Trái bóng của V-League 2023 vẫn chưa chính thức lăn trên các sân cỏ Việt Nam nhưng những dự báo của một mùa giải khó khăn nhiều sóng gió dường như đang hiện ra trước mắt sau lùm xùm đang diễn ra giữa HAGL và BTC giải. Hơn 20 năm giải VĐQG bước lên chuyên nghiệp nhưng cụm từ "chuyên nghiệp" mà những người làm bóng đá Việt Nam đặt ra vẫn là một cái gì đó xa xỉ, mang tính gượng ép và chưa thuyết phục NHM.
Chuyên nghiệp làm sao được khi mà mỗi khi có một vụ việc tranh cãi, căng thẳng nào đó xảy ra thì BLĐ các CLB lại thốt lên hai từ "bỏ giải". Nó như một câu cửa miệng dễ nói ra bất cứ lúc nào. Còn nhớ vào năm 2020, HLV Nguyễn Văn Sỹ (Nam Định) đã từng dọa không tiếp tục thi đấu chỉ vì cho rằng trọng tài xử ép đội nhà. Còn ông bầu Nguyễn Văn Đệ (Thanh Hóa) lại tạo ra câu chuyện dở khóc dở cười khi tuyên bố "nghỉ chơi" với V-League rồi quay lại chỉ khoảng 24 giờ sau đó.
Giờ đây, khi V-League 2023 chưa diễn ra, dư luận lại dậy sóng bởi tuyên bố bỏ giải của ông chủ tịch CLB HAGL khi bị Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cấm quảng bá hình ảnh của nhà tài trợ. Ông bầu Đoàn Nguyên Đức cho hay: "VPF không đồng ý quảng bá cho nhà tài trợ thì chúng tôi nghỉ chơi, chuyện này rất đơn giản. HAGL có quyền lựa chọn chơi hay nghỉ tham dự mùa tới".
Theo cách tuyên bố của ông chủ đội bóng Phố Núi, chuyện bỏ giải thật sự rất đơn giản, giống như kiểu thích thì tham dự, bất mãn thì chia tay. Thế tại sao, câu chuyện "nghỉ chơi" tại giải VĐQG lại dễ nói đến thế?
Tại các quốc gia tiên tiến trên thế giới, môn thể thao vua mang lại nguồn thu rất lớn. Các CLB sẽ được BTC chia tiền bản quyền truyền hình, khai thác thương mại. Việc bán áo đấu, quảng cáo, bán vé, chuyển nhượng cầu thủ tạo ra nguồn doanh thu lớn cho các đội bóng. Những điều này tại Việt Nam là câu chuyện xa xỉ bởi lẽ nguồn sống của CLB tại V-League phụ thuộc vào sự rót tiền của doanh nghiệp.
Các ông bầu sẵn sàng bỏ tiền ra nuôi bóng đá vì tình yêu của mình chứ họ chẳng hề thu lại một khoản lợi nhuận nào. Nói cách khác, đầu tư vào bóng đá Việt Nam chẳng khác nào "đốt tiền qua cửa sổ". Bởi vậy, khi gặp những bất bình hay kinh tế khó khăn thì câu nói bỏ giải cũng dễ dàng thốt ra. Nó dường như giúp các ông chủ trút bớt gánh nặng hơn là gây ra những thiệt hại.
Bên cạnh đó, cơ chế của giải VĐQG vốn còn quá nhiều bất cập cũng khiến việc dọa bỏ giải trở nên dễ dàng hơn. Hãy nhìn vào các mùa giải vừa qua tại V-League, mỗi năm lại có một thể thức khác nhau (đấu vòng tròn 2 lượt hoặc chia nhóm tranh vô địch và trụ hạng). Số lượng CLB tham dự giải đôi khi cũng thay đổi, suất xuống hạng hay lên hạng không ổn định, thể lệ giải đấu các mùa giải lại khác biệt, được công bố trễ và thiếu hợp lý về nhiều mặt.
Rõ ràng, tồn tại từ khâu tổ chức cũng vô tình tạo ra những lỗ hổng để các CLB lách luật và dễ phản ứng. Để rồi, thỉnh thoảng, câu chuyện bỏ giải vẫn cứ tiếp tục được nói đến. Các ông bầu có quyền "nghỉ chơi" với V-League nhưng hậu quả của nó là hình ảnh của giải VĐQG bị tổn hại nghiêm trọng.
Hơn hết, NHM sẽ cảm thấy tổn thương khi chứng kiến đội bóng con cưng của mình bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam. Đến lúc nào không còn câu cửa miệng "bỏ giải" của các ông bầu và cơ chế tại V-League được hoàn thiện, lúc đó giải vô địch quốc gia mới thật sự chuyên nghiệp, còn hiện tại thì chưa.
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của bạn đọc.
Mời bạn đọc tiếp tục chia sẻ những bình luận, cảm xúc về các nhân vật, sự kiện, các giải bóng đá bằng cách email về [email protected]. Các quy định về cộng tác, vui lòng đọc tại đây.
Trân trọng,
Ban biên tập Báo Thể thao Việt Nam
Bình Luận