Đây! Nguyên nhân khiến Bùi Tiến Dũng "thất sủng" ở Thanh Hóa

Thủ thành Bùi Tiến Dũng đang có chuỗi ngày khá “thảm hại” khi không cạnh tranh được vị trí chính thức trong khung gỗ của FLC Thanh Hóa.
Những pha bắt pennalty xuất thần của soái ca Bùi Tiến Dũng
Sau thành tích của U23 Việt Nam với sự góp mặt của thủ thành Bùi Tiến Dũng, người đã góp phần không nhỏ đưa đại diện của Đông Nam Á tiến vào chơi trận chung kết. Màn thể hiện của thủ thành Tiến Dũng đã khiến người hâm mộ nghĩ đến một vị trí chính thức của anh trong khung gỗ của FLC Thanh Hóa.
 
Tuy nhiên, ngay sau khi cựu HLV trưởng Marian Mihail rời bỏ ghế chiếc ghế nóng dẫn dắt FLC Thanh Hóa, “cuộc đời” Tiến Dũng ngay lập tức trở nên đen tối. Tính đến trận gặp Cần Thơ hôm 20/4 vừa qua là lần thứ ba liên tiếp Bùi Tiến Dũng phải ngồi ghế dự bị. Vậy những lí do nào khiến Dũng “gôn” trở nên “thất sủng”?
 - Bóng Đá

Tiến Dũng ngồi dự bị ở vòng 5 V-League trên sân Gò Đậu. Ảnh: Đình Viên. 

1. Phong độ của FLC Thanh Hóa không ổn định

Nếu đội bóng xứ Thanh đang có được một phong độ cao với hàng công chăm chỉ ghi bàn và hàng thủ vững chắc không để lọt bóng ở mỗi trận đấu, thì cơ hội xuất hiện của Tiến Dũng có lẽ sẽ cao hơn khi HLV trưởng ở thời điểm hiện tại là ông Hoàng Thanh Tùng.

Tuy nhiên, sau 6 vòng đấu của V-League 2018, FLC Thanh Hóa chỉ đang có được 8 điểm và tạm xếp ở vị trí thứ 7 trên bảng xếp hạng. Hình ảnh của FLC Thanh Hóa ở thời điểm hiện tại trái ngược hẳn với đội chủ sân Thanh Hóa từng “bất bại” ở lượt đi mùa giải năm ngoái.

Dù vậy, việc phong độ của toàn đội đi xuống vẫn có một phần trách nhiệm của HLV dẫn dắt cùng ban lãnh đạo với người đứng đầu là HLV tạm quyền Hoàng Thanh Tùng. Không quá khó để nhìn ra rằng, HLV Thanh Tùng khó có thể bì kịp với người tiền nhiệm Marian Mihail. Như Bongda.com.vn đã phân tích ở bài “FLC Thanh Hóa: Thay tướng nhưng chưa đổi được vận”, dưới sự dẫn dắt của HLV Mihail, đội bóng xứ Thanh giành được 13 trên tổng số 30 điểm tối đa, đạt hiệu suất 43% trong khi dưới sự dẫn dắt của HLV Hoàng Thanh Tùng, FLC Thanh Hóa chỉ giành được 3 trên tổng số 9 điểm tối đa, đạt hiệu suất có 33%.

HLV chưa đạt đủ trình độ, cầu thủ toàn đội cũng không có được phong độ cao nhất. Điều này đồng nghĩa với việc HLV Thanh Tùng sẽ cần đưa ra những sự lựa chọn tốt nhất trong lực lượng nhân sự của Thanh Hóa ở thời điểm hiện tại để hoàn thành nhiệm vụ đã được giao. Mà Tiến Dũng chắc chắn không phải là tốt nhất trong khung gỗ đội bóng xứ Thanh.

2. Không đủ sức cạnh tranh với “đồng môn”

 - Bóng Đá

Kinh nghiệm của Bùi Tiến Dũng còn nhiều hạn chế so với đàn anh Thanh Thắng và Bửu Ngọc ở Thanh Hóa. Ảnh: Đình Viên. 

Ở thời điểm hiện tại, FLC Thanh Hóa đang có 3 sự lựa chọn cho vị trí khung gỗ gồm Thanh Thắng, Bửu Ngọc và Tiến Dũng. Ở VCK U23 Châu Á 2018, Tiến Dũng đã thể hiện một màn trình diễn xuất sắc khi cản phá thành công nhiều pha dứt điểm trong trận đấu cũng như trên chấm 11m ở các loạt đá luân lưu. Có thể thấy rằng, khả năng phản ứng cùng phán đoán tình huống bóng của thủ môn sinh năm 1997 là tương đối tốt và có khả năng phát triển cao hơn. Tuy nhiên, đấu trường gồm những cầu thủ dưới lứa tuổi 23 và đấu trường V-League hay thậm chí là đấu trường AFC hoàn toàn khác nhau.

