Cũng đúng thôi, phía sau hai đội tuyển trẻ là tham vọng của hai nền bóng đá mạnh nhất khu vực. Cũng vì điều này mà bất cứ cầu thủ nào cũng bị áp lực, thậm chí mắc phải sai lầm nên bàn thua đáng quên của Văn Toản được coi là một phần của một trận cầu đỉnh cao.
Khi U23 Việt Nam bị cầm hòa ở những giây cuối, nhiều người đã thầm ước, nếu Văn Toản không mất tập trung trong cú “nã đại bác” của Davis thì hẳn tình thế đã khác. NHM có thể tiếc, nhưng Văn Toản hẳn cũng rất dằn vặt. Anh khó lòng quên được khoảnh khắc mất phương hướng trước cú ra chân hoàn hảo của đối phương. Sau trận, Văn Toản đã giải thích vể tình huống đáng quên và gửi lời xin lỗi tới đồng đội. Một hành động rất thẳng thắn, cầu thị. Chắc hẳn các đồng đội sẽ không trách Văn Toản. Bởi đó là một phần của bóng đá.
Các nhà chuyên môn sẽ đưa ra những góc nhìn khác nhau về sai lầm của Văn Toản. Thậm chí, có ý kiến cho rằng, bất cứ thủ môn nào cũng có thể rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hơn ai hết, Văn Toản từng nếm trải vị đắng của sai sót về chuyên môn ở kỳ SEA Games trước. Nhưng cũng từ khoảnh khắc đáng quên ấy, anh đã trưởng thành và trở thành một trong những cầu thủ thi đấu ổn định nhất tại SEA Games 31.
Lời xin lỗi của Văn Toản sẽ nhận được sự cảm thông của tất cả. Nó giúp anh đối diện sự cố và bớt áy náy hơn. Nhưng điều mà các nhà chuyên môn cần hướng đến là giải phóng tâm lý cho các cầu thủ trẻ sau những tình huống không may. Những sự cố là một phần của bóng đá và đừng để nó đánh gục khát vọng, sự thăng tiến của tuổi trẻ. Hơn thế nữa, chúng ta cũng phải chuẩn bị thật tốt cho các cầu thủ trẻ về tâm lý trước mỗi trận đấu.
Bởi trong một trận cầu quyết định, trước những đối thủ duyên nợ thì đội nào làm tốt về tâm lý, đội đó có cơ hội thắng cao hơn. Và nói cho cùng, sự nghiệp của một cầu thủ là cả hành trình chứ không chỉ là một trận đấu. Ai bước qua được những giới hạn của bản thân, người đó có cơ hội để thành công.
Bình Luận