Việc bị loại liên tiếp ở 2 giải U19 Đông Nam Á và không thể giành vé dự U20 World Cup như lứa đàn anh khiến thế hệ cầu thủ U19 Việt Nam hiện tại chịu sự chỉ trích nặng nề. Nhưng sau tất cả, họ có đáng bị như thế?
Gánh áp lực trên vai
Thành công của lứa đàn anh là áp lực cho hậu bối. Lứa cầu thủ U19 Việt Nam hiện tại hiểu rõ điều đó hơn ai hết. Nếu như cách đây 4 năm, thế hệ của những Đức Chinh, Quang Hải, Tiến Dũng chịu sức ép từ lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường thì hiện tại, lứa của Văn Tới, Mạnh Dũng, Minh Bình… cũng chịu áp lực không nhỏ về thành tích. Thậm chí so về sức nặng, họ còn chịu một sức ép lớn hơn. Bởi lứa Đức Chinh, Quang Hải đâu có phải gánh trên vai áp lực phải giành vé dự U20 World Cup như các đàn em của mình ở thời điểm bây giờ, phải chịu trách nhiệm trước kỳ vọng của người hâm mộ.
Lật giở lại ngày đầu tiên được triệu tập lên U19 quốc gia, HLV Hoàng Anh Tuấn đã bày tỏ một sự âu lo về nền tảng thể lực, thể hình của các cầu thủ ở thế hệ hiện tại. Ông thẳng thắn nói sau buổi tập rằng: “Giống như tôi nhận xét sau buổi tập thì tôi phải dùng từ "khủng khiếp". Cầu thủ tập trung đợt này có nhiều cái tôi không thể tưởng tượng nổi. Dù buổi tập rất ngắn nhưng có đến 3 thủ môn chuột rút. Trên sân, một vài cầu thủ có dấu hiệu quá mệt mỏi dù đây chỉ là buổi tập rất bình thường”…
Lứa cầu thủ U19 Việt Nam từng khiến HLV Hoàng Anh Tuấn lo lắng ở xuất phát điểm - Ảnh: Trí Công
Xuất phát điểm thấp hơn về thể trạng so với các đàn anh đi trước, U19 Việt Nam hiện tại cũng đã không có được những nhân tố đột biến mang phẩm chất ngôi sao giống như Quang Hải, Tiến Dũng, Trọng Đại hay Đức Chinh trước đó. Trong bối cảnh đó, HLV Hoàng Anh Tuấn quyết định xây dựng U19 Việt Nam thành một tập thể với lối chơi đồng đội. Ông khẳng định, U19 Việt Nam hiện tại có thể không có cầu thủ đủ chất quái nhưng bù lại đây là một thế hệ đồng đều và đề cao sự đoàn kết.
Vấn đề điểm rơi
U19 Việt Nam mang sự đoàn kết ấy tham dự giải đấu đầu tiên của mình cách đây 1 năm tại VCK khi đó là U18 Đông Nam Á. Dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Anh Tuấn, đội đã chơi tốt ở các trận đấu đầu tiên. Đặc biệt khi đối đầu với U18 Indonesia - lứa cầu thủ được xem là thế hệ vàng mà người dân Indonesia đặc biệt tin tưởng và cũng đã giành vé vào tứ kết VCK U19 châu Á hiện tại, lối đá khoa học, phòng ngự phản công đầy hợp lý đã giúp Việt Nam đánh bại đối phương với tỷ số đậm 3-0. Đó cũng là một trận đấu mà U19 Việt Nam đã phong tỏa hoàn toàn Egy Maulana - cầu thủ nằm trong top 50 tài năng trẻ hàng đầu thế giới bên phía đội bóng xứ vạn đảo.
