Lứa 1999 - 2001: Gập ghềnh tìm sự khẳng định

Lứa 1999 - 2001 thực tế đã xuất hiện cách đây 5 năm, trong màu áo U16 Việt Nam. Nhưng dấu ấn không đủ lớn và thành tích không đủ thuyết phục khiến cho họ vẫn đang là cái bóng của hai lứa đàn anh 1995-1997 và 1997-1999 trước đó.
Lứa 1999 - 2001: Gập ghềnh tìm sự khẳng định

Đi tìm sự định danh 

Chúng ta thường gọi U23 Việt Nam thế hệ 1995 - 1997 là lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. Chúng ta cũng thường hay quen gọi U23 Việt Nam thế hệ 1997 - 1999 là lứa Quang Hải, Đình Trọng, Tiến Dũng. Nhưng hiện giờ, để gọi U23 Việt Nam thế hệ 1999 - 2001 với công thức như thế thật sự khó. Bởi chúng ta chưa đủ niềm tin để đánh giá cái tên nào nổi trội để vững vàng đứng ra đại diện cho thế hệ mới. 

Đoàn Văn Hậu (1999) thực tế vẫn đủ tuổi, nhưng chấn thương khiến cho anh lỡ hẹn với vòng loại U23 châu Á 2022. Phần còn lại đa số là những gương mặt chưa thể chọn mặt để gửi vàng. 

Lại nói câu chuyện 5 năm. Năm 2016, thế hệ 1999 - 2001 này có một số gương mặt từng thi đấu giải U16 Đông Nam Á tại Campuchia và giành được HCB. Có thể kể đến như tiền vệ Nguyễn Trọng Long, tiền đạo Nguyễn Trần Việt Cường, tiền vệ Nguyễn Hữu Thắng hay tiền đạo Trần Văn Đạt. Những cầu thủ này tiếp tục được trao cơ hội thi đấu ở VCK U16 châu Á 2016 ở Ấn Độ. Sau khi vượt qua vòng đấu bảng với ngôi nhì khi thắng cả U16 Australia và U16 Kyrgyzstan, U16 Việt Nam quả thực chỉ cách tấm vé dự VCK U17 World Cup 2017 đúng 1 trận đấu nữa. Tuy nhiên, trước ngưỡng cửa hy vọng này, U16 Việt Nam của những Hữu Thắng, Trọng Long, Việt Cường đã thất bại 0-5 trước Iran, đội sau đó đoạt ngôi á quân chung cuộc của giải U16 châu Á. 

Các cầu thủ trẻ lứa 1999 (trái) trong một lần đối đầu các đàn anh trên ĐTQG - Ảnh: Minh Tuấn

Thất bại trước ngưỡng cửa thiên đường 

Trận thua ngay ở vòng đấu tranh vé dự U17 World Cup 2017 không phải là lần đầu tiên lứa cầu thủ 1999 - 2001 nếm trải cảm giác đứng giữa ranh giới thất vọng và kỳ vọng. Năm 2017, thế hệ này được triệu tập lên U19 Việt Nam thay thế lứa cầu thủ vô cùng thành công gồm Quang Hải, Tiến Dũng, Đức Chinh, Đình Trọng. Tuy nhiên, họ lại mang đến sự thất vọng khi 2 lần không vượt qua được vòng bảng VCK U19 Đông Nam Á các năm 2017 và 2018. Đáng nói hơn, ở VCK U19 Đông Nam Á 2017, U19 Việt Nam đã khởi đầu vô cùng thuyết phục. Họ thậm chí còn đánh bại ứng cử viên nặng ký Indonesia với tỷ số 3-0 bằng một lối chơi khoa học và tính toán. Đúng ở thời điểm mà người hâm mộ tin tưởng thế hệ này nhất thì họ lại mắc sai lầm. Trận thua ngược 1-2 trước chủ nhà Myanmar với lối sơ đẳng đến từ bắt bóng của thủ thành Y Eli Nie đã khiến U19 Việt Nam bất ngờ bị loại từ vòng bảng. 

Thất bại ấy khởi đầu cho hàng loạt những nỗi buồn sau đó của thế hệ này, từ giải U19 Đông Nam Á 2018 hay VCK U19 châu Á 2018. Thậm chí tại VCK U22 Đông Nam Á 2019, một số cầu thủ trong thế hệ này gồm Hữu Thắng, Bảo Toàn, Việt Anh, Văn Xuân, Xuân Tú cũng được triệu tập lên U22 Việt Nam. Và một lần nữa, họ phải chứng kiến Việt Nam dang dở với mộng vô địch khi thua cay đắng Indonesia ở vòng bán kết giải đấu đó. 

Những gì diễn ra trong năm 2020 và phần lớn năm 2021 cũng không thuận lợi cho U23 Việt Nam thế hệ này, khi họ ít được cọ xát ở V.League hay đấu trường quốc tế. Rõ ràng, hành trình đi tìm sự khẳng định của thế hệ này thật sự gập ghềnh và gian truân… 

    Bình Luận