SEA Games 30 tại Philippines, bóng đá Việt Nam đã giải được “cơn khát” giành HCV khi U22+2 Việt Nam đánh bại Indonesia trong trận chung kết. Đấy có thể xem tấm huy chương “đại cát” của bóng đá Việt Nam bởi 6 thập kỷ đợi chờ cuối cùng cũng đã chinh phục được một cách viên mãn. Điều quan trọng, tấm huy chương ấy khẳng định vị thế của bóng đá Việt Nam ở mọi cấp độ.
Sự thăng hoa của các ĐTQG như Indonesia, Singapore hay sự tiến bộ của Campuchia, Timor Leste… tại AFF Cup 2020 khiến nhiều người hoài nghi về khả năng có thành tích của các cầu thủ trẻ ở tương lai. Thật ra, sự hoài nghi ấy có lý khi mà các cầu thủ U22 Việt Nam thể hiện chưa thật tốt ở vòng loại U23 châu Á, còn trong màu áo ĐTQG, những “sao mai” gần như không được HLV Park Hang Seo sử dụng. Tới đây, U23 Việt Nam sẽ bước vào giải U23 Đông Nam Á tại Campuchia, giải đấu này sẽ giúp cho mọi người có cái nhìn toàn cảnh về đội tuyển trẻ Việt Nam.
Rất khó đong đếm cái gọi là đẳng cấp ở địa hạt bóng đá trẻ bởi ngoài chuyên môn, chiến thắng còn phụ thuộc vào tâm lý của các cầu thủ. Lấy ví dụ, U23 Việt Nam đã thất bại toàn tập tại SEA Games 2017 nhưng 1 năm sau đó, họ lại lột xác hoàn toàn dưới sự dẫn dắt HLV Park Hang Seo. Như đã nói ở trên, U22 Việt Nam lần này chưa mang đến nhiều hy vọng nhưng mọi thứ có thể đổi thay hoàn toàn khi SEA Games 31 diễn ra sân nhà.
Bóng đá Việt Nam cần có sự chuẩn bị kỹ càng trong thời gian tới cho U22 Việt Nam cho SEA Games, cho VCK U23 châu Á 2022 và xa hơn nữa. Tất nhiên, HLV Park Hang Seo có những con tính phù hợp trong việc lựa chọn con người cho đến “quân xanh” và cả địa điểm tập huấn. Rõ ràng, đội tuyển trẻ cũng cần có thêm nhiều sự trui rèn bản lĩnh. Thậm chí, chúng ta phải sẵn sàng tâm lý “chấp nhận thương đau” với những sự thử nghiệm tới đây.
Bình Luận