Ở vòng 6 Ligue 2 diễn ra rạng sáng 31/8 (giờ Hà Nội), Nguyễn Quang Hải không thực hiện được đường chuyền nào khi ra sân ít phút cuối trong cuộc đối đầu Caen. Anh có thêm màn trình diễn không thật sự ấn tượng và rõ ràng đang gặp nhiều khó khăn để thích nghi với giải đấu hạng hai của bóng đá Pháp. Đến lúc này, có lẽ người ta phải nhìn về điểm xuất phát của Quang Hải vài tháng trước.
Liệu Pau FC có phải là một lựa chọn sai lầm của Quang Hải như cách Nguyễn Công Phượng chọn Sint-Truidense hay Đoàn Văn Hậu chọn Heerenveen vài năm trước? Trong giai đoạn đầu ở Pau FC, Quang Hải được kỳ vọng thể hiện tốt hơn các đồng đội khác ở tuyển quốc gia khi ra nước ngoài thi đấu.
Những Công Phượng, Văn Hậu hay Tuấn Anh đều gặp vấn đề trong việc tìm kiếm số phút thi đấu. Quang Hải thì khác. Anh thậm chí có trận được ra sân đá chính cho Pau. Song, môi trường bóng đá Pháp và tập thể của CLB Pau dường như không phù hợp với phong cách thi đấu của Quang Hải.
Trong hai thập niên qua, các tuyển thủ quốc gia Việt Nam sang nhiều quốc gia từ Hà Lan, Bỉ, Hàn Quốc, Nhật Bản đến Bồ Đào Nha hay mới nhất là Pháp để thi đấu. Đây đều là những nền bóng đá với phong cách và cách đào tạo khác nhau. Nếu chúng ta nhìn vào những gì Thái Lan, Nhật Bản hay Hàn Quốc làm với nền bóng đá của họ, bóng đá Việt Nam đang thiếu một chiến lược xuất khẩu cầu thủ bài bản.
Bài học từ Thái Lan
Tháng 12/2019, Theerathon Bunmathan làm nên lịch sử khi trở thành tuyển thủ Thái Lan đầu tiên giành chức vô địch J1 League, sau khi cùng Yokohama Marinos đánh bại Tokyo FC 3-0 trước 63.000 người hâm mộ trên sân nhà. Hậu vệ trái sinh năm 1990 thậm chí để lại dấu ấn trong chiến thắng kể trên khi ghi bàn ở phút 26. Yokohama Marinos có danh hiệu đầu tiên kể từ năm 2004.
Thành công của Theerathon như trái ngọt cho sự hợp tác kéo dài nhiều năm giữa J League và bóng đá Thái Lan. Bên cạnh Theerathon, Chanathip Songkrasin cũng gây ấn tượng mạnh tại J1 League sau khi chuyển từ Muangthong United đến Consodale Sapporo. "Messi Thái Lan" tạo nên cơn sốt trên đất Nhật Bản khi nằm trong số những tiền vệ tấn công hàng đầu giải đấu. Hồi đầu năm, anh được Consodale Sapporo bán sang Kawasaki Frontale với mức giá 3,8 triệu USD, con số kỷ lục của của giải đấu.
Kawasaki Frontale là đương kim vô địch J1 League và được xem như một trong những đội bóng mạnh nhất châu Á hiện tại. Nửa thập niên trước, Chanathip từng mơ mộng lấy J League làm bàn đạp để sang Bundesliga. Thậm chí anh từng nhận lời đề nghị thử việc từ Stuttgart. Song, việc chuyển sang Kawasaki Frontale vào tháng 1 cho thấy tiền vệ Thái Lan biết mình đang ở đâu.
Chanathip là biểu tượng của bóng đá Thái Lan, người được Teeratep Winothai đánh giá ở một đẳng cấp khác so với phần còn lại của Đông Nam Á. "Cần nhớ rằng Chanathip khẳng định được năng lực ở J.League. Tỏa sáng ở Nhật Bản giúp cậu ấy tiến lên một đẳng cấp khác so với bóng đá Đông Nam Á", cựu tiền đạo tuyển Thái Lan từng chia sẻ với Zing. Thần đồng một thời của bóng đá Thái Lan cho rằng chọn Nhật Bản là nước đi sáng suốt của Chanathip và các cộng sự vài năm trước.
