Đến đây lại có một câu hỏi được đặt ra: ĐTQG đã xác lập được vị thế trên bản đồ châu Á, vậy liệu các đội tuyển trẻ của Việt Nam đã khẳng định được vị trí hay chưa? Thực tế, giữa các đội tuyển đều có sự khu biệt. Một ĐTQG có thể xếp hàng đầu nhưng các lứa cầu thủ trẻ chưa chắc đã tốt. Có khi ngược lại, một lứa cầu thủ trẻ tốt nhưng ĐTQG chưa chắc đã xuất sắc. Bóng đá Việt Nam từng rơi vào tình trạng như vậy, dù sở hữu nhiều tài năng trẻ nhưng lại không có một ĐTQG xứng tầm.
HLV Park Hang Seo đã đến và mở ra một trang mới cho bóng đá Việt Nam. Cũng với lứa cầu thủ tài năng nhưng từng thất bại đắng cay tại SEA Games 2017, họ đã rực sáng tại giải U23 châu Á 2018. Cũng lứa cầu thủ đó đã tạo ra một nhà vô địch Đông Nam Á và lập những mốc son mới ở châu lục.
Với một nửa đội hình giành ngôi á quân U23 châu Á 2018 tại Thường Châu (Trung Quốc), nhưng U23 Việt Nam bị loại ngay ở vòng bảng U23 châu Á 2020. Điều này cho thấy, ở địa hạt bóng đá trẻ, chúng ta đang có những khoảng trống phía sau. Bây giờ HLV Park Hang Seo phải đối diện những mối lo với U23 Việt Nam. Chúng ta cần phải thẳng thắn, U23 Việt Nam cần nỗ lực để vượt qua vòng bảng rồi mới tính tới VCK.
Rõ ràng, ĐTQG không phải là hệ quy chiếu của các đội tuyển trẻ. Nói cách khác, vị trí thế của ĐT Việt Nam khi lọt Top 12 châu Á không nói lên chất lượng của U23 hiện tại. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có những cơ sở để tin vào thầy Park và 5 tuyển thủ của ĐTQG có mặt ở vòng loại U23 châu Á sắp tới. Chiến thuật “cài răng lược”, cài cắm các cầu thủ trẻ lên ĐTQG đôi khi là động lực vô cùng lớn để họ tạo ra cú đại nhảy vọt.
Bình Luận