Nợ vợ một chuyến đi
Trên podcast cá nhân, tiền vệ Lương Xuân Trường hé lộ một món nợ 8 năm với vợ của mình. Đó là khi anh được triệu tập bổ sung lên U23 Việt Nam hướng tới VCK U23 châu Á 2016 tại Qatar. “Trong danh sách triệu tập ban đầu cho giải đấu này đã không có tên mình”, Xuân Trường kể lại. “Sau khi biết không có tên, đó cũng là quãng nghỉ của V.League nên mình đã quyết định đi Sapa du lịch cùng bạn gái.
Đi tàu đêm hôm trước đến 6h00 sáng hôm sau đến nơi, tận 9h00 sáng mới được check-in khách sạn. Vì mệt quá nên mình ngủ một mạch đến 12 giờ trưa mới dậy. Lúc dậy, mở điện thoại lên thì thấy rất nhiều cuộc gọi nhỡ. Mọi người báo Lâm Ti Phông bị chấn thương và mình được gọi lên thay. Mình lập tức bắt xe về Hà Nội để ngay trong buổi tối hôm đó có thể hội quân cùng toàn đội. Đến bây giờ mình vẫn còn nợ vợ mình một chuyến Sapa cùng nhau”.
VCK U23 châu Á 2016 khép lại với U23 Việt Nam ngay từ vòng bảng, sau 3 trận toàn thua. Xuân Trường kể lại thời điểm cả đội về nước trong trạng thái thất vọng. “Về đến sân bay ở Việt Nam cũng không có quá nhiều người đến đón. Thầy Miura đi đến bắt tay chào từng cầu thủ, mình đứng từ xa nhìn và cảm thấy thầy thật tủi thân, mình đã thật sự rất xúc động và cảm thấy thương người đàn ông này.
Lúc đó mình cũng đã lờ mờ nghe được thông tin thầy sẽ thôi việc tại Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Mình tới ôm thầy một cái, cảm ơn vì đã giúp mình tiến bộ hơn rất nhiều. Từ đó đến giờ, mình chưa được gặp lại, cũng chưa có cơ hội nói chuyện lại. Từ tận đáy lòng, mình rất mong có một ngày được ngồi trò chuyện, tâm sự lại cùng thầy”.
Sau HLV Miura, ông Nguyễn Hữu Thắng lên dẫn dắt ĐT Việt Nam. “Dưới thời chú Thắng, mình được triệu tập lên đội tuyển quốc gia ngay trong đợt tập trung đầu tiên của chú. Khi lên ĐTQG, mặc dù còn rất trẻ nhưng mình có cảm giác được chú Thắng xây dựng đội hình xoay quanh mình. Những vị trí xung quanh sẽ hỗ trợ để mình có thể làm tốt nhất khả năng của mình, từ hàng hậu vệ đến anh Hoàng Thịnh đá cặp cùng, tất cả mọi người khi có bóng đều tìm đến mình để mình có thể làm nhiệm vụ sáng tạo, phát động tấn công.
Anh Hoàng Thịnh thậm chí còn nói với mình rằng em cứ tập trung việc tấn công, phòng ngự để anh lo, có bóng anh sẽ giao cho em. Có nhiều trận khi đội mình đang thua, mình thậm chí đã chỉ dành sức tập trung vào tấn công, để việc phòng ngự cho anh Hoàng Thịnh ở dưới. Với cá nhân mình khi được HLV trao cho niềm tin tối đa như vậy, thì gần như mình không còn lo lắng cái gì, cảm thấy có trọn vẹn sự tự tin, như thể mình là một ông chủ ở giữa sân vậy. Nói chung đó là cảm giác được tự do, được làm chủ tất cả mọi thứ, được thoải mái sáng tạo nên mình chơi bóng với đầy cảm hứng”.
