Lịch truyền hình trực tiếp, kết quả VCK U23 châu Á 2020
Vang danh ở các giải trẻ châu Á
Trên thực tế, những cầu thủ như Tiến Linh, Quang Hải, Đức Chinh, Tấn Tài, Thành Chung… được tập hợp lại với nhau ở cấp độ U19 Việt Nam cách đây 5 năm về trước. Khởi đầu của họ quả thực không như mong đợi. Sức ép từ lứa đàn anh Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… khiến thế hệ 1997 - 1998 liên tục chịu sự dò xét và so sánh của giới mộ điệu. Khó khăn càng chồng chất khó khăn. Họ khởi đầu với hai giải U19 Đông Nam Á không thành công như kỳ vọng (á quân năm 2015 và hạng tư năm 2016).
Nhưng ở cấp độ châu Á, tiếng vang mà thế hệ cầu thủ này tạo ra thì chẳng bậc tiền bối nào có thể làm được. Tại VCK U19 châu Á 2016, Quang Hải cùng các đồng đội đã đi đến trận bán kết, qua đó ẵm tấm vé dự U20 World Cup 2017 trên đất Hàn Quốc. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá 11 người, Việt Nam được góp mặt ở đấu trường thế giới. Và ở giải đấu tầm cỡ hành tinh dành cho lứa U20, dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, U20 Việt Nam đã có điểm số đầu tiên, thậm chí suýt chút nữa có một chiến thắng để tạo ra dấu ấn trong lần đầu bước ra sân khấu thế giới.
Trải qua sự sàng lọc liên tục với những giải đấu cấp khu vực và châu lục, những Quang Hải, Tiến Dũng, Tiến Linh, Đức Chinh, Đình Trọng, Thành Chung… trở thành tinh hoa tiêu biểu cho lứa cầu thủ 1997 - 1998. Để rồi khi HLV Park Hang Seo trở thành HLV trưởng U23 và ĐTQG Việt Nam, họ trở thành bước đệm giữa hai lứa cầu thủ 1995 - 1996 và 1999 - 2000 ở đội U23 Việt Nam.
Tại VCK U23 châu Á 2018, chính nhóm cầu thủ kể trên cùng với các đàn anh Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường… đã tạo nên kỳ tích với ngôi á quân của giải đấu. Và cũng từ đó, lực lượng này tạo nên một Việt Nam mạnh nhất trong lịch sử khi vào đến bán kết ASIAD 2018, vô địch AFF Cup 2018, vào tứ kết Asian Cup 2019. Mới đây nhất, thế hệ 1997 - 1998 với Quang Hải làm đầu tàu kết hợp cùng lứa kế cận 1999 - 2000 đã giúp bóng đá Việt Nam giành tấm huy chương vàng SEA Games đầu tiên sau 60 năm chờ đợi.
Qua ngần ấy những thành công, giành ngần ấy những vinh quang, thế hệ 1997 - 1998 xứng đáng là thế hệ của những thần đồng xuất chúng mà bóng đá Việt Nam có được trong lịch sử.
Tạm biệt, vì ai rồi cũng lớn
Có một niềm bâng khuâng dành cho thế hệ 1997 - 1998. Họ bắt đầu với một thất bại để rồi kết thúc sự nghiệp cầu thủ trẻ của mình cũng không thật sự thành công. Hình ảnh Quang Hải cúi đầu, đưa hai tay lên mặt để che đi nỗi buồn sau khi U23 Việt Nam chia tay VCK U23 châu Á 2020 sau vòng bảng đem đến một nỗi buồn với những người đã gắn bó, dõi theo họ xuyên suốt cả nửa thập kỷ.
Quang Hải có lý do để thất vọng chứ. Tiến Dũng có nỗi niềm để dằn vặt chứ. Tiến Linh chẳng thể vì bàn thắng mình có được để nở nụ cười lắm chứ. Tất cả những cầu thủ sinh năm 1997 - 1998 của U23 Việt Nam hiện diện tại Rajamangala trước U23 Triều Tiên ngày 16/1 quả thực đã chơi bằng tất cả những gì có thể. Bởi với họ, chỉ có chiến thắng mới giúp U23 Việt Nam hy vọng đi tiếp. Và chỉ có chiến thắng mới giúp họ vẫn tiếp tục mong mỏi mình có thêm ít nhất là một lần nữa được ra sân ở các giải trẻ.
Nhưng bóng đá có những khoảnh khắc vô tình với người hùng. Zinedine Zidane lầm lũi rời trận chung kết World Cup 2006 - trận đấu cuối cùng của sự nghiệp cầu thủ với tấm thẻ đỏ cay đắng. Andrea Pirlo đổ lệ sau thất bại ở Champions League 2015 khi Juventus của anh gục ngã trước Barcelona. Sự dở dang là một phần của cuộc chơi. Và ở tuổi 22 - 23, những chiến binh trẻ tuổi mang trên mình chiếc áo cờ đỏ sao vàng của Việt Nam cũng đã trải qua những thăng trầm của xúc cảm, những chiến thắng - thất bại trong bóng đá. Sương gió giúp họ trưởng thành hơn, cứng cỏi hơn trước khi khép lại sự nghiệp cấp độ trẻ của đời mình.
Chào nhé, các giải đấu trẻ, những lần khoác trên mình các đội tuyển U… Đó là lời tạm biệt của hàng loạt các cầu thủ từ Quang Hải, Thành Chung, Tiến Linh, Tiến Dũng, Tiến Dụng… Dẫu biết rằng đoạn kết với họ chưa thực sự trọn vẹn nhưng sau những gì đã mang đến cho bóng đá Việt Nam nửa thập kỷ qua, họ xứng đáng được gọi là những người hùng.
Thành công của 2 lò đào tạo trẻ Hà Nội FC và PVF Nếu như Học viện của HAGL thành công khi đóng góp nhiều cầu thủ quan trọng thuộc lứa cầu thủ 1995 - 1996 như Văn Toàn, Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh… thì “lò” của Hà Nội và PVF cũng cho thấy sự “mát tay” ở thế hệ kế cận với Đức Chinh, Quang Hải, Đình Trọng, Thành Chung, Ngọc Bảo,… Công tác đầu tư vào bóng đá trẻ vì thế cần tiếp tục được duy trì và nhân rộng. |
XEM THÊM
HLV Phan Thanh Hùng: “Đừng trách thủ môn Bùi Tiến Dũng!”
HLV U23 Triều Tiên: ‘Sai lầm của Tiến Dũng là không được phép xảy ra’
Bình Luận