Nếu nói về đấu trường U23 châu Á, ông Toshiya Miura là người luôn ấp ủ giấc mơ vươn ra biển lớn. Cũng chính ông đã đưa U23 Việt Nam tham dự VCK U23 châu Á năm 2016. Dù giấc mơ ấy không trọn vẹn, nhưng nó lại mở ra con đường lớn cho bóng đá Việt Nam và hôm nay, các cầu thủ trẻ lại bắt đầu nhiệm vụ mới, đó là tìm lại giấc mơ từng có ở Thường Châu.
Khi còn tại vị, ông Miura luôn đặt câu hỏi: Tại sao bóng đá Việt Nam không dám mơ lớn mà chỉ đau đáu với nhiệm giành vàng khu vực? Cũng chính nhà cầm quân này đã đưa Olympic Việt Nam vượt qua vòng bảng ASIAD 2014 một cách thuyết phục. Thế nhưng, sự không may mắn và rất nhiều yếu tố khiến giấc mơ ra biển lớn của ông Miura không thành. Nhưng chắc chắn một điều, trong hành trình quyến rũ mà chúng ta đã có, những bài học, những trải nghiệm từ thời ông Miura vẫn còn nguyên giá trị. Những Công Phượng, Xuân Trường, hay nhiều cầu thủ khác ngày một dạn dày hơn khi được bơi ở một đấu trường lớn hơn, khắc nghiệt hơn.
Có nhiều điểm chung giữa ông Park và người đồng nghiệp Miura. Nhưng, có một sự khác biệt căn bản, quyết định hai hướng rẽ khác nhau của hai ông thầy, đó chính là việc, HLV Park Hang Seo giải được bài toán thành tích. Từ Thường Châu tuyết trắng, đến Vạn đảo xa xôi, rồi AFF Suzuki Cup hào hoa và đỉnh cao là Tây Á với những trận thư hùng lịch sử đều ghi dấu ấn của nhà cầm quân người Hàn Quốc.
Đi lại con đường cũ với nhiều cầu thủ mới, đó là một bài toán không hề dễ với ông Park Hang Seo. Nhưng, thách thức lại là môi trường tuyệt vời để những nhà cầm quân tài ba thể hiện bản lĩnh. Nó cũng mang đến đất diễn, cánh cửa thành tài cho những ngôi sao sân cỏ.
Tìm lại giấc mơ cũ bằng một tham vọng mới, hệ thống mới, đó là sứ mệnh của nền bóng đá. Nói cách khác, đã đến lúc bóng đá Việt Nam phải định vị một cách rõ ràng xu hướng bất biến đó là hội nhập một cách chủ động, tham vọng với đấu trường lớn. Những cú hích từ lịch sử, từ đấu trường lớn có thể mang đến bước ngoặt cho bóng đá nước nhà chuyển mình.
Bình Luận