“Bóng đá Việt Nam dạy Trung Quốc ngay trước cửa nhà”
Thường Châu, Trung Quốc, ngày 27/1/2018… Lá cờ đỏ sao vàng mang tên Việt Nam được hậu vệ Đỗ Duy Mạnh cắm lên trên nền tuyết trắng xóa của sân vận động. Các cầu thủ U23 Việt Nam ngẩng cao đầu trong những tràng pháo tay tán thưởng của đông đảo người hâm mộ, không chỉ là Việt Nam mà còn là cả chính Trung Quốc khi ấy. U23 Việt Nam giành ngôi á quân U23 châu Á 2018, sau khi chỉ chịu dừng bước trước U23 Uzbekistan đúng ở phút thi đấu cuối cùng của hiệp phụ.
6 trận đấu tại VCK U23 châu Á trên đất Trung Quốc là 6 trận đấu mà các cầu thủ trẻ Việt Nam tạo nên bất ngờ này đến kỳ tích khác. Ngược lại, U23 Trung Quốc - chủ nhà của giải đấu dừng bước ngay từ vòng bảng. Họ thua Qatar - đội bóng đã gục ngã trước Việt Nam ở bán kết. Họ thất bại trước Uzbekistan - đội bóng mà Việt Nam chỉ chịu dừng bước ở những giây cuối cùng tại chung kết ở Thường Châu.
“Bóng đá Việt Nam dạy Trung Quốc ngay trước cửa nhà”, trang Sports.sina của Trung Quốc cay đắng phải thốt lên một dòng tiêu đề như thế. “Trước kia bóng đá Trung Quốc vượt trội so với Việt Nam, bây giờ họ liên tục dạy bài học cho chúng ta ngay trước cửa nhà. Những người làm bóng đá Trung Quốc đều nên suy nghĩ sâu sắc vấn đề này”.
Nhưng sự cảnh báo và bày tỏ quan ngại của Sports.sina nào có tìm được tiếng nói chung của đông đảo người Trung Quốc, chứ chưa nói đến những lãnh đạo cấp cao của LĐBĐ quốc gia này. “Không phải Trung Quốc yếu đi mà là Việt Nam đã mạnh hơn”, tài khoản Sơn Đông Lâm của mạng xã hội vẫn cho rằng Trung Quốc còn ở một vị thế trọng vọng trên bản đồ bóng đá châu Á.
Lời bình luận ấy, nên nhớ, diễn ra vào ngày 27/1/2018…
Từ lời tiên tri bị đùa cợt…
“Bóng đá Trung Quốc sẽ thua Việt Nam”, bình luận của Fan Ziyi (Phạm Chí Nghị) trước đó 5 năm bị cư dân mạng Trung Quốc dè bỉu, cợt nhả và “ném đá” không thương tiếc. Và thực tế sau chiến tích ở VCK U23 châu Á 2018 của U23 Việt Nam, vẫn chỉ có số ít người “rùng mình” vì bình luận của Phạm Chí Nghị đang dần trở thành sự thật.
U23 Việt Nam nói riêng hay các ĐTQG Việt Nam nói chung được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo cho thấy hình ảnh lá cờ Việt Nam tung bay tại Thường Châu chỉ là điểm khởi đầu cho một sự trỗi dậy trên bản đồ châu Á của bóng đá đất nước hình chữ S. Suốt 2 năm qua, Việt Nam gây tiếng vang từ ASIAD, Asian Cup, khẳng định lại vị thế tại AFF Cup cũng như giành huy chương vàng lịch sử tại SEA Games. Ngược lại suốt 2 năm qua, bóng đá Trung Quốc đang chết mòn trong những nỗi đau ở mặt trận các ĐTQG. Đội Olympic của họ dừng bước ngay ở vòng 1/8 tại ASIAD, trong khi Việt Nam vào đến vòng chấp tranh huy chương. Đội tuyển Trung Quốc thua nhục nhã 0-3 trước Iran ở vòng tứ kết Asian Cup, trong khi Việt Nam chỉ chịu dừng bước cũng ở vòng đấu này trước đội á quân Nhật Bản với tỷ số tối thiểu.