Tuy nhiên, khi đang nhận được sự kỳ vọng cao nhất, U19 Việt Nam lại gặp vấn đề. Trận thua ngược 1-2 trước chủ nhà Myanmar là minh chứng đầu tiên cho thấy các cầu thủ trẻ còn thiếu kinh nghiệm và bản lĩnh ở những thời điểm quyết định. Sức ép quá lớn từ các khán giả Myanmar khiến Việt Nam chịu áp lực ở giai đoạn cuối trận. Họ để Myanmar gỡ hòa 1-1 rồi sau đó thua ngược 1-2 sau khi thủ môn Y Eli Nie mắc sai lầm bắt hụt bóng. Điều đáng nói khi đó nữa là Y Eli Nie ra mồ hôi tay rất nhiều. Trước khi vào sân, anh được BHL dặn dò sử dụng một găng tay phụ thay vì dùng găng tay chính. Tuy nhiên, bất cẩn cá nhân đã khiến Y Eli Nie phải trả giá với một sai lầm mà anh nhớ mãi sau này.
U19 Việt Nam từng bị loại cay đắng trước Myanmar
Đó không phải là lần duy nhất mà U19 Việt Nam dừng bước chỉ vì những sai lầm ở thời khắc quyết định. VCK U19 Đông Nam Á diễn ra một năm sau đó và ngay cả ở VCK U19 châu Á mà Việt Nam đều bị loại từ vòng bảng cũng chứng kiến nhiều lần các cầu thủ trẻ Việt Nam thiếu đi một sự lạnh lùng và cứng rắn.
Trước U19 Jordan, Việt Nam đã có rất nhiều cơ hội để giữ lại cho mình 3 điểm. Nhưng sự vội vàng trong tấn công lẫn phòng ngự khiến chúng ta bị đối phương gỡ hòa trước khi thua ngược. Trước U19 Australia hay U19 Hàn Quốc sau đó cũng là một kịch bản tương tự. Bên cạnh sự thất thế về thể hình và đẳng cấp thì việc hàng thủ thiếu đi sự tỉnh táo, mắc lỗi nhiều ở ngay trong vòng cấm địa khiến U19 Việt Nam đã phải nhận lấy những thất bại.
Câu trả lời nằm ở tương lai
Sẽ chẳng người hâm mộ nào cảm thấy vui khi U19 Việt Nam không thể tiếp bước các đàn anh làm nên một kỳ tích ở đấu trường châu Á. Con người luôn nhìn về phía trước, lấy cột mốc này làm điểm tựa để vươn đến cột mốc kia. Chính vì vậy, kể cả khi các cầu thủ trẻ thua Hàn Quốc hay Australia, giới mộ điệu cũng chẳng thể nào tránh khỏi cảm giác thất vọng.
Tuy nhiên, thất bại là mẹ của thành công. Điều quan trọng nằm ở việc các cầu thủ của lứa U19 Việt Nam sẽ trưởng thành thế nào sau thất bại của bản thân mình. Hai năm liên tiếp dừng bước liên tục ở vòng bảng các giải đấu khu vực và châu lục chắc chắn khiến rất nhiều người hoài nghi về sự thành công của thế hệ cầu thủ U19 hiện tại. Nhưng không thể khẳng định rằng đây là một lứa cầu thủ "vứt đi" hay thất bại như nhiều quan điểm cực đoan đưa ra.
Không phải ai cũng sẽ trưởng thành, nhưng sẽ có một số nhân tố U19 Việt Nam hiện tại bứt lên ở một tầm mới - Ảnh: Trí Công
Có thể, không phải tất cả các cầu thủ U19 Việt Nam lúc này sẽ thành công trọn vẹn. Cũng như lứa U23 hiện tại, sẽ chỉ có một vài trong số đó đủ khả năng để bật lên một tầm cao mới. Vậy hãy hy vọng rằng trong các cầu thủ U19 Việt Nam hiện có trong đội hình và chưa thể có mặt trong đội hình, một số nhân tố sẽ khẳng định mình trong tương lai.
Hãy cùng chờ đợi những tài năng từ Hà Nội, Gia Lai, Đồng Tháp, PVF… trưởng thành. Bây giờ họ có thể là còn số 0. Nhưng sau này, chưa biết con số ấy sẽ gia tăng như thế nào.
Bình Luận