Không chỉ có 2 HLV Việt Nam là Trịnh Duy Quang (U21 tuyển chọn Việt Nam), Trần Minh Chiến (U19 Việt Nam), ngay cả hai vị “tướng” trẻ Thái Lan và Myanmar cũng phải ngả mũ thán phục lối chơi của đội bóng đến từ xứ mặt trời mọc. Từ cách tiếp cận trận đấu, đến tư duy trong lối chơi, việc thử nghiệm các vị trí trên sân của U21 Yokohama, đều cho thấy họ có một khoảng cách khá lớn với các đội bóng còn lại của khu vực Đông Nam Á.
Trong quá khứ, cụ thể ở giải U21 Quốc tế 2016, U21 Yokohama thật sự ngán U21 HAGL. Khi ấy, đội bóng trẻ phố núi khiến U21 Yokohama phải “tử thủ” trên sân Thống Nhất, trận đấu chỉ được định đoạt trên chấm luân lưu 11m đầy nghiệt ngã. Tuy nhiên, đến với giải đấu năm nay, kinh nghiệm và lối chơi của U21 Yokohama đã hoàn toàn khác. Ba thất bại của U21 Myanmar, U21 Thái Lan và U19 Việt Nam trước Yokohama đều có mẫu số chung là họ đều phải chơi bóng theo ý đồ mà đại diện bóng đá Nhật Bản chỉ ra trên sân.
Dù thực tế, đại điện của bóng đá trẻ xứ mặt trời mọc gặp bất lợi không nhỏ về mặt khí hậu. Bởi ở thời tiết ở Cần Thơ khá khác biệt so với Nhật Bản, nhưng trong 3 chiến thắng của Yokohama, họ vẫn mới sử dụng 70% sức mạnh.
Dù đăng ký đội hình lứa U21 để tham dự giải, nhưng Yokohama thực tế chỉ có 4 đến 5 cầu thủ ở lứa tuổi này. Trong đó có 3 cầu thủ được chơi ở J-League 1. Theo HLV Ono Shingi thì 3 cầu thủ trong đội hình U21 Yokohama cũng chỉ dự bị và không được ra sân chính thức, bởi họ còn quá non trẻ so với những cầu thủ còn lại. Điều này cho thấy ngoài mục tiêu bảo vệ thành công ngôi vô địch, đại diện bóng đá Nhật Bản đặc biệt quân tâm đến việc thử nghiệm, cấy ghép các vị trí trên sân.
Chiều nay (20/12), U21 tuyển chọn Việt Nam sẽ đối đầu với U21 Yokohama, nếu giành 1 điểm thầy trò HLV Trịnh Duy Quang sẽ chính thức có mặt ở trận chung kết. Thế nhưng, điều người hâm mộ và giới chuyên cần là việc U21 Việt Nam có thể gạt đi tất cả những toan tính về mặt điểm số, thành tích để nhìn thấy mặt hạn chế, tích cực khi đối diện với nền bóng đá phát triển tầm châu lục như U21 Yokohama hay không? Nếu chịu áp lực từ thành tích thì đó là quyết định cực khó với ban huấn luyện U21 Việt Nam. Bởi chính HLV Trịnh Duy Quang và HLV Trần Minh Chiến từng chia sẻ trong phòng họp báo, họ mong muốn U21 Việt Nam có mặt ở trận chung kết.
Cách đây cả chục năm, không hiển nhiên bầu Đức đốn hàng ngàn héc ta cao su để mở học viện bóng đá trẻ. Chi ra hàng chục tỷ đồng, thế nhưng khi những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường phát triển, ông bầu phố núi quyết định cho cả 3 “du học” ở Nhật Bản, Hàn Quốc. Nhưng đến với K-League và J-League, Công Phượng phát tờ rơi, Xuân Trường, Tuấn Anh mòn mỏi dự bị. Vậy, khi được cầm quân ở một trận đấu chính thức, ở một giải đấu chính thức, đối đầu với nền bóng đá phát triển, phải chăng điều chúng ta cần là sự cầu thị, tư duy và học hỏi. Bởi thành công hay thất bại ở giải đấu giao hữu không quá quan trọng.
Có lẽ, điều quan trọng hơn với nhiều vị trí và cũng là tương lai của bóng đá Việt Nam ở SEA Games 30 như Việt Hưng, Thanh Hậu, Văn Sơn, Thanh Bình, Anh Tài, Trọng Huy, Hoàng Đức, Hồng Sơn,..hay cả HLV trẻ như Trịnh Duy Quang là chúng ta học được gì sau khi đối đầu với U21 Yokohama? Đó thật sự mới là điều đáng quý, đáng trân trọng cho sự phát triển của nền bóng đá.
Ngược lại, nếu chúng ta cố gắng làm tất cả từ chuyện đá xấu, đá tiểu xảo, câu giờ cầu hòa để có mặt ở chung kết, điều đó đồng nghĩa với một thất bại.
Bình Luận