Năm 2019 là một năm đầy u ám của bóng đá Trung Quốc. ĐTQG đất nước này thua 7/16 trận, trong đó có đến 2 thất bại trước Thái Lan - đội tuyển cũng đang trong giai đoạn tìm lại hào quang năm xưa ở Đông Nam Á. “Màn trình diễn nghèo nàn của các cầu thủ trẻ Trung Quốc là quá đỗi kinh khủng với người hâm mộ. Tiêu biểu nhất phải kể tới một bàn thua mà thủ môn Trung Quốc mắc lỗi ngớ ngẩn và phải vào lưới nhặt bóng sau cú dứt điểm của cầu thủ Thái Lan. Bàn thua ấy thật khiến người ta khó quên!”, New.QQ của Trung Quốc cay đắng khi phải nhớ lại trong bài viết có tiêu đề dài như một đoạn sapo: “Một năm đã bị làm nhục theo cách đầy bi thảm bởi 4 đội bóng cửa dưới. Bóng đá nam Trung Quốc chính thức tuyên bố: Chúng tôi đã trở thành kẻ lót đường ở châu Á”.
Chưa hết, ở giải U19 Quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, U19 Trung Quốc thua 0-1 trước U19 Việt Nam, trong một trận đấu mà Trung Quốc chỉ có đúng 3 pha dứt điểm trong khi bên phía Việt Nam, con số ấy gấp gần 7 lần nữa thế. Thậm chí, hình ảnh cầu thủ U19 Trung Quốc với chiếc bụng ngấn mỡ khiến dư luận trong giới thể thao phải bàng hoàng. Họ đặt ra câu hỏi: Tương lai của bóng đá Trung Quốc chẳng lẽ phải tin tưởng vào những chiếc bụng ngấn mỡ đầy lười nhác này sao?
Khi sự lo lắng về một tương lai chưa tìm được điểm sáng nào hiện diện, bóng đá trẻ Trung Quốc lại thua Việt Nam. Ngay trên sân nhà, đội U22 Trung Quốc dưới sự dẫn dắt của HLV Guus Hiddink khi đó chẳng thể có được một pha bóng nào nên hồn. Ngược lại, cú đúp của Tiến Linh như lưỡi dao sắc lẹm hạ gục U22 Trung Quốc một cách tâm phục khẩu phục. Hiddink, “thầy phủ thủy” từng giúp Hàn Quốc khỏe như vâm tại World Cup 2002 cũng chẳng tài nào tạo ra ma thuật trước những đôi chân uể oải của các cầu thủ Trung Quốc. Nhưng thay vì nhìn ra nguyên nhân cố hữu, LĐBĐ Trung Quốc quyết định lựa chọn sa thải Hiddink để tìm một “thầy phù thủy” cao tay hơn.
Khi mà sự loay hoay của LĐBĐ Trung Quốc chưa thành hiện thực thì giới truyền thông và cộng đồng mạng Trung Quốc mới nhao nhao như cái đê bị vỡ. “Một trận thua có thể làm người Trung Quốc tuyệt vọng. Trước đây, sức mạnh của bóng đá nam Trung Quốc vượt xa Việt Nam. Thế nhưng đến bây giờ, chúng ta phải thừa nhận rằng mình đang kém hơn”, News.QQ đau xót phải thốt lên như vậy.
Đến lúc này, tháng 6/2019, lời “tiên tri” của Phạm Chí Nghị bắt đầu nhận được sự ủng hộ. Ngược lại, sự ảo tưởng như những dòng bình luận về sức mạnh còn đó đối với bóng đá Trung Quốc của Sơn Đông Lâm đã “bay màu” khỏi những diễn đàn bóng đá nơi đất nước tỷ dân…
… đến đỏ mặt đi xin lời khuyên và bài “sớ” dài 1.300 chữ
Đến lúc này, người Trung Quốc không còn mơ mộng về một vị thế cửa trên trước bóng đá Việt Nam nữa. Họ xem người hàng xóm của mình như một thế lực trỗi dậy đầy mạnh mẽ và cần được nghiên cứu, học hỏi kỹ càng. Tháng 12/2019, sau trận bán kết của U22 Việt Nam trước U22 Campuchia, một phóng viên của Tân Hoa Xã bất ngờ xuất hiện trong cuộc họp báo.
