Xung đột CLB-ĐTQG thậm chí được xem là “món ăn” khoái khẩu của truyền thông ở một số quốc gia sở hữu giải VĐQG hàng đầu như Anh, Italy, Tây Ban Nha…
Năm 2014, khi HLV Antonio Conte còn là thuyền trưởng tuyển Italy, nhà cầm quân này từng bày tỏ sự thất vọng khi các CLB tại Serie A từ chối nhả quân để ĐTQG tập trung. Conte khi ấy thậm chí dọa từ chức. Cần nhấn mạnh, những thất vọng này đến vào thời điểm FIFA Days, khoảng thời gian về lý thuyết các CLB phải nhả người cho tuyển quốc gia.
Năm 2008, Real Madrid từng công bố Robinho dính chấn thương để chặn đường tiền đạo này trở về tuyển Olympic Brazil. Hành động này của Real khi ấy bị lật tẩy khi các phóng viên chụp được cảnh chân sút người Brazil chạy như bay ở một góc khuất tại sân tập.
Lợi ích của CLB được tách biệt riêng với ĐTQG là nguyên nhân cho các sự việc kiểu này: họ chấp nhận xé rào, phá luật để bảo toàn lợi ích. Bởi vậy, việc dừng hẳn giải VĐQG để cho đội trẻ tập luyện và thi đấu là điều quá khó tưởng tượng với những giải đấu hàng đầu.
Dừng giải VĐQG để làm gì?
VCK U20 châu Á 2023 có tổng cộng 16 quốc gia tham dự. Không quốc gia nào dừng hẳn giải VĐQG để đội U20 tập trung như Việt Nam. Jordan, Tajikistan, Kyrgyzstan là những quốc gia đặc biệt khi giải VĐQG mới chỉ kết thúc hồi tháng 12/2022, và giải sẽ bắt đầu lại vào khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 4.
Tính đến lúc này, 9 trong số 16 đội tuyển tham dự VCK U20 châu Á đã công bố đội hình. Các đại gia Đông Á có những nhân sự tốt nhất. U20 Nhật Bản triệu tập Sota Kitano, ngôi sao vừa đá chính ở trận ra quân J.League 1 cùng Cerezo Osaka, một trong những CLB mạnh nhất giải. U20 Hàn Quốc triệu tập Kang Sang-yun, ngôi sao của Jeonbuk Hyundai, đội Á quân mùa trước.
Xung đột đến ở Indonesia, khi HLV Thomas Doll từ chối để các cầu thủ của Persia Jakarta lên đội U20. Song dưới sự tác động của HLV Shin Tae-yong và cả LĐBĐ nước này, vẫn có 8 cầu thủ của đội mạnh nhất xứ vạn đảo lên đội U20.
Nhìn chung, phần lớn đội tuyển công bố đội hình đến lúc này đều có được những nhân sự mạnh nhất. Vai trò của cầu thủ U20 ở các CLB hầu hết chưa đủ lớn để các CLB phải giành giật giữ người.
Trên bình diện thế giới, không có giải đấu phát triển nào dừng hẳn giải VĐQG để nhường chỗ cho các đợt tập trung của tuyển quốc gia chứ chưa nói đến đội trẻ.
Ở bình diện Đông Nam Á, Thái Lan là quốc gia đi đầu trong việc từ chối nhả người cho ĐTQG ở những sự kiện không thuộc FIFA Days. Thai League vẫn diễn ra đều đặn trong thờ điểm AFF Cup vừa qua khởi tranh. Indonesia và Malaysia cũng là hai quốc gia có chung quan điểm này.
Chủ tịch CLB Johor Darul Ta’zim của Malaysia thậm chí nhấn mạnh sẽ không nhả người cho ĐTQG nếu không phải để phục vụ dự Asian Cup hoặc World Cup. Đây cũng là lý do Indonesia và Malaysia thường không có được đội hình mạnh dự vài kỳ AFF Cup gần đây.
Và dĩ nhiên, các quốc gia này không dừng hẳn giải VĐQG để nhường chỗ cho đợt tập trung của các đội tuyển.
Hệ quả
Trong cuộc phỏng vấn với ZingNews sau khi vô địch AFF Cup, HLV trưởng Mano Polking của Thái Lan tiết lộ ông đã bị nhiều CLB từ chối nhả người. “Tôi thiếu 10 cầu thủ trụ cột”, nhà cầm quân người Brazil nhấn mạnh. Nhưng đấy sau cùng lại là cơ hội để ông Polking tìm thấy những nhân sự tốt từ tệp cầu thủ vốn chỉ là lựa chọn B,C mỗi khi tập trung ĐTQG.
Kritsada Kaman, Peeradon Chamratsamee, Poramet Arjvirai, Weerathep Pompan là những nhân sự như thế. Nhóm cầu thủ này chỉ đá khoảng trên dưới 10 trận (phần lớn là dự bị) cho ĐT Thái Lan cho đến trước khi sắm vai kép chính tại AFF Cup vừa qua.
Tuy nhiên, khi được giao trọng trách, nhóm cầu thủ này vẫn thể hiện được đẳng cấp cao. Việc Thai League được tổ chức thi đấu đều đặn, không ngắt quãng là lý do giúp ông Polking có thể dễ dàng tìm ra những nhân sự tốt. Người Thái chỉ cần một ngôi sao đang ở độ chín là Theerathon Bunmanthan để làm gạch nối giữa các thế hệ. Họ không cần cả một đội hình hùng hậu và quen mặt như Việt Nam.
Điều này quá khó tồn tại ở V.League, khi nhóm cầu thủ lên tuyển gần như được đóng khung sẵn, trong khi nhóm cầu thủ tương tự Kritsada, Peeradon, Poramet, không có cơ hội để chơi bóng theo đúng nghĩa đen khi V.League thường xuyên dừng hoạt động.
Giải VĐQG là xương sống cho sức mạnh của một nền bóng đá. Sự vượt trội của Thái Lan trước Việt Nam không hẳn đến từ trình độ ở cấp độ ĐTQG, mà thực sự đến từ quyền lực, tầm ảnh hưởng của Thai League.
Giải đấu này chưa từng bị cắt ngắn bởi những nguyên nhân chủ quan. Chỉ riêng việc này đã giúp Thai League luôn đảm bảo được sự tiếp nối trong nhịp thi đấu, từ đó luôn tạo ra được phương án B trong các trường hợp cần thiết.
Khả năng sống khỏe của Thai League với cơ chế làm bóng đá chuyên nghiệp cũng giúp tiếng nói của chính những CLB trở nên có sức nặng hơn khi đối mặt xung đột với Liên đoàn bóng đá Thái Lan.
V.League không có được điều này. Và để thay đổi, chuyện chắc chắn cũng không diễn ra trong ngày một ngày hai. Tuy nhiên, không chuyện gì là quá muộn. V.League phải thay đổi và mọi chuyện nên bắt đầu từ việc không để giải đấu ngắt quãng, vì bất kỳ lý do chủ quan nào.
Bình Luận