“Cầu thủ HAGL như cá gặp nước”
Theo Xuân Trường, HLV Hữu Thắng đã thực sự đem đến một luồng sinh khí mới cho ĐTQG Việt Nam. Xuân Trường nói: “Khi làm việc với chú Thắng, mình cũng như các cầu thủ ở Hoàng Anh Gia Lai giống như cá gặp nước vậy. Được chơi bóng với lối chơi quen thuộc, ban bật nhỏ Tiki-Taka với nhau. Đó là một lối chơi quá phù hợp mà mấy anh em đã tập luyện trong nhiều năm từ thời thầy Giôm. Cộng thêm việc được chơi bóng với những anh lớn có kinh nghiệm hơn, mình cảm giác được hỗ trợ rất nhiều, tụi mình như kiểu hổ mọc thêm cánh vậy.
Ở thời U19 Việt Nam, mình và Tuấn Anh đá cặp ở khu vực giữa sân, vừa tấn công vừa phải phòng ngự. Còn trên tuyển thời chú Thắng, mình và Tuấn Anh được giải phóng nhiệm vụ phòng ngự để tập trung cho mặt trận tấn công hơn, bởi ở dưới đã có anh Hoàng Thịnh. Nếu Tuấn Anh không dính chấn thương, chú Thắng sẽ sử dụng sơ đồ 4-1-4-1. Anh Thịnh đá tiền vệ trụ, còn mình và Tuấn Anh chơi ở vị trí tiền vệ tấn công. Thật sự là mình cực kỳ tự tin khi được chơi trong một tập thể như thế. Tất nhiên nếu so với đội tuyển thời thầy Park thì tính hiệu quả và chặt chẽ trong phòng ngự chưa được nhiều, vì ông làm phòng ngự chi tiết và kỷ luật hơn. Còn HLV Hữu Thắng thì xây dựng lối đá thiên về tấn công, yêu cầu các cầu thủ chơi tấn công rất phóng khoáng”.
Xuân Trường nhấn mạnh: “Nếu như Xuân Trường thời Miura là một phiên bản nhanh nhẹn hơn, chạy nhiều hơn thì Xuân Trường dưới thời Hữu Thắng lại là một phiên bản chuyền bóng hiệu quả hơn…”. Đáng tiếc, anh lại dang dở khi ĐT Việt Nam chỉ vào đến bán kết AFF Cup 2016 và U23 Việt Nam thậm chí bị loại ngay từ vòng bảng SEA Games 2017 tại Malaysia.
Xuân Trường kể lại thời điểm ấy: “Chắc mọi người vẫn còn nhớ trận hòa với U22 Indonesia 0-0 ở Seagames năm đó, mình và cả đội đã vô cùng thất vọng. Sau trận hòa ấy, mình cảm tưởng như mọi thứ đã xong rồi, bị loại rồi trong khi chúng ta vẫn còn quyền đi tiếp nếu hòa hoặc thắng Thái Lan ở lượt trận cuối của vòng bảng. Tâm chí của mình lúc đấy còn chẳng quá tập trung vào đối thủ tiếp theo là Thái Lan họ sẽ đá như thế nào. Vì những gì mà luồng dư luận, những thông tin trên mạng về đội tuyển U22 Việt Nam chiếm hết sự chú ý của mình rồi. Mình luôn tự nhủ là phải bỏ ngoài tai mọi thứ đến từ dư luận, nhưng đó chỉ là vỏ bọc bên ngoài. Trong tâm mình đã không chiến thắng được.
Đến trận thua 0-3 trước U22 Thái Lan, mình đã gục ngã dưới sân. Tuấn Anh lúc ấy cũng ngồi cạnh, hai anh em nhìn nhau bảo: “Thế là xong. Bao nhiêu công sức chuẩn bị cho giải đấu, đặt mục tiêu giành huy chương vàng đầu tiên cho bóng đá nam trong lịch sử Seagames, cuối cùng kết thúc lãng xẹt vậy”. Thật sự tâm trạng mình lúc đó rất chán, như bị rơi xuống từ trên mây vậy”.
