Nếu ai đó nói rằng Công Phượng đang được lựa chọn cho một vai trò mới thay vì nhiệm vụ ghi bàn thì điều ấy chưa hẳn đã đúng. Theo thống kê của phần mềm Instat, trong 690 phút ở 11 trận đấu góp mặt trong năm 2019 tính đến thời điểm hiện tại của cấp độ ĐTQG, Công Phượng vẫn là cầu thủ dứt điểm nhiều nhất đội với tổng cộng 18 lần. Nhưng vấn đề nằm ở sự chính xác trong những lần thực hiện đưa bóng về cầu môn đối phương của Công Phượng. Cụ thể, chỉ 37% trong 18 lần dứt điểm ấy đi trúng đích (khoảng 6-7 lần), và chỉ 2 trong số những lần đưa bóng trúng cầu môn ấy được chuyển hóa thành bàn thắng.
Thêm một chi tiết khác khiến Công Phượng đang ít nhiều phải chịu áp lực từ dư luận, đó là khả năng qua người của anh. Một thống kê của InStat chỉ ra rằng, trung bình một trận đấu Công Phượng thực hiện tới 5 tình huống qua người, nhiều nhất trong số các cầu thủ mà HLV Park Hang Seo từng sử dụng. Nhưng ngược lại, hiệu quả lại không như kỳ vọng khi tỷ lệ qua người thành công của Công Phượng chỉ là 41% - chỉ đứng thứ 5 trong số các tuyển thủ Việt Nam được sử dụng trong năm 2019.
HLV Park Hang Seo từng bày tỏ sự lo lắng về cảm giác bóng của Công Phượng khi không được thi đấu thường xuyên tại Sint Truidense. Và đó chính là một trong những nguyên nhân khiến cho Công Phượng không thể tạo ra tính hiệu quả trong các pha qua người, xuyên phá hay dứt điểm - điều từng làm nên thương hiệu của anh ở U19 Việt Nam cách đây 5 năm.
Vấn đề lúc này của Công Phượng còn nằm ở sự tự tin. Nếu như có thể ghi bàn hoặc chơi tốt một số tình huống cụ thể, chân sút đang ghi bàn nhiều thứ 2 cho các đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Park Hang Seo (sau Quang Hải) sẽ thể hiện được sự đột biến và hiệu quả của mình một cách trực tiếp.
Dẫu sao ở thời điểm hiện tại, khi được tung vào sân trong các thời điểm cụ thể, Công Phượng vẫn đóng góp một cách gián tiếp vào chiến thuật chung của Việt Nam, trong đó có việc buộc đối phương phải theo sát mình, qua đó tạo ra những khoảng trống cần thiết cho đồng đội băng lên chiếm lĩnh.
Bình Luận