Đầu tuần này, Chanathip Songkrasin đăng lên trang cá nhân bức ảnh viếng thăm ngôi chùa nổi tiếng Kotoku ở quận Kamakura (tỉnh Kanagawa). Hơn một năm kể từ khi chuyển sang Kawasaki Frontale với bản hợp đồng kỷ lục trong lịch sử J1 League, thời gian thi đấu của tiền vệ tuyển Thái Lan hẹp dần.
Những bức ảnh thi đấu hay ăn mừng bàn thắng của Chanathip trong màu áo Kawasaki thưa đi. Không ít người hâm mộ Thái Lan nói đùa rằng hành động đi chùa của Chanathip mang ý nghĩa cầu mong anh may mắn hơn. Song, may mắn cũng chỉ là một phần trong vấn đề tiền vệ sinh năm 1993 gặp phải trên đất Nhật.
Cạnh tranh khốc liệt
Kể từ đầu mùa, Chanathip mới chỉ thi đấu 80 phút cho Kawasaki ở vòng bảng J League Cup. Hôm 8/3, cầu thủ 29 tuổi ghi bàn trong cuộc đối đầu đội bóng hạng dưới Shimizu S-Pulse. Đáng tiếc cho anh là Kawasaki lại bất ngờ để thua 2-3 trước đối thủ bị đánh giá thấp hơn.
Trước đó, ở 3 vòng đấu đầu tiên của J1 League 2023, Chanathip thậm chí không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu. Ngay cả khi tỏa sáng tại giải đấu cúp, Chanathip vẫn không được HLV trưởng Toru Oniki điền tên vào danh sách thi đấu ở trận gặp Albirex Niigata vào ngày 11/3.
Cần nhớ rằng ông Oniki từng xem Chanathip là trụ cột và sử dụng cầu thủ thường xuyên trong mùa giải năm ngoái. Sau khi Chanathip dính chấn thương ở nửa cuối mùa giải năm ngoái, anh không thể lấy lại phong độ và gặp khó trong việc cạnh tranh suất đá chính với những cầu thủ Kawasaki khác.
Tiền vệ của tuyển Thái Lan thậm chí bỏ AFF Cup 2022 để tập trung hoàn toàn cho việc hồi phục cũng như chuẩn bị mùa giải mới. Song, mọi chuyện đến lúc này chưa khởi sắc hơn cho cầu thủ hay nhất AFF Cup 2020.
Bản thân HLV Oniki cũng gặp nhiều áp lực sau khởi đầu khá tệ đầu mùa. Sau mùa giải 2022 gây thất vọng, Kawasaki bước vào J1 League 2023 với mục tiêu trở lại ngôi vô địch. Nhưng trong 4 vòng đấu đầu tiên, họ chỉ thắng 1 (thua 2 và hòa 1), thậm chí tụt xuống vị trí thứ 14 trên bảng xếp hạng.
Hàng tiền vệ chính là tuyến khiến HLV Oniki đau đầu kể từ đầu mùa. Ông luân phiên sử dụng giữa 6 cầu thủ gồm Ryota Oshima, Yasuto Wakizaka, Joao Schmidt, Kento Tachibanada, Oshima và Daiya Tono. Đây đều là những cầu thủ dày dặn kinh nghiệm và đang ở đỉnh cao phong độ.
Sơ đồ 4-3-3 của Kawasaki cũng chỉ có chỗ cho 3 tiền vệ, trong đó thủ quân Kento Tachibanada chiếm suất đá chính ở vai trò tiền vệ trung tâm. Dự bị cho anh là ngoại binh Joao Schmidt, người từng có thời gian thi đấu cho Atalanta.
Chanathip chỉ có thể cạnh tranh ở vai trò tiền vệ tấn công, hoặc chơi cao hơn. Tuy nhiên, cả Wakizaka và Oshima đều được trọng dụng kể từ đầu mùa. Ở hai vị trí tiền đạo cánh, Chanathip cũng không thể cạnh tranh với Marcinho hay Akihiro Ienaga, hai cầu thủ tấn công vào loại tốt nhất giải đấu.
Thế khó cho Chanathip là điều có thể hiểu được, bởi Kawasaki là một trong những đội bóng mạnh nhất Nhật Bản, nếu không muốn nói là mạnh nhất châu Á vào thời điểm hiện tại. Cuộc cạnh tranh suất đá chính ở đội bóng này rất khốc liệt.
Môi trường ở Kawasaki khác xa so với Consadole Sapporo, CLB từng làm nên tên tuổi cho Chanathip tại Nhật Bản. Consadole Sapporo chỉ là đội bóng hạng khá ở J1 League và chưa bao giờ đặt mục tiêu vô địch giải đấu hay chinh phục AFC Champions League.
Ngay cả Supachok Sarachat, tài năng trẻ được kỳ vọng khác của Thái Lan cũng chỉ mới được thi đấu có 2 phút tại J1 League mùa này cho Consadole Sapporo. Cầu thủ sinh năm 1998 cũng ra sân 64 phút ở J League Cup hôm 8/3 nhưng không để lại dấu ấn.
Công Phượng cần thêm thời gian
Công Phượng không có tên trong danh sách đăng ký thi đấu của Yokohama FC ở vòng 5 J1 League diễn ra ngày 18/3. Kể từ đầu mùa, tiền đạo tuyển Việt Nam không xuất hiện trong danh sách đăng ký thi đấu của Yokohama FC tại hạng đấu cao nhất Nhật Bản.
Kịch bản này được dự báo từ trước, bởi Yokohama FC có quân số rất đông mùa này (31 người). Ban tổ chức J1 League chỉ cho phép các CLB đăng ký tối đa 18 cầu thủ trong một vòng. Đây cũng là lý do Chanathip ít được đăng ký thi đấu.
Bên cạnh đó, HLV trưởng Shuhei Yomoda của Yokohama FC cũng không sử dụng cầu thủ ngoại trên hàng công kể từ đầu mùa. Đội hình Yokohama FC hiện tại có tới 8 cầu thủ chơi trên hàng công (tiền vệ tấn công/tiền đạo), trong đó bao gồm ba ngoại binh người Brazil.
Bên cạnh Pinto (25 tuổi) và Ryan (20 tuổi), đội bóng Nhật Bản còn một chân sút khác là Saulo Mineiro. Chân sút 25 tuổi dính chấn thương nặng nên không được đăng ký thi đấu.
Sự cạnh tranh khốc liệt trên hàng công Yokohama FC khiến Công Phượng nhiều khả năng phải chơi ở hàng tiền vệ để tìm cơ hội thi đấu. Trong bài phỏng vấn đầu mùa, cựu cầu thủ HAGL thừa nhận trong những buổi tập tiền mùa giải, anh được HLV Shuhei Yomoda xếp chơi ở vị trí tiền vệ.
Tuy nhiên, cựu sao HAGL sẽ còn một chặng đường dài để có tìm kiếm thời gian thi đấu tại Yokohama. Việc anh được đăng ký thi đấu ở giải đấu cúp, nhưng vẫn bị xếp sau nhiều cầu thủ dự bị khác và không được ra sân tại giải đấu hạng hai này cho thấy vị thế khó khăn của anh.
Yokohama FC đang đứng bét bảng, vật lộn trong cuộc chiến trụ hạng và sẽ không dễ để họ trao cơ hội cho Công Phượng.
Bình Luận