Song, Chanathip cũng chỉ là một trong số nhiều cầu thủ Thái Lan chọn Nhật Bản làm bến đỗ khi muốn tìm kiếm thử thách ở nước ngoài. 15 cầu thủ Thái Lan sang Nhật Bản thi đấu trong hơn một thập niên qua. Không có quốc gia Đông Nam Á nào số lượng cầu thủ sang Nhật Bản thi đấu nhiều như Thái Lan.
Teerasil Dangda hay Thitipan Puangchan là những tuyển thủ Thái Lan khác từng thi đấu tại J1 League. Họ có thể không để lại ấn tượng mạnh như Theeranthon hay Chanathip, nhưng các tuyển thủ này cũng được thi đấu và chứng tỏ phần nào khả năng.
Tuyển thủ Thái Lan mới nhất gây ấn tượng ở J1 League là Supachok Sarachat. Tiền đạo 24 tuổi có kiến tạo ngay trong trận ra mắt Consadole Sapporo ở vòng 23 J1 League 2022. Winothai chia sẻ rằng nếu ở thời của anh, các cầu thủ Thái Lan thường thích sang châu Âu, đặc biệt là đến Anh, thì trong nửa thập niên trở lại đây, Nhật Bản là điểm đến ưa thích.
Điều đó cho thấy chiến lược rõ ràng của các cầu thủ, CLB và những người làm bóng đá Thái Lan. Bản thân Winothai từng ăn tập ở Crystal Palace hay Everton trong giai đoạn 2002-2006. Trước đó, huyền thoại Kiatisuk Senamuang cũng từng thử sức tại Huddersfield Town và không thành công.
"J1 League là giải đấu hàng đầu ở châu Á và nó vừa sức hơn với cầu thủ Đông Nam Á", Winothai nhận định. Thành công ở J1 League sẽ là bước đệm cho những cầu thủ muốn sang châu Âu, tất nhiên nếu họ còn trẻ và sẵn sàng muốn thử sức.
Chiến lược của Nhật Bản
Câu chuyện cũng tương tự với bóng đá Nhật Bản. Họ xem Bundesliga là điểm đến tiềm năng cho việc xuất khẩu cầu thủ. Tháng 2/2011, Shinji Okazaki ký hợp đồng với Stuttgart và trở thành cầu thủ Nhật Bản thứ 6 cập bến Bundesliga chỉ sau vài tháng. Trước đó, Shinji Kagawa, Atsuto Uchida, Kisho Yano, Tomoaki Makino và Hajime Hosogai đã sang giải đấu cao nhất của bóng đá Đức thử sức.
Sau hơn một thập niên, các cầu thủ Nhật Bản trở nên quen thuộc với người hâm mộ Bundesliga. Ở mùa giải năm nay, Ritsu Doan (Freiburg), Wataru Endo (Stuttgart), Genki Haraguchi (Union Berlin) hay Daichi Kamada (Eintracht Frankfurt) tiếp tục được kỳ vọng tỏa sáng ở hạng đấu cao nhất của bóng đá Đức. Bundesliga cũng bệ phóng giúp Okazaki hay Kagawa chuyển sang những nấc thang cao hơn trong sự nghiệp tại Premier League.
Vì sao bóng đá Nhật Bản chọn Bundesliga để làm nơi gửi gắm cầu thủ mà không phải La Liga hay Premier League? Huấn luyện viên trưởng Frankfurt, Oliver Glasner tin rằng các cầu thủ đến từ đất nước mặt trời có nhiều phẩm chất phù hợp với bóng đá Đức như sự chăm chỉ, luôn sẵn sàng hy sinh vì tập thể và nền tảng kỹ thuật cá nhân tốt.
"Những ngôi sao từ Nhật Bản luôn dẫn đầu về thái độ và cách tập luyện," HLV này cho biết. "Họ phù hợp với nhiều tiêu chí chọn cầu thủ của chúng tôi".
Tất nhiên, để một cầu thủ thành công khi xuất ngoại, yếu tố quan trọng nhất vẫn phải là năng lực chuyên môn của cá nhân. Song, nếu các CLB, người đại diện hay những nhà làm bóng đá có chiến lược và định hướng cụ thể, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho các ngôi sao.
Bình Luận