Bóng đá vì đại chúng

Nền bóng đá của chúng ta dù đã chuyển mình mạnh mẽ, nhưng vẫn còn khoảng cách khá xa so với những sân chơi chuyên nghiệp. Ở nhiều nước, bóng đá và những gì gắn bó với nó thực sự trở thành ngành công nghiệp với khả năng kiếm tiền siêu việt. Nhưng tại Việt Nam, mỗi mùa giải là chúng ta chứng kiến những đội bóng vật lộn với bài toán tài chính.
Bóng đá vì đại chúng
Ở nước ngoài, bóng đá thuộc về cộng đồng. Người ta ít nói đến ông bầu dù đó là những tỷ phú nổi danh. Họ có thể “bơm” hàng trăm triệu, thậm chí cả tỷ đô la nhưng vẫn chọn cách lặng lẽ đứng sau hỗ trợ đội bóng. Lối hành xử rất khác ấy phản ánh thực tế là bóng đá sống được là nhờ cộng đồng chứ không phải những khoản đầu tư không giới hạn từ giới chủ. Các nhà tài trợ, NHM và bản quyền truyền hình mới chính là nguồn thu chủ yếu nuôi sống cỗ máy khổng lồ.

Bóng đá chuyên nghiệp là kiếm tiền. Nhưng ở Việt Nam, các nhà quản lý thường quen với câu hỏi: năm nay tiêu bao nhiêu? Có những người cảm thấy thành công vì giảm được khoản tiêu nhờ rất nhiều cách. Tất nhiên, không thể so sánh giữa V.League với giải Ngoại hạng Anh nhưng chắc chắn một điều, bóng đá Việt Nam muốn thành công, muốn chuyên nghiệp thì phải nghĩ đến việc kiếm tiền. Mà muốn kiếm được tiền thì các đội bóng phải xây dựng thành công thứ bóng đá của đại chúng và vì đại chúng.

Nhắc đến khái niệm bóng đá đại chúng, bóng đá cộng đồng là bởi chúng ta luôn đối diện với những “thuyết âm mưu”. Rằng, những toan tính nơi hậu trường sẽ khiến các cuộc chơi mất sòng phẳng, trung thực. Nhưng có một điều chắc chắn, các đội bóng sẽ phải lựa chọn. Hoặc họ đứng về phía NHM, chơi bóng với tất cả trách nhiệm và lòng tự trọng để nhận lấy tình yêu; hoặc họ chạy theo những toan tính để rồi đánh mất vẻ đẹp vốn là lý do để bóng đá tồn tại.

Bóng đá có vai trò tuyệt đối của các chủ sở hữu. Nhưng, bóng đá chỉ có thể sống nếu nó biết vì quần chúng.
    Bình Luận