Trọng nhân tài
Cuối năm 2017, tập đoàn Vincom của tỷ phú Vượng trình làng trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF hoành tráng, hiện đại nhất Đông Nam Á ở Hưng Yên, nhiều người mới ngã bổ ngửa: “Hoá ra Vin cũng làm bóng đá?”
Dĩ nhiên, số ngạc nhiên ấy chủ yếu là dân ngoại đạo, còn dân bóng đá thì thừa biết, PVF tồn tại hơn chục năm qua là nhờ bầu sữa từ túi tiền vị tỷ phú USD đầu tiên của Việt Nam . Chỉ có điều, khi PVF đặt ở trung tâm Thành Long tại TPHCM, nó chưa định danh mạnh mẽ bằng bàn tay phù thuỷ của truyền thông. Và PVF cũng chưa được xác định đó là một sản phẩm giá trị, nằm trong số các “cánh quân” của tỷ phú Vượng.
PVF từ trước đến nay giữ nguyên tắc chọn người: HLV của trung tâm phải là cựu tuyển thủ quốc gia. Không có cái “điều kiện cần” ấy thì có là HLV xuất chúng đến mấy cũng không có vé vào cửa. Lúc này, PVF là nhà của HLV Hoàng Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Cường, Hữu Đang hay thế hệ vô địch AFF Cup 2008 như Việt Thắng, Phước Tứ...
Tiêu chí chọn thầy như một cách ngầm nhắc bảo, những cầu thủ được đào tạo từ “lò” PVF đều hướng đến mục tiêu duy nhất: phấn đấu và phụng sự, cống hiến tất cả cho ĐTQG, cho Tổ quốc. Ông Vượng không cần thành tích hào nhoáng, nổi bật để báo công, làm sướng lãnh đạo tập đoàn. PVF đặt tiêu chí đào tạo để sàng lọc nhân tài, phụng sự cho mục tiêu tầm Quốc gia.
Cũng bởi vậy, dù PVF từng “lỡ” giành vé lên hạng Nhất nhưng rốt cục lại buông luôn suất chơi này. PVF không đá V-League, dù số tiền họ đầu tư làm bóng đá trẻ còn tốn... gấp đôi, gấp ba so với nuôi một CLB chuyên nghiệp. Nó cũng lý giải, quân của PVF sau khi tốt nghiệp được rải theo kiểu "cho không" các đội ở V-League.
Nuôi dưỡng đam mê bóng đá trẻ
Trong kỳ tích giành ngôi Á quân của U23 Việt Nam, sản phẩm có gốc gác “lò” PVF không có ảnh hưởng lớn trong đội hình của HLV Park Hang-seo. Thủ môn Ngọc Tuấn không chơi phút nào, còn Thái Quý, Tiến Dụng chỉ là kép phụ. Nổi nhất là Hà Đức Chinh với 1 bàn thắng trong trận tứ kết gặp Iraq. Tuy vậy, Chinh “đen” cũng không gạt nổi Công Phượng để chiếm suất đá chính.
Nhưng vấn đề có lẽ không đơn thuần gói gọn trong một giải đấu. Thành quả của U23 Việt Nam dưới thời HLV Park Hang-seo là sự cộng hưởng từ người tiền nhiệm Nguyễn Hữu Thắng. Hoặc xa hơn là bàn đạp từ lứa U20 của HLV Hoàng Anh Tuấn dự U20 World Cup 2017. Và dĩ nhiên, trong cú hích từ U20 Việt Nam ấy, bóng dáng của "lò" đào tạo trẻ của tỷ phú Vượng đã dần lộ ra, với những cái tên như Đức Chinh, Tiến Dụng...
Trở lại với tỷ phú Vượng, lúc này ông Tuấn “con” đã là sếp ở PVF. Nhưng mấu chốt, thế hệ U20 Việt Nam đi World Cup là bản lề cho thành công ở U23 châu Á 2018. Hơn tất cả, người ta không thể phủ nhận, thành công của U20 mùa trước là chất xúc tác cho bóng đá trẻ, cho thành công của U23 Việt Nam tại VCK U23 châu Á.
Quân của tỷ phú Vượng có thể không lập đại công trong màu áo U23 Việt Nam lần này. Nhưng sau lứa Công Phượng, Xuân Trường của bầu Đức, giá trị bóng đá trẻ được nhìn nhận đúng đắn sau khi U20 Việt Nam giành vé dự U20 World Cup. Ở đó, quân PVF của tỷ phú USD này đóng góp công sức không nhỏ.
Ông Vượng thuận đà, nhấn ga bằng một trung tâm đào tạo trẻ hoành tráng, quy mô để tăng thêm xúc tác mạnh hơn cho bóng đá trẻ. Các ông bầu máu mặt khác như bầu Hiển, bầu Đức có thêm đồng minh trong hành trình làm bóng đá trẻ, bóng đá tử tế..
Vậy nên, đừng ai lãng quên tỷ phú Vượng trong thành công của U23 Việt Nam, sau hơn 10 năm miệt mài và âm thầm dồn công sức cho bóng đá trẻ. Có gieo mới có gặt.
Bình Luận