Câu hỏi của phóng viên Tân Hoa Xã ở Manila khi ấy có phần… vô duyên, khi đưa ra đề nghị với HLV Park Hang Seo về một lời khuyên dành cho bóng đá Trung Quốc, trong bối cảnh mà giải đấu hay trận đấu vốn dĩ chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á. Ông Park không đưa ra một lời khuyên cụ thể nào cả. Nhà cầm quân Hàn Quốc chỉ nói rằng, yếu tố tinh thần chính là sự khác nhau lớn nhất giữa bóng đá Trung Quốc và bóng đá Việt Nam.
Hãy tạm để “yếu tố tinh thần ấy” ở đoạn cuối cùng bài viết này. Không tìm được câu trả lời như kỳ vọng của HLV Park Hang Seo, giới truyền thông Trung Quốc lại đi tìm công thức chiến thắng của bóng đá Việt Nam. 4 ngày trước, tờ Sina đưa ra bài viết dài cả nghìn chữ chỉ để nói về hình mẫu phát triển tài năng trẻ và tham vọng dự World Cup của bóng đá quốc gia láng giềng.
“Để đảm bảo mục tiêu tham dự World Cup 2026, VFF tiếp tục tăng cường đầu tư vào lĩnh vực phát triển đào tạo trẻ. VFF cũng hợp tác với nhiều đối tác. Trong mùa Hè tới, U20 Việt Nam sẽ sang Pháp để thực hiện chuyến du đấu rất quan trọng. VFF cũng đang xúc tiến kế hoạch để đội U17 được đào tạo ở nước ngoài”, “Không quá khó để lý giải những thành công của bóng đá Việt Nam, từ cấp độ đội tuyển hay cá nhân. Đó là nền tảng của mô hình đào tạo trẻ được đầu tư rất bài bản. Họ có một hệ thống giải đấu hợp lý và một HLV phù hợp. Những điều đó giúp bóng đá Việt Nam gặt hái thành công”, “Hiện tại, ĐTQG và U23 Việt Nam đang được dẫn dắt bởi HLV Park Hang Seo. VFF cũng ký hợp đồng với HLV đẳng cấp Philippe Troussier để phát triển công tác đào tạo trẻ. Việt Nam cho thấy tính đúng đắn trong việc bổ nhiệm nhân sự, điều hoàn toàn khác so với ở Trung Quốc”, “Cùng với thời điểm mà bóng đá Việt Nam tiến bộ thần tốc thì các đội tuyển của Trung Quốc lại cho thấy mình ngày càng tụt hậu. Điều đó có lẽ không cần nhắc lại bởi ai cũng nhận ra”… Đó là những câu nói đinh nhất trong bài viết so sánh giữa bóng đá Việt Nam và bóng đá Trung Quốc của Sina.
Đâu là nguyên nhân cho sự xuống dốc của bóng đá Trung Quốc?
Năm 2002, Trung Quốc lần đầu tiên tham dự một VCK World Cup. Ở thời điểm đó, trình độ của bóng đá Trung Quốc cao hơn hẳn so với Việt Nam. Đó cũng là thời điểm mà Trung Quốc sẵn sàng tranh chấp vị thế với các ông lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia… trong nhóm hàng đầu châu Á. Nhưng gần 20 năm qua, Trung Quốc như dậm chân tại chỗ. Họ không thể có thêm một lần nào tham dự VCK World Cup sau đó. Từ đối thủ ngang tầm, Trung Quốc dần trở thành “kẻ lót đường” cho các đại gia. Và ngay ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc có thể thua Thái Lan, Việt Nam bất cứ lúc nào.