Khi FLC Thanh Hóa bước vào đấu trường AFC với những CLB trong khu vực, Tiến Dũng được HLV Mihail đưa vào đội hình xuất phát và nhanh chóng thể hiện sự non kinh nghiệm trước những đối thủ già dơ. Bên cạnh điểm yếu khi phải đối mặt với những pha tạt bóng từ dưới lên (từ sát đường biên ngang tạt ngược vào giữa), hoặc những pha tạt ngang vào trung lộ, Tiến Dũng cũng thể hiện ra sự thiếu dứt khoát trong các tình huống xử lý bóng ví dụ như bàn thua của FLC Thanh Hóa trận đấu với Yangon United (Myanmar) tại AFC Cup vừa qua.

Đối với đấu trường V-League, một trong những giải đấu được đánh giá là rất khắc nghiệt thì kinh nghiệm chinh chiến, điều mà Tiến Dũng thiếu lại càng được đánh giá cao. Có thể trình độ của HLV Mihail giỏi hơn so với HLV Thanh Tùng nhưng nếu xét về độ “hiểu” V-League thì chắc chắn HLV Thanh Tùng ở một mức độ cao hơn.

Nếu đem cả ba sự lựa chọn cho khung gỗ của FLC Thanh Hóa đặt lên bàn cân thì sẽ rất dễ thấy rằng, so với Bửu Ngọc và Thanh Thắng, Tiến Dũng còn thua rất nhiều về mặt kinh nghiệm. Ở cả Bửu Ngọc lẫn Thanh Thắng, người hâm mộ sẽ rất dễ nhìn thấy sự ổn định và giàu kinh nghiệm thông qua những trận đấu trước đây. Việc thi đấu ổn định sẽ tạo được niềm tin cho cả BHL lẫn hàng hậu vệ trong mỗi trận đấu và đây là điều khiến Tiến Dũng không có cửa cạnh tranh lại với hai đàn anh.

3. Chạy “show” quá nhiều

Hình ảnh thủ thành Bùi Tiến Dũng của U23 Việt Nam sau khi trở về từ VCK U23 Châu Á 2018 đã trở nên rất “hot”. Ngay sau khi từ Trung Quốc trở về, người hùng của Việt Nam ngay lập tức dính vào sự cố hợp đồng quảng cáo với một công ty ngoài.

Sau khi giải quyết êm thấm “phốt” này, Tiến Dũng liên tục chạy show, nhận những lời mời quảng cáo cho các thương hiệu như sự xuất hiện của Tiến Dũng sánh vai cùng hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tại một buổi kí kết hợp đồng hợp tác của một bệnh viện tư nhân hay lột bỏ bộ đồ thủ môn để trở thành người mẫu trên sàn catwalk gần đây.

 - Bóng Đá

Bùi Tiến Dũng đang bị chi phối khá nhiều ngoài nhiệm vụ thi đấu trên sân cỏ. 

Những tác động từ phía ngoài đã ít nhiều gây ảnh hưởng tới việc tập luyện, cạnh tranh vị trí thủ môn của cầu thủ sinh năm 1997. Đi đóng quảng cáo hay đi sự kiện thì làm sao có thể tập luyện được? Ngay cả trong buổi tập trung ĐTVN chuẩn bị cho chuyến làm khách trên nhà của ĐT Jordan vào ngày 23/03 vừa qua, Tiến Dũng cũng phải lên tập trung muộn do... bận đi đóng quảng cáo.

Như vậy, với những lí do ngoại lực và nội lực trên tác động, không khó để hiểu được tại sao Tiến Dũng đang không phải là lựa chọn số 1 trong khung gỗ của HLV Thanh Tùng ở thời điểm hiện tại. Nếu không muốn trở thành “dự bị ngàn năm” và sớm tắt thì chắc chắn Tiến Dũng sẽ cần phải chú tâm nhiều hơn vào công tác luyện tập, thay đổi bản thân.

Không ai khác chính Bùi Tiến Dũng phải nhớ rằng, không có vị trí chính thức trong màu áo CLB, rất khó để Dũng có tên ở ĐTQG và U23 Việt Nam.

    Bình Luận