Bùi Hoàng Việt Anh: Bản lĩnh của chàng trai không may mắn

20 tuổi, Bùi Hoàng Việt Anh lận lưng được một số tiền ít ỏi. Anh quyết định vay thêm bạn bè, người thân để mua một căn chung cư ở cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Việt Anh mời bố mẹ từ Bình Dương cùng chị gái ra sống cùng mình. Đó cũng là lúc cả gia đình cầu thủ này được đoàn tụ bên nhau sau 8 năm xa cách…
Bùi Hoàng Việt Anh: Bản lĩnh của chàng trai không may mắn

Gian khổ nối gian truân 

Năm 2020, Bùi Hoàng Việt Anh giành danh hiệu Cầu thủ trẻ xuất sắc nhất V.League. Năm 2021, anh có tên trong màu áo ĐT Việt Nam. Năm 2022, Việt Anh cùng U23 Việt Nam giành Huy chương vàng SEA Games 31 ngay trên sân Mỹ Đình. Chỉ ít lâu sau đó, anh là đội trưởng của U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á 2022 tại Uzbekistan. 

Với ngần ấy dữ kiện, hậu vệ sinh đúng vào lúc 12h05 ngày 1/1/1999 sớm được giới mộ điệu xếp vào hàng ngũ những tài năng trẻ có lộ trình suôn sẻ. Ngay việc Việt Anh sinh ra vào chớm đầu năm 1999 thôi cũng trở thành một chi tiết để người hâm mộ đánh giá về sự may mắn. Bởi ai cũng biết rằng, với nghề cầu thủ, việc sinh năm lẻ thuận lợi hơn thế nào so với những đồng nghiệp sinh ra trong năm chẵn. 

Nhưng thực tế, những gì người viết đề cập trên đây cũng là tất cả may mắn mà Việt Anh có được xuyên suốt hành trình bóng đá đầy gian truân, đặc biệt là thời niên thiếu nhiều lắm những biến cố. 

Bà Nguyễn Thị Thắm - mẹ của Việt Anh vừa khóc vừa kể: “Suốt từ năm 13 tuổi đến giờ, Việt Anh thường được gọi lên các cấp độ ĐTQG. Nhưng cứ đến phút cuối, con trai tôi lại bị loại. Có lúc, Việt Anh tâm sự với tôi rằng: Không biết con có trụ nổi hay không, mẹ ơi. Thế rồi thời điểm có thể xem là suy sụp nhất với Việt Anh ập đến, khi con tôi bước sang tuổi 16. Một chấn thương khiến Việt Anh trải qua 8 tháng liền không thể tập luyện. 

Việt Anh (trên) trong một pha ăn mừng bàn thắng cùng đồng đội - Ảnh: ĐỨC CƯỜNG

Lúc bấy giờ, Việt Anh giấu bố mẹ. Nhất quyết con tôi không tâm sự về điều ấy. Thế rồi khi bố của Tuấn Anh (đồng đội của Việt Anh ở Hà Nội) lên thăm và chứng kiến tình cảnh ấy, anh liền gọi cho gia đình tôi và nói rằng: Thằng Việt Anh cứ vật vờ ở cầu môn, đi bộ lếch thếch bên ngoài trông thương lắm, anh chị à. Ông nhà tôi mới gọi điện cho thầy Vũ Hồng Việt để hy vọng tìm kiếm thêm thông tin về con trai. Trong đầu chúng tôi đã nghĩ, nếu Việt Anh chấn thương nặng thì có lẽ cái vận, cái duyên với bóng đá của con tôi coi như chấm dứt từ đây”… 

Sợ nhất là thấy nước mắt của mẹ 

May mắn đến với Việt Anh và bố mẹ anh. Theo kết quả kiểm tra sau đó, Việt Anh không gặp chấn thương đáng kể. Việt Anh được cùng đội U17 Hà Nội thi đấu tại TP.HCM. Sau này bà Thắm mới hỏi vì sao Việt Anh giấu thì trung vệ này kể lại rằng: “Con sợ nhất là thấy nước mắt của mẹ”. “Nói vậy, tôi lại càng thương con”, bà Thắm cho biết. 

