1. Phút 45+2 trong trận đấu giữa HAGL và CLB Hà Nội, Duy Mạnh tranh chấp và đoạt được bóng từ phần sân nhà. Anh dẫn bóng, phối hợp với Văn Đại loại 1 cầu thủ HAGL rồi tiếp tục có 1 pha xử lý nhẹ nhàng, thanh thoát loại tiếp 1 cái bóng áo đỏ khác, khiến anh này ngã dúi dụi. Tình huống này xứng đáng là hình ảnh đại diện cho cả trận đấu. Các cầu thủ chủ nhà chơi bóng một cách từ tốn (đúng chất của người Hà Nội) nhưng cũng đủ để khiến HAGL vã mồ hôi. Dù là một trung vệ nhưng Duy Mạnh có thừa kĩ thuật và sự tự tin để giải quyết những pha bóng 5 ăn 5 thua một cách dễ dàng mà chẳng cần phải sử dụng đến cả cơ thể. Tất nhiên, HAGL thì không có được sự bình tĩnh như vậy. Hành động đá xấu của Tăng Tiến là đỉnh điểm của sự thất vọng và bất lực.
2. Ngay sau trận đấu, CLB HAGL đã phát đi thông báo loại trung vệ Tăng Tiến ra khỏi danh sách đăng kí đến hết lượt đi mùa giải. Ngay lập tức, quyết định này của Bầu Đức gây ra những sự tranh cãi trên các trang MXH. Nhiều người cho rằng, đây là một quyết định đúng đắn của người đứng đầu HAGL. Bên cạnh đó, cũng có nhiều ý kiến nói rằng phạt như vậy là quá nặng và không cần thiết. Trong lích sử V-League, chuyện CLB phạt nội bộ cầu thủ không phải điều quá xa lạ, nhưng tất cả chỉ dừng lại ở mức độ phạt tiền, ví dụ như FLC Thanh Hóa cắt toàn bộ lương thưởng của Omar trong thời gian chịu án treo giò sau hành động không đẹp trong trận đấu với S. Khánh Hòa ở mùa giải năm ngoái. Việc bầu Đức quyết định tự treo giò cầu thủ của mình đến hết lượt đi ( còn 8 trận nữa mới kết thúc) có lẽ chưa hề có tiền lệ.
3. Giả sử, cách đây khoảng 10 năm, Wayne Rooney nóng máu rồi lao vào hỗn chiến với cầu thủ đối phương (sự việc này chẳng hiếm trong quá khứ), sau trận đấu Sir Alex quyết định tự treo giò cầu thủ trẻ của mình 8 trận vì làm xấu hình ảnh CLB. Chắc hẳn người đọc sẽ thấy quyết định này có gì đấy... sai sai.
Trong bóng đá chuyên nghiệp, việc phạt nội bộ một cầu thủ trẻ là điều khá nhạy cảm. Nghỉ thi đấu một thời gian dài sẽ khiến quá trình phát triển của họ chững lại, ngoài ra tinh thần của cầu thủ cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề. Tăng Tiến mới 23 tuổi, độ tuổi quyết định xem anh có thể thoát khỏi danh nghĩa "cầu thủ trẻ" để bước ra ánh sáng hay không. Vậy mà chỉ sau một buổi tối, Tăng Tiến đã phải xác định ngồi chơi khoảng 2 tháng nữa.
Án phạt mà bầu Đức đưa ra hoàn toàn là quyết định đến từ lý trí và quy định của HAGL? Khó tin. Chắc hẳn trong lúc "ra lệnh", người đàn ông quyền lực nhất HAGL ít nhiều đã tức giận. Thiết nghĩ, là một người lãnh đạo, trước khi đưa ra bất kì quyết định nào bầu Đức cũng nên suy xét đến nhiều khía cạnh khác ảnh hưởng đến Tăng Tiến. Đó là chưa kể, tâm lý của tất cả cầu thủ khác cũng sẽ ít nhiều bị ảnh hưởng. Chẳng may 1 lần lỡ chân, họ cũng có thể phải đánh đổi bằng 2 tháng trong sự nghiệp. Làm sao HAGL có thể thi đấu tốt khi trong đầu họ lúc nào cũng lơ lửng 2 chữ "án phạt" như vậy?
Bầu Đức là người luôn hướng đến 2 chữ "chuyên nghiệp" trong bóng đá. Hy vọng rằng, sau khi bàn bạc lại với ban huấn luyện đội bóng, án phạt của Tăng Tiến sẽ được sửa đổi một cách chuyên nghiệp nhất. Một án phạt công bằng, dựa trên ý kiến khách quan của nhiều người, chứ không phải đến từ một nhà lãnh đạo đang... có chút tức giận.
Tăng Tiến nhận thẻ đỏ, HAGL thua muối mặt ở Hàng Đẫy:
Bình Luận