Anh kể lại giai đoạn bồng bột, tranh cãi gay gắt với cộng đồng mạng.“Sau trận hòa với Indonesia, rõ ràng trước mắt U22 Việt Nam vẫn còn một trận đấu nữa để vượt qua, cũng chỉ cần một kết quả hòa là vào được bán kết à. Nhưng những gì mình biết được từ phía người hâm mộ thì lại giống như đã buông xuôi rồi, là các bạn sẽ không làm được đâu. Nhiều người dùng những lời lẽ thiếu văn hóa để lăng mạ Hồ Tuấn Tài vô cùng thậm tệ. Nhiều cầu thủ của chúng ta, trong đó có mình và Duy Mạnh gặp nhiều vết đau sau trận đấu với Indo bởi cả đội đã dồn toàn lực cho trận đấu đó. Cả đội đã nỗ lực như vậy, nhưng vẫn bị người hâm mộ chỉ trích quá nhiều, nhất là Hồ Tuấn Tài.
Sau trận thua Thái, mình đã chủ động đứng lại để nói những gì mình nghĩ mình cần phải nói ra với báo chí, truyền thông. Mình vẫn nhớ, mình có nói là: “Em không hiểu! Tại sao chúng ta không thể đoàn kết cùng nhau, cả cầu thủ lẫn người hâm mộ? Nếu như tất cả mọi người cùng động viên, cùng cố gắng và quyết tâm thì có thể ở trận gặp Thái Lan bọn em đã có thể làm tốt hơn. Em hy vọng, ở các lứa cầu thủ dự Seagames sau này, sẽ không phải nhận sự nghi ngờ, chỉ trích. Mong người hâm mộ luôn đặt niềm tin vào những người được chọn như chúng em, HLV Hữu Thắng và tất cả các thành viên trong ban huấn luyện. Với những người hay chỉ trích, nghi ngờ... em mong họ có cơ hội đứng ở vị trí của chúng em, để cảm nhận được những thứ mà bọn em phải chịu đựng”.
Sau khi nói ra những điều đó, bản thân mình đã phải nhận chỉ trích từ mọi người. Mọi người nghĩ rằng mình đang đổ lỗi cho người hâm mộ không ủng hộ đội tuyển U22 Việt Nam. Đến bây giờ khi nhìn lại, mình thấy mình đã dũng cảm khi nói ra những cảm xúc của mình, của đồng đội, và sự tổn thương mà Hồ Tuấn Tài đã phải chịu đựng. Bao nhiêu bức bối trong người, mình giải tỏa hết ở cuộc phỏng vấn đó. Tuy nhiên, sau này trưởng thành hơn thì mình đã rút ra được một bài học đắt giá. Mình đã chọn con đường này, thì chắc chắn sẽ không tránh khỏi việc có người thích, người ghét. Và mình cũng chỉ có thể kiểm soát được những hành động và lời nói của chính mình mà thôi.
Mình không thể mong đợi từ người khác bất kỳ một điều gì. Mình không thể chờ người hâm mộ động viên, ủng hộ mình thì mình mới yên tâm để tập trung thi đấu. Cho nên việc bị chỉ trích nếu kết quả của toàn đội không tốt là điều hết sức bình thường, mình không nên cố gắng thay đổi điều đó vì đơn giản đó là điều không thể. Đó là điều mình không nên làm. Mình chỉ có thể tập trung vào việc chơi bóng của mình. Nếu mình làm đủ tốt, mọi người sẽ tự khắc ủng hộ, động viên và đồng hành cùng mình. Còn nếu không thì việc bị chỉ trích cũng là điều mình phải đối mặt, bởi mình đang đại diện cho cả một quốc gia có tính dân tộc rất cao, đặc biệt là rất yêu bóng đá.
Đó cũng là bài học mình thấy có thể áp dụng ở trong cuộc sống. Mình không thể mong chờ những điều người khác làm cho mình, để mình có được kết quả tốt. Tất cả là do chính bản thân mình. Không thể đổ tại sự chỉ trích, hay tại đối thủ mạnh nên đội thua. Mình chỉ thấy là bản thân đã không thực sự tập trung vào chuyên môn cho trận đấu đó”.
Bình Luận