Sau thời gian không được đăng ký trong danh sách thi đấu, giữa tuần qua, Nguyễn Công Phượng đã có lần đầu góp mặt trên băng ghế dự bị của Yokohama FC tại Cúp Quốc gia Nhật Bản. Tuy vậy, cầu thủ sinh năm 1995 vẫn chưa có lần đầu tiên thi đấu cho CLB chủ quản ở một trận đấu chính thức trong mùa giải mới.
Tại trời Âu, người đồng đội của Công Phượng tại ĐTQG cũng chịu chung số phận. Kể từ khi trở lại Pau FC từ AFF Cup, Quang Hải bị mất hút và thường xuyên phải xuống đội trẻ thi đấu. Rõ ràng, với những gì đang diễn ra, tương lai của 2 ngôi sao Việt Nam trong chuyến xuất ngoại lần này đang vô cùng bấp bênh. Nó sẽ ảnh hưởng lớn đến phong độ lẫn vị trí của 2 gương mặt này tại ĐTQG dưới thời HLV Philippe Troussier.
Nhắc tới Công Phượng hay Quang Hải, người ta thường so sánh với tiền vệ Chanathip Songkrasin. Khác với 2 đồng nghiệp, dù bị ghẻ lạnh trong màu áo Kawasaki Frontale tại J-League 1 nhưng “Messi Thái” luôn biết cách ghi dấu ấn. Bằng chứng là anh đã lập siêu phẩm ở đấu trường Cúp Quốc gia Nhật Bản vào giữa tuần qua. Rõ ràng, cầu thủ người Thái Lan vẫn duy trì được phong độ tốt mỗi khi được trao cơ hội.
Cùng là những cái tên nổi bật, là ngôi sao sáng từng so tài cùng nhau tại đấu trường ĐNÁ, đều là những cầu thủ nhỏ người, thi đấu thiên về kỹ thuật và thiếu đi phần nào sức mạnh nhưng khi xuất ngoại, giữa Chanathip Songkrasin và 2 cái tên của bóng đá Việt Nam là Nguyễn Quang Hải và Nguyễn Công Phượng như có 2 ngã rẽ khác nhau, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại. Rõ ràng, ngôi sao số 1 của bóng đá Thái Lan đã chứng tỏ được bản thân mới có thể trụ vững tại J-League 1 trong gần 5 năm qua, từng lọt vào đội hình tiêu biểu của giải đấu.
Với Công Phượng và Quang Hải, mọi chuyện đang diễn ra ngược lại. Vậy điểm mấu chốt ở đây là gì? Đó nằm ở khả năng thích nghi với môi trường mới mà cầu thủ Việt Nam vẫn chưa làm được. Ra nước ngoài thi đấu, những ngôi sao tại dải đất hình chữ S tỏ ra lạc lõng, thiếu sự giao tiếp tốt cùng các đồng đội. Cùng với đó, V-League đã không rèn giũa được những kỹ năng để họ ứng biến và phát huy hết tiềm lực khi vươn ra biển lớn.
Phát biểu về Quang Hải, chủ tịch CLB Pau FC cũng đã khẳng định điều này: “Đội rất muốn Quang Hải là 'Messi thực thụ', nhưng cậu ấy đến một môi trường bóng đá mới, đòi hỏi thể chất khốc liệt hơn Việt Nam. Thật không dễ cho Quang Hải, nhất là khi cậu ấy không nói được tiếng Pháp, mới bắt đầu học tiếng Anh. Dù có người hỗ trợ đi nữa, cũng thật khó để giao tiếp với Quang Hải”.
Câu chuyện của Công Phượng, Quang Hải và Chanathip đã đặt ra những vấn đề mà những người làm bóng đá tại Việt Nam cần suy ngẫm. Phải chăng, chúng ta đang có 1 giải VĐQG chưa đủ tốt để làm bàn đạp cho các cầu thủ, các nhân tố tại dải đất hình chữ S không đủ khả năng vươn ra biển lớn. Để rồi, giấc mơ World Cup mà HLV Philippe Troussier đặt ra sẽ đi về đâu.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận