U20 WORLD CUP 2017 Ư? NÓ VẪN CÒN HIỆU ỨNG ĐẤY!
Phóng viên: Cảm ơn ông đã tham gia cuộc trò chuyện! Thưa ông, nói đến Hoàng Anh Tuấn là nói đến U20 World Cup 2017. Đã 6 năm rồi, những ký ức ấy đã sống cùng ông như thế nào?
HLV Hoàng Anh Tuấn: Với những quốc gia khác chuyện tham gia một kỳ World Cup là điều rất đỗi bình thường. Còn với nền bóng đá chúng ta, còn phát triển, học hỏi rất nhiều, những thành tích đó cũng là động lực để thúc đẩy đi lên. Tôi nghĩ những hiệu ứng của nó vẫn còn tốt.
- Có người nói, lọt vào VCK World Cup bóng đá trẻ đã giúp ông chạm 1 ngón tay trong đỉnh cao sự nghiệp? Ông nghĩ như thế nào về điều này?
+Tôi nghĩ khác! Bóng đá phải có thành tích, phải có cúp, phải có huy chương. Thời gian qua, bóng đá Việt Nam đã phát triển vượt bậc, chúng ta không cần nói gì thêm nữa. Nhưng để tạo ra sự bền vững, chúng ta phải có thành tích cụ thể ở các cấp độ đội U, phải cố gắng giành huy chương. Chẳng hạn chúng ta vào đến chung kết VCK U23 châu Á và đã giành HCB. Đó là những mục tiêu mà chúng ta phải suy nghĩ đến. Còn tham gia VCK thôi, chỉ là sự khích lệ mà thôi. Về lâu về dài chúng ta phải có thành tích, ít nhất trong khu vực, châu lục bởi những tấm huy chương như một sự khẳng định của một nền bóng đá.
-Sau thành công năm ấy, HLV Hoàng Anh Tuấn thực sự được săn đón, được mời chào. Nhưng dường như tôi thấy ở ông sự khiêm tốn? Phải chăng ông hiểu trong bóng đá khoảng cách giữa “người hùng” và “tội đồ” là rất mong manh?
+Tôi nghĩ những ý kiến trái chiều thường xẩy ra và đó cũng là một phần của bóng đá. Với nghề nghiệp HLV ở đâu cũng thế chứ không chỉ ở Việt Nam. Chẳng xa xôi, HLV mới nhất của ĐT Việt Nam – ông Philippe Troussier cũng phải hứng chịu những chỉ trích, những thông tin, quan điểm trái chiều… Tôi nghĩ đây là câu chuyện nghề nghiệp mà HLV nào cũng phải “sống chung”, phải thích nghi với nó. Bóng đá trẻ chỉ là một bước đệm nên tôi nghĩ, nếu có sự tung hô cũng ở chừng mực. Còn sự thất bại hay không như mong muốn cũng ở chừng mực mà thôi. Không phải thời điểm nào chúng ta cũng có một đội tuyển tốt nhất, không phải thời điểm nào cũng thuận lợi để có thành tích. Thế nên có những thời điểm truyền thông dư luận hướng chỉ trích về HLV, tôi nghĩ điều đó bình thường. Thật ra, họ quan tâm, suy nghĩ đến bóng đá nên mới như vậy.
- Câu chuyện ở đây, ông Troussier là một người nước ngoài, đôi khi ông ấy không đọc báo… tiếng Việt. Còn ông là một người Việt, có thể không ngại đọc báo, nhưng với người nhà, gia đình vợ con lại khác. Ông phải nếm trải cảm giác nặng nề khi về nhà và nghe gia đình nói về những câu chuyện buồn trên mạng xã hội, truyền thông chưa?
+Tôi từng nếm trải cảm giá đó! Thật ra, nó chỉ diễn ra ở một thời điểm ngắn. Còn đánh giá chung mình luôn hướng tới những mục đích tốt đẹp, phát triển cho bóng đá Việt Nam. Cho nên cảm giác chạnh lòng hay bức xúc đi qua rất nhanh.
LỨA QUANG HẢI , TIẾN LINH ĐÃ CHẠM TỚI ĐỈNH CAO
- Một lứa cầu thủ thành danh từ bàn tay của HLV Hoàng Anh Tuấn. Bao năm rồi, khi nhìn lại ông thấy họ như thế nào? Họ đã chạm đỉnh chưa hay còn phát triển lên được nữa?
+Lứa đầu tiên tôi bắt tay làm đều là những nhân tố không thể thiếu ở ĐTQG hiện tại. Chẳng hạn như Quang Hải, Văn Hậu, Tấn Tài, Tiến Linh… Đối với bóng đá Việt Nam. Họ đã lên những đỉnh cao nhất rồi! Họ đã có được những thành tích mà hàng triệu người Việt Nam mong muốn.
Nhưng nhìn lại, bóng đá Việt Nam đang đứng ở đâu? Chúng ta đang phấn đấu lọt vào top 8, top 10 châu Á để hy vọng cho kỳ World Cup 2026 hay 2030. Chúng ta có cơ hội tham dự World Cup 2026 nhưng tôi nghĩ, ở thời điểm đó những cầu thủ sinh năm 97, 98 điều rất khó có cơ hội hoặc sẽ rất hiếm hoi được góp mặt, còn World Cup 2030 thế hệ này đã đi qua rồi. Đối với bóng đá Việt Nam những cầu thủ này đã chạm tới đỉnh và đã có những thành tích nhất định ở cấp độ CLB và ĐTQG.
-Tôi phải nói lại không chỉ có lứa sinh năm 97, 98 như ông nói mà còn cả những cầu thủ 95 hay 96… Sự thật, HLV Troussier đang sử dụng những cầu thủ này làm nòng cốt hướng tới World Cup 2026. Như ông nói, phía sau có phải là những khoảng trống? Chúng ta sẽ lấp nó như thế nào?
+Để dùng lứa sinh năm 1995 đến 1999 giành vé tham dự một VCK World Cup sự thực không hề dễ dàng. Chúng ta có những thế hệ kế cận đầy triển vọng như lứa tham dự SEA Games vừa rồi. Hoặc những cầu thủ như Đoàn Văn Hậu sinh năm 1999 vẫn còn nhiều cơ hội. Rõ ràng, chúng ta cần những cầu thủ kinh nghiệm làm bộ khung cho cầu thủ trẻ. Chúng ta có một thế hệ tiếp theo có thể hy vọng như Văn Trường, Quốc Việt, Văn Tùng… Và rất nhiều cầu thủ nhiều tiềm năng để bước tiếp.
LÀM SAO ĐỂ TIỆM CẬN GIẢI BÓNG ĐÁ LỚN NHẤT HÀNH TINH?
- Với góc nhìn của một chuyên gia, làm sao để giúp những cầu thủ này tiệm cận với những đỉnh cao, tiệm cận với chiếc vé tham dự World Cup 2026, thưa ông?
+Trong 10 năm đổ lại đây, chúng ta rất chú trọng, rất quan tâm đến việc đầu tư cho bóng đá trẻ. Trước đây, bóng đá trẻ rất ít được đi nước ngoài thi đấu nhưng bây giờ những giải đấu ở nước ngoài, những chuyến tập huấn, du đấu ở nước ngoài mang tính thường xuyên. Để thực hiện những ước mơ, bóng đá Việt Nam phải tiếp tục xây dựng, tiếp tục đầu tư cho lứa U17, U20 hay lứa cầu thủ tham dự SEA Games vừa rồi, vì đó là những hạt nhân cho tương lai, cho mục tiêu tham dự World Cup, dù phải thừa nhận, đó là điều không hề dễ dàng. Nếu chúng ta không làm thì chúng ta không bao giờ thực hiện được ước mơ.
Mặt khác chúng ta phải cải thiện các giải đấu dành cho cầu thủ trẻ. Thực tế, các giải đấu trẻ của chúng ta rất ít, số lượng trận đấu của các bạn ấy rất là ít. Muốn cải thiện chuyên môn, chúng ta phải cải thiện hình thức và thể thức thi đấu. Ở nhiều quốc gia, họ có những giải đấu dành cho cầu thủ trẻ. Ở nước ngoài, họ có những giải đấu từ trong trường học từ 7, 9 tuổi. Ở chúng ta lứa tuổi 11 được xem là sớm nhưng ở các nước phát triển đã được xem là muộn rồi.
Tất nhiên chúng ta cũng phải nói đặc thù của bóng đá Việt Nam nữa. Các câu lạc bộ cần thành tích, họ cần điều đó để duy trì nên cần những cầu thủ tốt nhất, do vậy cơ hội cho những người trẻ cũng… hẹp đi. Chính vì thế, bản thân những cầu thủ trẻ cũng phải thay đổi từ ý thức, cần phải vươn lên để tìm cho mình một chỗ đứng. Những năm gần đây Hà Nội, HAGL cho cầu thủ trẻ thi đấu rất nhiều, đó là những điều tích cực cho bóng đá Việt Nam. Rõ ràng đã có những đổi thay.