Khoảng cách giữa Trung Quốc và trình độ các đội hàng đầu của Đông Nam Á đúng là đã không còn ranh giới chênh lệch. Thậm chí xét về những khoản đầu tư, họ còn đang cho thấy sự kém hiệu quả hơn so với Thái Lan hay Việt Nam. Nếu như Trung Quốc bỏ ra tiền tấn để chỉ đổi lại Wulei đang chơi tại La Liga thì Việt Nam, Thái Lan cũng có Văn Hậu, Công Phượng, Kawin Thamsatchanan ra châu Âu chơi bóng. Thậm chí những Quang Hải, Tuấn Anh, Văn Toàn cũng đã có cơ hội được Alaves của La Liga liên hệ tập huấn.
Báo chí Trung Quốc đã nói đến đào tạo trẻ của Việt Nam. Họ cũng đã nói về những HLV nước ngoài đến dẫn dắt các đội tuyển Việt Nam. Thực tế suốt bao năm qua, Trung Quốc cũng đã chi hàng tỷ nhân dân tệ mỗi năm để tạo nên hàng ngàn học viện, trung tâm đào tạo bóng đá trẻ 5 sao cũng như mời về hàng loạt những HLV nổi tiếng như Fabio Cannavaro, Marcello Lippi, Guus Hidink, Jose Antonio Camacho, hay Alain Perrin. Giải VĐQG Trung Quốc (Chinese Super League) thì không ngại ngần vung tiền quá trán để chiêm mộ HLV và các ngôi sao “xế chiều” với mức lương lên đến cả trăm nghìn bảng Anh mỗi tuần như Oscar, Hulk, Pelle, Fellaini, Carrasco hay Teixeira…
Nhưng đó không phải là gốc rễ để tạo nên thành công đường dài. Và bản thân LĐBĐ Trung Quốc cũng không có đủ sự kiên nhẫn cho lộ trình dài hơi của bóng đá quốc gia này. Bằng chứng rõ rệt nhất là họ sẵn sàng sa thải Guus Hiddink chỉ sau một trận thua giao hữu trước U22 Việt Nam. Họ sẵn sàng đền bù hợp đồng cả chục triệu USD vì cho rằng Hiddink “hết phép”, dù rằng trước đó đã cam kết tin tưởng vị HLV này đến hết Olympic Tokyo 2020.
Nhưng dù có “ma thuật” thật sự, Hiddink cũng chẳng tài nào biến hóa được cả một hệ đào tạo trẻ xuống cấp phía dưới ĐTQG. Các HLV đào tạo trẻ của Trung Quốc chẳng có chuyên môn, sư phạm và quan trọng là không có trách nhiệm trồng người, không có trách nhiệm với thế hệ. Họ chỉ chăm bẵm vào thu nhập, lương, không chịu làm việc, không chịu học hỏi, không chịu tư duy… Hệ quả là xuyên suốt từ năm 2008 - 2018, U16 Trung Quốc chỉ 4 lần dừng bước ở vòng bảng, 2 lần bị loại ngay từ vòng loại giải U16 châu Á. U19 Trung Quốc chỉ 3 lần vào tứ kết, 2 năm gần nhất (2016, 2018) dừng bước ở vòng bảng giải U19 châu Á. U23 Trung Quốc thì cả 3 lần góp mặt cho vui ở VCK U23 châu Á các năm 2013, 2016, 2018.
Khi mà bóng đá trẻ không thể tạo nên sức bật, khi mà bóng đá Trung Quốc vẫn cứ sống mòn với những đồng nhân dân tệ hào nhoáng, khi mà họ vẫn còn chết mòn trong sự ảo tưởng của quá khứ năm xưa, khi mà giải VĐQG Trung Quốc vẫn chỉ là sân chơi của đồng tiền và những cầu thủ sao số muốn tìm một nơi nghỉ dưỡng và nhận lương thì đất nước tỷ dân vẫn sẽ còn trải qua những nỗi đau về thất bại bóng đá.
Yếu tố tinh thần, điều mà ông Park đưa ra “lời khuyên” với phóng viên Trung Quốc cách đây nửa tháng thật sự không thể mua được bằng tiền.
10 sự kiện ấn tượng nhất của bóng đá Việt Nam năm 2019
Đại sứ Nhật Bản chúc mừng 2 chiếc HCV SEA Games của bóng đá Việt Nam
'Thành công trong năm 2019 là động lực lớn cho bóng đá Việt Nam'
Bình Luận