Không phải ngẫu nhiên khi nhắc đến chiến tích lịch sử của U23 Việt Nam ở Giải Bóng đá U23 châu Á 2018, tại buổi họp báo đầu tiên sau khi trở về nước, HLV Park Hang Seo lại nhắc đến tên ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Đoàn Nguyên Đức, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF).
Vì tương lai bóng đá Việt
HLV Park Hang Seo bày tỏ: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến bầu Đức. Nếu không có tầm nhìn của bầu Đức từ 11 năm trước, rất khó để bóng đá Việt Nam có được như hôm nay".
Quả thật ông Đoàn Nguyên Đức có tầm nhìn xa trông rộng và hết lòng vì bóng đá nước nhà, như nhận xét của ông Park Hang Seo.
Ngày 5-3-2007, Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG chính thức động thổ. Hơn 5 ha cao su đang ở thời kỳ thu hoạch bị chặt bỏ không thương tiếc, nhường chỗ cho một cơ ngơi mới mọc lên. Các đợt tuyển sinh rầm rộ với hàng ngàn trẻ em tham gia, cuối cùng lứa đầu tiên chỉ vài chục em vào đây. Với cách đào tạo bóng đá chuyên nghiệp kết hợp với dạy học văn hóa, tiếng Anh, Học viện Bóng đá HAGL Arsenal JMG đã tạo ra bệ phóng cho phát triển tài năng bóng đá. Những gì mà Công Phượng, Xuân Trường, Văn Thanh, Tuấn Anh, Hồng Duy… có được như ngày hôm nay là nhờ thụ hưởng từ một môi trường đào tạo chuyên nghiệp như thế.
Sau gần 11 năm mở học viện với "quả ngọt đầu mùa" do 5/6 cầu thủ của HAGL trong đội tuyển U23 Việt Nam mang về từ chiến tích giành ngôi á quân Giải Bóng đá U23 châu Á vừa qua, nhiều người đặt câu hỏi: Bầu Đức đã có lời hay chưa? Câu trả lời là chẳng thể bù đắp được núi tiền mà ông chủ Tập đoàn HAGL đã bỏ ra. Khoan nói đến chuyện trả lương cho cầu thủ, nuôi CLB HAGL, chỉ riêng việc đầu tư để Học viện HAGL Arsenal JMG được gắn với thương hiệu của Arsenal đã ngốn mỗi năm 4-5 triệu USD, 11 năm qua mất hơn ngàn tỉ đồng. Bầu Đức chia sẻ: "Nếu vì lợi nhuận, tôi đã không làm bóng đá. Chỉ vì tình yêu, vì muốn bóng đá Việt phát triển, khó khăn mấy tôi cũng gắng hết sức mà làm".
Giới chuyên môn và cả người hâm mộ rất trân quý ông chủ HAGL ở điểm này, người không ham tranh công hay chạy theo thành tích mà âm thầm đóng góp. Ngay từ khi thành lập Học viện HAGL Arsenal JMG, mục tiêu mà ông Đức đặt ra đã được thể hiện ngay qua slogan của học viện: "Vì tương lai bóng đá Việt Nam".
Việc HLV Park Hang Seo bày tỏ tri ân bầu Đức không hẳn vì chuyện quan hệ riêng tư giữa hai người, mà đó là sự đồng tình vì tương lai bóng đá Việt. Trong suy nghĩ của cựu trợ lý HLV Guus Hiddink, những đóng góp của đội bóng phố núi vô cùng quan trọng và nếu các CLB đều làm được như thế, bóng đá Việt Nam mới có thể tiến xa.
Chăm lo cho bóng đá trẻ
Tối 1-2, HLV Park Hang Seo đã lên Gia Lai gặp gỡ Chủ tịch CLB HAGL Đoàn Nguyên Đức để trực tiếp cảm ơn những gì ông bầu kiêm Phó Chủ tịch VFF này đã làm với ông.
Thực ra, bầu Đức chịu nhiều gièm pha, thậm chí bị truyền thông tấn công trong những ngày xuất hiện thông tin ông sang Hàn Quốc mời HLV Park Hang Seo. Hiểu rõ áp lực từ người giúp mình, HLV Park Hang Seo đã chọn lên tận Pleiku để gửi lời tri ân đến người đã vì ông mà chịu nhiều tai tiếng suốt thời gian dài.
"Tôi vô cùng ức chế khi người ta nói tôi tác động để 11-12 cầu thủ HAGL lên đội tuyển thời HLV Park Hang Seo. Cầu thủ của tôi giỏi, được HLV người Hàn Quốc gọi lên, không lẽ cũng trở thành cái tội? Lẽ ra đó phải là vinh dự của một lò đào tạo trẻ có tuổi đời hơn 10 năm, thì một bộ phận dư luận lại xem tôi là tội đồ. Lúc đó nản lắm, định bỏ luôn bóng đá! May mà bình tâm lại, thấy đam mê của mình lớn như vậy, khao khát nhìn bóng đá Việt Nam thành công lớn, tại sao lại phải bỏ chỉ vì những lời gièm pha" - ông Đoàn Nguyên Đức bộc bạch.
Có hai thời điểm được xem là bước ngoặt trong cuộc đời làm bóng đá của bầu Đức. Đó là lúc ông trình làng CLB HAGL năm 2001, với một dàn cầu thủ từng được ví là "dream - team" bóng đá Việt Nam, chinh phục 2 danh hiệu V-League liên tiếp năm 2003, 2004. Bước ngoặt thứ hai đến sau đó 6 năm. Đó là khi đội bóng phố núi trở thành một thế lực của bóng đá Việt Nam, bầu Đức lại bắt tay với Arsenal và lò đào tạo JMG để cho ra mắt Học viện HAGL Arsenal JMG. Quyết định chuyển hướng, thay vì bỏ tiền mua sao để săn danh hiệu, bầu Đức chăm lo cho bóng đá trẻ, góp công lớn để ươm mầm, vun đắp để có thêm nhiều tài năng cho bóng đá nước nhà.
Nhân rộng mô hình đào tạo bóng đá trẻ
Trở lại chiến tích trên đất Trung Quốc, gần 11 năm kể từ ngày ra đời Học viện HAGL JMG, những Công Phượng, Xuân Trường, hay lứa đàn em Văn Thanh, Văn Toàn, Hồng Duy đã góp phần mang về tấm HCB lịch sử ở cấp độ trẻ châu lục. Có thể nói dù quãng thời gian sang Nhật Bản hay Hàn Quốc chơi bóng khá ngắn ngủi nhưng Công Phượng và Xuân Trường đã tích lũy được rất nhiều điều để giúp bóng đá Việt thành công.
Quan trọng hơn, từ cú "áp phe" với Arsenal của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức, bóng đá Việt đã có tiền đề để sau đó vài năm, hàng loạt lò đào tạo trẻ của các doanh nghiệp khác ra đời. Hà Nội FC bắt tay với Manchester City (Anh); Viettel kết hợp Borussia Dortmund (Đức), NutiFood mở lò riêng mời JMG (giống HAGL); còn PVF thậm chí mời được cả bộ đôi huyền thoại của CLB Manchester United là Ryan Giggs và Paul Scholes sang giữ vai trò giám đốc, định hướng phát triển học viện...
Bình Luận