Hôm qua có lẽ là ngày vô cùng đặc biệt với người yêu bóng đá Phú Thọ. Kể từ khi SVĐ Việt Trì khánh thành, lần đầu tiên người ta chứng kiến cảnh hàng người rồng rắn xếp hàng mua vé xem một trận đấu quốc tế. Bóng đá đã thực sự về với người dân đất Tổ.
Rất nhiều người từng đặt câu hỏi, tại sao VFF lại đem một trận đấu của U23 Việt Nam về thành phố Việt Trì? Hỏi là bởi, ở đây không có đội bóng. Thậm chí, sau cả chục năm, người ta quên mất ở đấy có một SVĐ được xây bề thế, hiện đại và hoàn toàn đủ điều kiện tổ chức các trận đấu quốc tế.
Thế nhưng, nếu bạn nhìn vào việc, cả hệ thống chính trị của Phú Thọ vào cuộc nhằm đáp ứng những tiêu chí khắt khe nhất trong việc tổ chức một trận đấu của đội tuyển thì sẽ thấy, lựa chọn “về địa phương” là hợp lý. Mặt sân được nâng cấp. Khán đài được cải tạo. Giàn đèn được lắp mới. Phòng chức năng được nâng cấp. Một núi công việc với những khoản chi phí không hề nhỏ được thực hiện với tốc độ chóng mặt cùng niềm tự hào của người dân Phú Thọ. Thậm chí, người ta đã tính đến việc, sau sự kiện lớn, bóng đá Phú Thọ phải làm điều gì đó thật tương xứng nhằm có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Bóng đá về với nhân dân. Đó không chỉ là khẩu hiệu nói cho đẹp lòng người mà phải là con đường cần đi của các nhà quản lý bóng đá. Có thể khâu tổ chức sẽ gặp ít nhiều khó khăn khi đội tuyển rời xa Thủ đô nhưng rõ ràng, hiệu ứng mà nó mang lại là vô cùng lớn. Nó không chỉ đáp ứng quyền được xem đội tuyển của đông đảo NHM mà còn mang đến tiền đề để các địa phương nâng cấp cơ sở vật chất, thúc đẩy kế hoạch phát triển bóng đá.
Một nền bóng đá không thể phát triển nếu thiếu chân đế. Việc đội tuyển về với nhân dân chính là cách để bóng đá Việt Nam bám rễ sâu vào các địa phương, tạo ra những động lực phát triển cho mình. Nhen lên một cơ hội đầu tư cho bóng đá sau một sự kiện bóng đá là vô cùng ý nghĩa. Nhưng trước mắt, U23 Việt Nam và nền bóng đá đã có cơ hội vàng để quảng bá hình ảnh, hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình với đông đảo quần chúng.
Bình Luận