Biến cố với Việt Anh ở thuở niên thiếu còn xảy ra khi nhà anh vỡ nợ. Bố mẹ Việt Anh vì gặp trắc trở trong đường kinh doanh mà phải vào Bình Dương làm công nhân, bảo vệ. Khi đấy, Việt Anh mới 12 tuổi. Nhưng có thể, đó cũng bước ngoặt để tạo nên một Việt Anh lỳ lợm, gai góc. Bà Thắm kể lại: “Lúc gia đình gặp biến cố, chính Việt Anh chủ động gọi điện động viên bố mẹ. Cả nhà có khi chỉ gặp nhau 1 lần trong năm. Nhưng Việt Anh chẳng hề khóc hay kêu nhớ mẹ. Tôi biết trong lòng con còn nhiều tâm tư. Nhưng bề ngoài, nó vẫn cố rắn rỏi để tôi không khóc”. 

Tác giả (trái) cùng bố mẹ của Việt Anh

Năm Việt Anh 18 tuổi, anh có tên trong danh sách đội trẻ Việt Nam sang Trung Quốc thi đấu. Nhưng cũng vì trục trặc hộ chiếu mà Việt Anh phải ở lại. Việt Anh khóc như mưa khi đó. Nhưng thay vì về nhà, anh trở lại CLB để tập luyện. “Khi đó, con tôi chẳng muốn gặp ai. Đấy cũng là thời điểm mà Việt Anh sau này kể với bố mẹ rằng con thật sự đã có lúc mất niềm tin và chẳng hề hy vọng về cơ hội được chơi ở một giải đấu quốc tế tầm cỡ”… 

Một thuở niên thiếu dữ dội quả thực đã khiến Việt Anh gai góc hơn, xù xì hơn so với những đồng đội cùng thời. Nhưng cũng chính điều đó tạo nên một con đường trưởng thành khác biệt của Việt Anh. Năm 20 tuổi, anh đánh dấu bước ngoặt vượt qua tuổi “teen” gian khổ bằng việc mua nhà. 

Thực tế, với số tiền ít ỏi kiếm được từ việc đi đá bóng, Việt Anh chỉ có thể trang trải một phần cho căn chung cư ở cửa ngõ phía Nam hiện nay. Phần lớn còn lại, Việt Anh vay tiền, tự xoay xở. Anh nói dối bố mẹ về giá trị căn chung cư, với mục đích để gia đình không phải lo toan chuyện tiền bạc. Anh đón bố, mẹ từ Bình Dương ra Hà Nội, mời chị gái đang ở nhà họ hàng về ở cùng. Gia đình 4 thành viên của Việt Anh cuối cùng cũng được đoàn tụ, sau 8 năm trời xa cách bởi những biến cố. 

Tất nhiên, Việt Anh vẫn phải lo toan tài chính về căn chung cư ấy. Nhưng khi tình cảm được đong đầy, sự nghiệp bóng đá có những bước đi thuận lợi trong 3 năm qua thì điều đó với Việt Anh không còn là chuyện lớn. Bà Thắm nở nụ cười rạng rỡ khi chứng kiến những bước đi cứng cỏi của con trai: “Nó vẫn nói với tôi rằng, những gì nó đã và đang cố gắng là vì gia đình, vì bố mẹ. Nói thế, tôi thật sự mừng và hạnh phúc”…

Một cầu thủ… “mê tín” 
Theo ông Bùi Trọng Điệp (bố của Việt Anh) và bà Nguyễn Thị Thắm, Bùi Hoàng Việt Anh là cầu thủ khá “mê tín”. Ông Điệp kể lại: “Trước khi lên đường thi đấu, Việt Anh chỉ nhờ bố dẫn từ nhà xuống xe. Ngoài ra, nó nhất định phải đi đúng một con đường, một lối xuống cầu thang nhất định khi từ nhà xuống sảnh chung cư. Việt Anh thường dặn bố nhắn tin chúc đội trước mỗi trận đấu”.

Bên cạnh đó, trước mỗi trận đấu, Việt Anh thường vuốt tóc. Khi ra sân hát quốc ca, phải đúng đến đoạn: “Đường vinh quang xây xác quân thù…”, Việt Anh mới bắt đầu cất tiếng hát. Tất cả điều đó được Việt Anh dựa trên một chiến thắng hoặc một chuỗi thắng lợi để anh tự coi rằng đó là yếu tố tâm linh nhằm thi đấu tự tin hơn.

    Bình Luận