Sáng 13/3, Ban kỷ luật Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đã đưa ra án phạt với tiền đạo Nsi của đội Cần Thơ vì tự ý ký hợp đồng với CLB khác. Theo đó, ngoại binh 28 tuổi bị phạt 10 triệu đồng, không được phép tham gia các hoạt động bóng đá do VFF tổ chức trong vòng 1 năm.
Trước đó, các phương tiện truyền thông Việt Nam đưa tin Nsi "đi đêm" với Sài Gòn FC. Anh không hội quân cùng Cần Thơ hồi tháng 1 mà tự ý về tập luyện cùng đội bóng mới. Đã vậy, tác giả 16 bàn mùa trước còn khoác áo Sài Gòn FC tham dự trận giao hữu với chính đội bóng cũ vào ngày 3/3.
Không thể chấp nhận hành động của Nsi, đội bóng miền Tây quyết định đưa trường hợp này ra tòa. Họ tìm đến Liên đoàn Bóng đá Việt Nam để yêu cầu giải quyết vụ việc. Và cùng với án phạt của VFF, trung phong người Cameroon sẽ vắng mặt hết mùa giải 2018.
Trong quá khứ, nhiều cầu thủ tên tuổi và các CLB lớn Premier League từng bị phạt nặng vì "đi đêm". Nổi tiếng nhất phải kể đến trường hợp của Dwight Yorke, Jermain Defoe hay Ashley Cole... Ngoài ra, Liverpool và Manchester City cũng đôi ba lần "đi đêm" và trả giá với án phạt tiền.
Đầu tiên, khái niệm "đi đêm" là hành động một CLB lén lút tiếp xúc với một cầu thủ mà đội chủ sở hữu không được biết hoặc chưa cho phép. Thông thường chiêu trò này được thực hiện qua trung gian là người đại diện của cầu thủ đó. Đôi khi, Giám đốc điều hành và HLV cũng trực tiếp nhúng tay.
Có nhiều cách để "đi đêm", nhưng phổ biến nhất vẫn là người đại diện bí mật sắp xếp cuộc hẹn ở khách sạn để các bên đàm phán. Năm 2005, Ashley Cole từng lén lút gặp gỡ HLV Jose Mourinho và Giám đốc điều hành Peter Kenyon của Chelsea.
Dĩ nhiên, trong câu chuyện này có bàn tay dàn dựng của người đại diện Jonathan Barnett của hậu vệ người Anh.
Vụ việc đổ bể, Ashley Cole bị phạt 100.000 bảng, người hâm mộ Arsenal sau đó ghét tới mức tặng cho anh biệt danh "Cash-ley Cole". Trong khi đó, Jonathan Barnett bị cấm tham gia các hoạt động chuyển nhượng 18 tháng. "Người đặc biệt" và Chelsea cũng không thoát án phạt.
Một trường hợp khác, MU được tin rằng dùng chiêu trò để thuyết phục Dwight Yorke chuyển tới CLB từ Aston Villa. Họ không trực tiếp đánh tiếng chiêu mộ tiền đạo người Trinidad&Tobago, song truyền thông Anh cho biết "Quỷ đỏ" có những tác động ngầm, khiến Yorke làm loạn.
"Nếu có một khẩu súng ở đó, tôi đã bắn anh ta rồi", HLV John Gregory nói vào thời điểm Dwight Yorke tới gặp và bày tỏ ý định ra đi.
Chưa dừng lại, cựu tiền đạo này còn nổi loạn bằng cách chơi vật vờ trong trận đầu tiên của mùa giải 1998, hành động làm xấu xí nỗ lực 9 năm anh xây dựng với Aston Villa. Năm ngày sau, Dwight Yorke được bán cho MU.
Báo The Times bình luận "đi đêm" trở thành chuyện xưa như trái đất trong bóng đá và không có cách nào ngăn chặn. Năm 2017, Liverpool dính vào vụ kiện "đi đêm" với gia đình một cầu thủ nhí 12 tuổi thuộc lò đào tạo trẻ Stoke City, với lời hứa hẹn thanh toán học phí cho mục tiêu tới năm 16 tuổi.
Cùng năm, Man City nhận án phạt 300.000 bảng vì "đi đêm" với hai cầu thủ nhí, đồng thời không được phép ký hợp đồng với các cầu thủ thuộc những lò đào tạo trẻ khác trong 18 tháng.
Còn Liverpool, hệ quả vụ việc trên khiến đội bị phạt 200.000 bảng. Tệ hơn, gia đình cầu thủ nhí kia phải gánh khoản nợ lớn vì dọn tới vùng Merseyside sinh sống.
Rồi khi Berbatov chuyển tới MU, đã có đồn đại Sir Alex "đi đêm" với chân sút người Bulgaria. Trong đó, chiến lược gia người Scotland được mô tả rất thích gọi điện thoại bày tỏ sự ngưỡng mộ với mục tiêu ông nhắm tới. Lúc đó, Spurs tố nắm giữ nhiều bằng chứng về việc "Quỷ đỏ" chơi chiêu với người của họ.
Hay như vụ Virgil van Dijk sang Liverpool, đội Southampton tố đối thủ phạm luật chuyển nhượng, theo đó có hành vi sai trái trong việc tiếp xúc với ngôi sao người Hà Lan. Sau tất cả, Van Dijk vẫn cập bến sân Anfield.
Nói về vụ việc, Chủ tịch Peter Coates lên tiếng: "Chuyện bình thường. Đó là một phần của cuộc chơi". Nhiều HLV đồng tình với quan điểm đó, bởi lịch sử chứng kiến rất nhiều vụ "đi đêm", như Christian Ziege sang Liverpool, John Obil Mikel tới Chelsea, Paul Pogba cập bến MU...
Khái niệm "đi đêm" tồn tại từ rất lâu và gắn liền với những vụ chuyển nhượng. Dù FIFA, những người đứng đầu các giải đấu cố gắng ra nhiều điều luật để ngăn chặn, số trường hợp vi phạm giảm đi không đáng kể.
Chuyện "đi đêm" dĩ nhiên làm hỏng hình ảnh đẹp đẽ của bóng đá, tuy nhiên chỉ đáng chê trách khi các bên hành xử quá đá. Theo đó, làm loạn như Dwight Yorke hay chơi chiêu kiểu Ashley Cole mới đáng bị lên án.
Còn như Nsi, ngoại binh này phải chi khéo léo hơn, anh đã có thể tìm cho mình bến đỗ mới, thay vì kết thúc với án phạt nặng từ VFF.
Bình Luận