Còn về ý tưởng một giải League cho cầu thủ trẻ! khoan nói về các vấn đề khác, chỉ cơ sở hạ tầng thôi cũng phải suy nghĩ. Ở Việt Nam một số CLB đầu tư cho đội 1 rất lớn nhưng họ không có tuyến trẻ, vậy làm sao có thể tham gia? Ai cũng biết điều này nhưng để giải quyết cần nói đến ở góc độ câu lạc bộ nữa.
- Ông là một người thành công với bóng đá trẻ. Theo ông làm bóng đá trẻ khác biệt với ĐTQG như thế nào?
+Khác biệt, nó hoàn toàn khác nhau. Nếu các cầu thủ chơi ở V.League có kinh nghiệm, trải nghiệm nhờ thi đấu nhiều. Nhận thức của họ cũng đầy đủ. Còn cầu thủ trẻ, nhiều cầu thủ 18, 19 rồi nhưng ngoài câu chuyện chuyên môn, thể chất… chúng ta còn hỗ trợ đào tạo cho họ kỹ năng sống. Họ phát triển, thích nghi với thể thao, với gia đình với xã hội như thế nào? Như U17 Việt Nam mà tôi đang dẫn dắt có diễn biến tâm lý không ổn định. Các bạn thay đổi từng ngày từng tháng, nắm bắt tâm lý để những người làm công tác huấn luyện có thể điều chỉnh một cách tối ưu.
- Ông là người nổi tiếng về kỷ luật, vậy kỷ luật giá trị với một cầu thủ trẻ như thế nào?
+Tôi từng nói với các bạn, kỷ luật là bước đầu tiên để trở thành một cầu thủ chuyên nghiệp. Bóng đá là môn thể thao tập thể, chúng ta cũng cần tính kỷ luật. Nếu cầu thủ trẻ có tính kỷ luật về tập luyện, dinh dưỡng, tính cách… tôi tin họ sẽ phát triển bền vững.
- Yếu tố kỷ luật do HLV đưa ra, nhưng ngoài ra cũng có những tác động từ bên ngoài. Tôi tạm gọi đó là những “cạm bẫy”. Ông biết đấy, mạng xã hội bùng nổ, cầu thủ bây giờ, họ có thể ngồi đếm lượt “like” hay bị tác động bởi những hình ảnh nhạy cảm… Chúng ta cần làm gì và liệu rằng có hạn chế những điều đó “tấn công” các cầu thủ không?
+Tôi nghĩ rất khó để hạn chế! Chúng ta cần xác định sẽ phải xây dựng cho cầu thủ một cái KEY (chìa khoá) trước. Có muốn là cầu thủ giỏi? Có muốn trở thành cầu thủ chuyên nghiệp không? Vậy con/ bạn phải làm gì? Ngoài chuyên môn cần khát vọng, hoài bão… Mà để mọi thứ tốt hơn phải hy sinh một số thứ. Họ cần biết họ đã có những đánh đổi lớn như “hy sinh” gia đình.
Họ phải ở câu lạc bộ, trung tâm từ khi còn nhỏ. Đó là một hy sinh quá lớn, vậy nên để vươn tới những thành công, chẳng có lý do gì lại không thể bỏ qua những điều có thể làm được như vậy. Chúng ta tôn trọng quyền tự do cá nhân của các bạn nhưng cũng phải có những quy định. Cầu trẻ không thể đi đâu cũng điện thoại. Ăn, ngủ đều điện thoại được. Không thể như vậy được!
Tôi nói với lứa cầu thủ U17 bây giờ, lứa đàn anh Văn Hậu, Quang Hải, Tiến Linh… trước 3 tháng khi bước vào giải đấu, tôi không cho họ xài điện thoại. Có những phản ứng trái chiều nhưng các anh ấy vẫn đồng ý và công nhận. Cuối cùng, chúng ta thấy thành quả của nó là cái gì. Các bạn nên đi theo con đường các anh đã làm và đó là những điều rất tốt đẹp.
Xin cám ơn ông vì cuộc trò chuyện đầy thú vị! Xin chúc U17 Việt Nam và cá nhân HLV Hoàng Anh Tuấn sẽ thành công tại VCK U17 châu Á 2023 sắp tới.
Bình Luận