“Tôi đến với nghề bác sĩ thể thao như một cơ duyên và thật vinh dự, may mắn khi được đồng hành cùng các ĐTQG Việt Nam. Đặc biệt là U23 Việt Nam mới đây! Cho đến bây giờ trong trái tim tôi còn nguyên vẹn cảm xúc về những hình ảnh cả dân tộc cùng xuống đường để ăn mừng một sự kiện thể thao của nước nhà”, bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ chia sẻ.
Bác sĩ và nghệ sĩ
Giải đấu đầu tiên mà người viết có cơ hội được tiếp xúc với bác sĩ Nguyễn Trọng Thuỷ là Al-Nakba diễn ra năm 2012 tại Palestine. Sau này có dịp hàn huyên, chúng tôi vẫn nói vui đó là chuyến đi “đời người”. Đơn giản không ai nghĩ, trong mưa bom lửa đạn lại có thể diễn ra một giải bóng đá vì hoà bình.
Bác sĩ Thuỷ có mái tóc “bổ đôi” theo kiểu ca sĩ Đan Trường ngày trước. Người ta nói nghề bác sĩ, lại làm thể thao thường khô khan nhưng ngồi với Thuỷ mới biết anh cũng rất lãng mạn như nghệ sĩ vậy. Thực ra, ngày mới bước vào nghề, Thuỷ cũng là người kiệm lời, nói bằng tay chân và chỉ trỏ vào các món thuốc thang nhiều hơn. Nhưng rồi, anh nhận ra, bác sĩ thể thao cũng là một chuyên gia tâm lý nên đã đọc, nghiên cứu các cuốn sách về Đắc Nhân tâm cũng như tâm lý học thể thao.
Trung vệ Bùi Tiến Dũng từng chia sẻ rằng: “Bác sĩ Thuỷ là người luôn mang đến cảm giác an tâm cho chúng tôi. Chuyên môn của anh Thuỷ thì không cần phải bàn cãi nữa. Ở anh ấy, tôi nhận thấy là một người sống gần gũi, tình cảm, đặc biệt là người vô cùng tâm lý và đưa ra những chỉ dẫn giúp các VĐV có được cách phục hồi với cơ địa từng người”. Bác sĩ Trọng Thuỷ là một trong 19 người được đào tạo chuyên biệt về bác sĩ thể thao của Việt Nam trong giai đoạn từ 2003-2009.
Theo anh, ở hiện nay, chỉ có vài bác sĩ thể thao đúng nghĩa. Tức họ đào tạo theo dạng chuyên biệt phục vụ cho công tác thể thao trong vòng 8-9 năm. Điểm khác biệt của một bác sĩ thể thao chính là không đi vào chuyên khoa, chẳng hạn như bác sĩ tim mạch thì phân ra các khâu chuyên về van tim, về mạch… Bác sĩ thể thao chỉ điều trị cho những người khoẻ mạnh hơn nhưng họ “3 cùng”: Đó là ăn, ở và tập cùng các VĐV. Dù vậy, họ phải nắm chắc kiến thức các khoa, từ ngoại khoa, ngoại trung, hệ vận động đến nội khoa: Vật lý trị liệu, hệ thần kinh, sinh lý…
Bác sĩ Thuỷ và các đồng nghiệp ở U23 Việt Nam
Cơ duyên và cơ nghiệp
Bác sĩ Thuỷ nói rằng, anh đến với nghề bác sĩ thể thao như một cơ duyên, cho đến bây giờ anh vẫn tự nhận mình là một người say nghề. Năm 2014, bác sĩ Thuỷ được cựu HLV Toshiya Miura mời lên phục vụ cho ĐTQG, rồi sau đó anh được vô số CLB tại V.League mời về với mức lương mơ ước. Ấy vậy mà năm 2017, Thuỷ quyết định dừng, không tham gia công tác tại các đội bóng nữa. “Đứng trước những khoản thu nhập mà bất kỳ bác sĩ nào cũng muốn nhưng tôi đã quyết định dành thời gian cho mình để nâng cao tay nghề, hoàn thành giấc mơ đặt ra từ khi còn là một sinh viên. Tôi cũng muốn dành thời gian cho gia đình nhiều hơn và đặc biệt khi ĐTQG cần thì tôi sẵn sàng lên phục vụ”, bác sĩ Thuỷ chia sẻ.
Trong suốt câu chuyện chiều qua, vị bác sĩ này không quên nhắc lại chiến tích của U23 Việt Nam và anh không ngại chia sẻ công tác y tế của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á 2018. “Trước 2 tuần trước khi diễn ra VCK, tôi cùng 2 bác sĩ Phạm Văn Minh và Tuấn Nguyên Giáp cùng với chuyên gia nước ngoài đã lên một kế hoạch cụ thể về thuốc men dụng cụ y tế, các phương pháp vận động, phòng tránh chấn thương do lạnh…
Đầu tiên toàn đội được tẩy giun 100% để tối ưu hoá khả năng hấp thu dinh dưỡng. Chúng tôi đã nhờ, tham khảo những người bạn tại Trung Quốc để tiêm phòng cúm ngay từ khi chưa đến đây để 2-3 tuần sau có tác dụng. Ngoài ra toàn đội, được cung cấp các loại vitamin khoáng chất, thực phẩm chức năng… bổ trợ. Ở thời điểm cao điểm, chúng tôi phải làm việc đến 2-3 giờ sáng mới nghỉ ngơi nhưng vẫn thấy hào hứng khi nghĩ đến ngày vinh quy cả đội. Cùng với các phương pháp tập luyện đã giúp các cầu thủ nâng cao lực rõ rệt… Dĩ nhiên, liều thuốc lớn nhất vẫn là tinh thần của các cầu thủ rất cao, là nguồn cổ vũ động viên của cả dân tộc sau lưng”, vẫn lời của bác sĩ Thuỷ.
Kết thúc câu chuyện, vị bác sĩ của ĐTQG này cũng bộc bạch rằng, trong thâm tâm, anh muốn các đội bóng tại Việt Nam chú ý đến công tác y tế. Thực tế, một đội bóng chỉ có một vài người là quá ít so với nhu cầu. Điều đó khiến các cầu thủ thiệt thòi, ảnh hưởng rất lớn đến thể trạng cũng như tâm lý thi đấu của từng VĐV.
“Truyền nhân” của bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền Bác sĩ Thuỷ được xem là “truyền nhân” của bác sĩ Nguyễn Trọng Hiền của ĐTQG trước đây và anh hoàn toàn xứng đáng với sự tiếp nối từ người thầy đáng kính của mình. Trong cuộc trò chuyện chiều nay, bác sĩ Thuỷ chia sẻ rằng: “Tôi vẫn ghi nhớ và biết ơn những người đã dạy dỗ cho tôi cho đến ngày hôm nay. Nhân ngày thầy thuốc Việt Nam 27/2, tôi muốn gửi lời tri ân chân thành nhất tới người thầy và các đồng nghiệp của mình”. |
Bình Luận