1. Tính chủ động
Dưới thời thầy Park Hang Seo, các đội tuyển của chúng ta thường chọn lối chơi reactive, tức là lối chơi được phát triển từ cách đối phó, phản ứng với những gì đối phương làm. Cách chơi này có điểm hay là rất khó bị đánh bại, vì ta tập trung nhiều hơn vào việc ngăn chặn những điểm mạnh của đối phương, trong khi chờ đợi họ mắc sai lầm và trừng phạt.
Nhưng mặt khác của cách chơi này là khi bị phải chơi thế cửa trên, một cách chủ động, thì chúng ta lại thường tỏ ra lúng túng. Ngoài ra, việc để cho trái bóng thường xuyên ở gần gôn nhà cũng dễ tạo ra những sai số. Và vì gần gôn nhà nên trái bóng sẽ xa gôn đối phương, khiến các cầu thủ phải vượt qua một quãng đường quá dài để tìm kiếm cơ hội. Với những đối thủ vượt trội về thể chất thì rất khó đá.
Thời thầy Gong đã có những thay đổi. Còn quá sớm để kết luận nhưng có thể thấy bước đầu là thầy muốn chơi kiểu proactive, tức là có sự chủ động. Chủ động ở đây không phải theo kiểu ào ào tràn lên tấn công, mà là tích cực vây ráp để triệt phá lối chơi của đối phương từ sớm. Nếu đoạt được bóng thì có thể tấn công ngay, nếu không thì cũng khiến đối phương không thể triển khai lên bóng như ý muốn.
Cách chơi này có điểm hay là như đã phân tích, chúng ta có thể tìm thấy cơ hội ghi bàn ngay trong khi đang pressing trên phần sân của họ. Không có nhiều hàng phòng ngự có thể chơi thoải mái dưới sức ép lớn, và ở lứa tuổi U thì sai số càng dễ xảy ra. Nhưng đây là một cách chơi tốn sức, đòi hỏi các cầu thủ phải tập trung và có ý thức vị trí tốt. Ngoài ra, rủi ro cũng rất lớn. Nếu đối phương bẻ gãy được một đợt pressing của chúng ta, họ sẽ có rất nhiều không gian để chơi bóng ở phần sân của chúng ta.
Nói chung thì không có gì là tuyệt đối. Nhưng cá nhân người viết thích kiểu đá của HLV Gong Oh Kyun. Đá kiểu này cũng là một cách đào tạo rất tốt với các cầu thủ trẻ. Họ sẽ học được nhiều hơn so với việc chỉ tập trung vào việc duy trì sự chặt chẽ trong một khối phòng ngự lùi sâu. Xin nhắc lại, đây là ý kiến cá nhân.
2. Chơi và được chơi
Ngay từ đầu quan sát U23 của thầy Gong, tôi đã có cảm giác thầy Gong khuyến khích các học trò thể hiện mình nhiều hơn, và các cầu thủ có vẻ thoải mái làm điều đó hơn. Sau thêm 3 trận đấu thì tôi có thể khẳng định đúng là như thế.
Các cầu thủ U23 Việt Nam, bắt đầu từ thủ môn, đều mong muốn được chơi bóng. Ngay cả dưới áp lực rất lớn, các em vẫn bình tĩnh triển khai cách chơi của mình. Rất ít thấy những tình huống luống cuống phá bừa lên phía trên. Khi đoạt được bóng, các cầu thủ nhanh chóng mở rộng đội hình để triển khai. Những người có bóng sẵn sàng xử lý thêm một, hai nhịp nếu cần. Thế nên chúng ta có khá nhiều pha phối hợp mà người xem cũng bất ngờ, đừng nói đối thủ.
Để chơi được như thế thì đòi hỏi các cầu thủ phải dũng cảm. Ai từng ra sân đá bóng thì rõ rồi, khi gặp những đối thủ nhanh, mạnh hơn mình, không phải ai cũng đủ dũng cảm để xin bóng và chơi. Nhưng lứa U23 này không thấy ai có biểu hiện “trốn bóng”, “sợ bóng”. Nhờ thế nên khi một cầu thủ của chúng ta có bóng, những phương án chuyền bóng sẽ nhiều hơn.
Một điểm tích cực khác là khả năng ra quyết định. Khi chúng ta có bóng, các cầu thủ thường hành động rất nhanh, dứt khoát và cũng khá hợp lý. Đây một phần là do các bài vở của HLV được rèn nhuyễn. Nhưng phần quan trọng hơn là các cầu thủ bây giờ được đào tạo kỹ, nhiều người còn có thêm lợi thế là được cọ xát đỉnh cao sớm.
Tóm lại, cá nhân tôi thấy có nhiều điểm tích cực về lứa thầy trò này, trong đó đáng nói nhất là họ mang tới cho mình cảm giác muốn chờ đợi những điều sắp tới. Tất nhiên là sẽ có rất nhiều người thích thứ “bóng đá thắng” của thầy Park sẽ bỉ bôi thầy Gong. Nhưng việc khen chê là không thể tránh được.
Câu hỏi để bàn luận thêm: đội U với đội tuyển quốc gia mỗi đội chơi một kiểu, thì tính kế thừa và liên tục ở đâu?
Đây cũng là một điều đáng để suy ngẫm…
Bình Luận