Trong những ngày qua, dư luận bóng đá Việt Nam xôn xao với câu chuyện xảy ra tại giải U15 Quốc gia trong trận bán kết giữa SLNA và Viettel. Cụ thể, ở phút 64, sau khi cầu thủ Trần Đông Thức nâng tỷ số lên 3-2 cho đội bóng "quê choa", hậu vệ Ngô Đức Anh đã ăn mừng bàn thắng bằng cách khiêu khích BHL của đối thủ.
Chứng kiến hành động của người học trò, HLV Ngô Quang Trường không giữ được sự bình tĩnh. Ông đã tiến đến và dùng chai nước rỗng đánh vào đầu Đức Anh trong sự can ngăn của các cầu thủ và một số thành viên của Cơn lốc đỏ.
Hậu vệ Ngô Đức Anh sau đó cũng đã bày tỏ sự hối hận về hành động của mình. Em viết trên trang cá nhân: "Trong lúc bốc đồng em đã có hành động chạy về phía BHL đội Viettel để ăn mừng. Em biết mình làm như vậy là sai và thầy làm như vậy cũng chỉ vì quá thương học trò và muốn tốt cho em.
Sau trận đấu em và thầy đã ôm nhau và em cảm nhận được sự ấm áp, tình yêu thương của thầy. Em đã xin lỗi thầy và em hứa sẽ không tái phạm một lần nào nữa. Đây là bài học quý giá với em, không chỉ là cách cư xử, lễ phép mà còn là tinh thần thể thao cao thượng, tôn trọng đối thủ".
Câu chuyện chưa dừng lại ở đó, hành động đánh học trò của HLV Ngô Quang Trường đã gây ra sự tranh cãi và nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận. Có những quan điểm thể hiện sự thông cảm, đồng thời ủng hộ cựu cầu thủ lừng danh một thời của CLB SLNA. Ngược lại, cũng không ít người đã phê phán cách cư xử của ông thầy 51 tuổi.
Đầu tiên, cần phải nhìn nhận rằng, hành động nông nổi của Ngô Đức Anh ở trận đấu vừa qua nói riêng và nạn bạo lực, máu ăn thua ở các giải đấu trẻ trong những năm qua đang ngày một gia tăng. Nó đem lại thực trạng đáng báo động cho bóng đá trẻ Việt Nam. Bởi lẽ, các em không chỉ học bóng đá mà còn học cách cư xử, đạo đức để trở thành những công dân tốt cho xã hội. Chính thói quen xấu hình thành từ các giải trẻ đã nuôi dưỡng cho bạo lực tiếp tục xảy ra khi các em trưởng thành và bước vào sân chơi chuyên nghiệp. Những hành vi thô bạo, trên mức cần thiết đến thường xuyên ở V-League là ví dụ điển hình.
Bởi thế cho nên, khi các cầu thủ đang trong các lứa U, họ rất cần sự giáo dục từ những người thầy. Điều đó giúp các em tiếp thu những cái tốt, xây dựng cách chơi bóng lành mạnh, fair play và tôn trọng đối thủ. Câu chuyện HLV Ngô Quang Trường răn đe Ngô Anh Đức là hoàn toàn có thể hiểu được. Nó xuất phát từ tâm huyết, lửa nghề mong muốn học trò nên người của nhà cầm quân sinh năm 1972.
Thế nhưng, cách răn đe của HLV Ngô Quang Trường trong phút tức giận khi vung chai nước vào đầu học trò lại là hành động không bao giờ được hoan nghênh. Lẽ ra, ông thầy 51 tuổi phải bình tĩnh hơn để cư xử ôn hòa, dạy bảo học trò bằng lời nói. Đó mới là cách làm đúng đắn, thuyết phục được tất cả và tránh tạo tâm lý không tốt cho cầu thủ, bởi lẽ dù sao các em cũng còn quá trẻ và cần những lời khuyên để trưởng thành.
Câu chuyện về hành động nông nổi của Ngô Đức Anh và sự tức giận quá mức của HLV Ngô Quang Trường cuối cùng cũng đã khép lại một cách êm đẹp. Tuy vậy, nó sẽ là bài học lớn về cách cư xử trên sân của các cầu thủ cùng với đó là sự răn dạy sao cho thuyết phục đến từ những người thầy để tránh tạo phản cảm, gây ra nhiều bức xúc cho NHM.
Bình Luận