Ranh giới thể lực ở phút 70
“Tôi đề nghị tập luyện thêm 30 phút so với khoảng thời gian ban đầu là 90 phút. Bởi đội bóng thường có khuynh hướng bị thua sau mốc phút 70. Tôi cần áp dụng phương pháp tập luyện khác”, HLV Park Hang Seo đã chia sẻ trong một chương trình truyền hình thực tế tại Hàn Quốc.
Toshiya Miura, người tiền nhiệm của ông Park từng thấm thía cảm giác bị thủng lưới ở giai đoạn 20 phút cuối trận vì sự xuống sức của học trò: “Việt Nam đã dẫn 1-0 trước Iraq ở vòng loại World Cup 2018 đến tận phút bù giờ, trước khi mắc sai lầm dẫn tới bàn gỡ hòa. Ngay trước thời điểm đó, Công Vinh đã có một cơ hội đối mặt thủ môn Iraq. Vinh sục bóng hỏng, cũng chỉ vì thể lực đã cạn kiệt”, ông Miura nói. “Tôi muốn nhấn mạnh, đấy là Công Vinh, cầu thủ dẻo dai, bền bỉ và sung mãn nhất của bóng đá Việt Nam”.
Anh Lê Tuệ Đăng, Giám đốc một trung tâm y sinh tại Khánh Hòa chia sẻ: “Muốn đội có thể giữ vững thể lực trong 90 phút thì không thể chỉ tập luyện gói gọn trong 90 phút. Chúng ta phải mô phỏng thực tế một trận đấu mà cầu thủ phải vận động tối đa, tức là 120 phút và muốn phải vượt được ngưỡng ấy để đẩy thể lực của họ cao hơn. Cầu thủ muốn đá 120 phút thì phải tập 150 phút. Tương tự, nếu muốn đá 90 phút thì phải tập thêm 30 phút nữa. Con số 30 phút ấy có một ý nghĩa quan trọng”.
Cách tập luyện của ông Park Hang Seo
“Dựa theo quan sát trên phương diện khoa học, bài tập mà ông Park đưa ra trong vòng 120 phút được chia làm 2 nhóm. Trong 60 phút đầu là tập thả lỏng, căng cơ. Sau đó trong 1 tiếng còn lại, cường độ tập luyện được đẩy lên cao độ. Ông Park đưa những bài tập mô phòng tình huống trong thi đấu vào sân tập.
Mỗi bài tập chỉ diễn ra trong khoảng 15-20 giây thôi nhưng các cầu thủ phải sử dụng tối đa sức lực của mình. Đáng chú ý, quãng nghỉ giữa những bài tập này rất ngắn, chỉ khoảng 1-2 giây thôi. Cầu thủ buộc phải tính toán phân phối sức của mình. Đó là cách tập sức bền yếm khí, hay còn gọi là sức bền tốc độ. Càng tập nhiều, sự phân phối sức trong từng tình huống của các cầu thủ sẽ càng hợp lý hơn”, anh Lê Tuệ Đăng trao đổi với Tạp chí Bóng đá.
Anh cho biết thêm: “Thường trước đây các HLV chỉ cho tập sức bền ưa khí (sức bền chung), như kiểu chạy bền 7 km hay 15 km quy đổi ra các vòng sân. Nhưng bóng đá không phải môn thể thao chạy bền. Đó là cuộc chiến của những quãng vận động với cường độ cao mà trong đó các cầu thủ phải điều tiết sức mình bỏ ra sao cho phù hợp. Lấy ví dụ một hậu vệ cánh đua tốc độ với tiền vệ cánh đối phương mà tốc độ của họ là ngang nhau. Thì sức bền tốc độ của ai tốt hơn thì sẽ chiến thắng ở giai đoạn cuối. Bóng đá hiện đại với việc liên tục pressing và thoát pressing thì quãng vận động liên tục dựa trên sức bền tốc độ của cầu thủ lại càng lớn. Đội tuyển Việt Nam đang tập luyện như vậy. Cầu thủ chúng ta dần thích nghi và phân phối sức hợp lý hơn. Đó là lý do vì sao chúng ta có thể chơi được đến quãng 90 phút hoặc 120 phút. Người ta nói ông Park cho cầu thủ mình ngậm sâm mới bền như thế. Đó chỉ là nói đùa.
Tất nhiên không thể phủ nhận vai trò của sức bền chung. Cầu thủ hoạt động trên sân là sự luân chuyển giữa hai giai đoạn sức bền tốc độ và sức bền chung. Khoa học hiện đại còn chỉ ra rằng một cầu thủ đá vị trí nào thì sẽ cần bao nhiêu phút dùng cho sức bền tốc độ và bao nhiêu phút dùng cho sức bền chung. Sự điều tiết tốt của cá nhân cộng thêm một cự ly đội hình phù hợp sẽ giúp họ giữ được thể lực khi thi đấu”.
Anh Lê Tuệ Đăng đánh giá cao vai trò của HLV thể lực. “Sự xuất hiện của HLV thể lực đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển cơ bắp cho các cầu thủ. Sức bền tốc độ sử dụng đường trong máu, đường trong cơ. Cơ càng to, lượng dự trữ đường trong cơ càng nhiều. Do đó cầu thủ cần phải tập các bài liên quan đến nhóm cơ. Đó là những bài tập thiên về cơ ngực. Lồng ngực càng to, dung nạp oxi lớn, thải hồi cacbonic càng cao, khả năng hô hấp càng lớn. Còn tập cơ bụng là liên quan đến co bóp thu nạp oxi từ bên ngoài”.
Nhìn lại hơn 60 trận của ông Park với U23/ĐTQG Việt Nam suốt 2 năm qua, số trận mà đội để thủng lưới sau 70 phút chỉ chiếm 18%. U23/ĐTQG Việt Nam của ông Park có 5 trận đấu phải chơi hiệp phụ. Và 4/5 trận đấu chơi 120 phút đó đều mang về thắng lợi chung cuộc cho Việt Nam. Một thống kê khác là có tới 16 cầu thủ dưới bàn tay của ông Park chơi trên 2.000 phút (tương đương với chơi liên tục 90 phút trong 22 trận) ở cấp độ ĐTQG. Xin nhấn mạnh, những “người không phổi” đó còn liên tục chinh chiến tại CLB.
XEM THÊM
Quang Hải đá 120 trận, gần 10.000 phút chỉ trong 2 năm
Bình Luận