quốc gia lại sử dụng nhiều lão tướng cũng như độ tuổi trung bình có xu hướng tăng cao.
Thực trạng này phải chăng cho thấy công tác đào tạo trẻ ở V-League dù chuyển mình nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu cao, liên tục về chất lượng nhân sự. Cụ thể hơn, nhiều đội bóng không trình làng được những cái tên giàu tiềm năng nên buộc phải đưa về những cái tên lớn tuổi.
HAGL sau lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh gần như không còn gây được tiếng vang. Những lứa kế cận ở sân Pleiku tuy vẫn được đào tạo bài bản nhưng sức bật kém, thể hiện qua việc đội bóng phố núi không thành công ở nhiều giải trẻ. Quân HAGL cũng ngày một vắng bóng ở các lứa tuyển trẻ.
Ngay cả Hà Nội FC, đội bóng vốn mát tay trong việc bồi dưỡng cầu thủ trẻ cũng đang chững lại sau thế hệ 1997-1999. Không phải bỗng dưng Lê Tấn Tài, Bùi Tấn Trường được nhà đương kim vô địch chiêu mộ và lập tức đóng vai trò quan trọng.
Nhìn xa hơn, xu hướng già hóa nhân sự tại V-League phần nào hạn chế cơ hội của cầu thủ trẻ. Theo thống kê, chỉ có 23 cầu thủ thuộc thế hệ 2000 (sinh từ năm 2000 trở về sau) được đăng ký thi đấu. Trong bản danh sách U22 Việt Nam HLV Park Hang-seo mới công bố, rất nhiều cầu thủ ít được ra sân.
Điều này chắc chắn khiến HLV Park Hang-seo đau đầu trong việc chuẩn bị nhân sự cho Vòng loại U23 châu Á và SEA Games 31. U22 đã khó, U19 càng khó hơn bởi cực hiếm cầu thủ ở lứa tuổi này có chỗ đứng tại V-League, phần nhiều đang chơi cho các giải đấu thấp.
Có đáng lo ngại?
Theo bình luận viên Vũ Quang Huy, người hâm mộ không nên quá lo lắng khi V-League xuất hiện nhiều cầu thủ lớn tuổi bởi đơn thuần đây chỉ là hiện tượng. “Tôi cho rằng, việc trong một mùa giải có nhiều lão tướng xuất trận là sự ngẫu nhiên ở từng giai đoạn, từng thời kỳ.
Còn về cơ bản V-League vẫn đang nỗ lực trẻ hóa. Nhưng cũng cần phải nhìn nhận, mấy năm gần đây các đội bóng trẻ hóa thì cũng có thời điểm phải dừng lại để căn chỉnh, sàng lọc và phát huy năng lực của các cầu thủ đã chứng minh được năng lực, số này đương nhiên không thể quá trẻ”, ông Huy phân tích.
Cũng theo bình luận viên Vũ Quang Huy, với yêu cầu ngày một cao về mặt chuyên môn ở V-League, cầu thủ trẻ để có chỗ đứng phải thực sự cứng cáp và có những tố chất đặc biệt hoặc ít nhất nhất là biết tận dụng cơ hội.
Ngược lại, với cầu thủ lớn tuổi, việc họ được ra sân thường xuyên chứng minh một điều rằng bóng đá Việt Nam ngày một chuyên nghiệp, bản thân cầu thủ có ý thức tập luyện, giữ gìn thể lực.
“Tôi biết họ đều cố gắng, thậm chí cố gắng hơn cầu thủ trẻ bởi họ hiểu muốn trụ lại thì phải duy trì được nền tảng thể lực. Ngoài các bài tập chuyên môn, họ còn tập thêm gym, yoga để bổ trợ. Đây nhìn chung là điều đáng mừng chứ không đáng lo”, ông Huy nói thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia Lê Thế Thọ khẳng định, việc một số CLB ở V-League sử dụng cầu thủ “tuổi băm” không phải vấn đề đáng lo ngại.
“Bóng đá thế giới chứng kiến nhiều cầu thủ lớn tuổi vẫn thi đấu đỉnh cao. Tiêu biểu như Ibrahimovic, cầu thủ này đã 39 tuổi, từng sang Mỹ thi đấu để dưỡng già nhưng rồi lại về khoác áo AC Milan tại Serie A, trở thành cây làm bàn số 1. Quay ngược với V-League, theo tôi số lượng cầu thủ thuộc hàng lão tướng đang chơi bóng không quá lớn, chiếm tỉ lệ nhỏ”, ông Thọ nêu ý kiến.
Vị cựu danh thủ cũng nhấn mạnh, các đội bóng sử dụng cầu thủ lớn tuổi thường rơi vào hai trường hợp. Thứ nhất, không có tiền mua cầu thủ chất lượng cao và Nam Định là ví dụ. Thứ hai, đội bóng muốn giải quyết tình huống trước mắt.
“Hà Nội mùa này khủng hoảng lực lượng nên họ đưa Tấn Tài về để chữa cháy. Tương tự là HAGL, lối chơi mà họ xây dựng thiếu một người làm tường giỏi nên họ mang về Anh Đức”, ông Thọ nói.
Lịch thi đấu vòng 6 giai đoạn 2 V-League 2020 - 17h ngày 3/11: B.Bình Dương - HAGL - 18h ngày 3/11: Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - TP HCM - 19h15 ngày 3/11: Viettel - Than Quảng Ninh - 19h15 ngày 4/11: Hà Nội FC - Sài Gòn FC. |
Bình Luận