Trọng tâm trong mùa giải mới mà VPF hướng tới là xây dựng hình ảnh bóng đá đẹp để thu hút khán giả đến sân.
Lấy niềm tin từ “hiệu ứng” U23 Việt Nam
Với hiệu ứng tích cực từ thành công của Đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam tại Vòng chung kết U23 châu Á vừa qua, V-League 2018 chuẩn bị khởi tranh với khá nhiều tín hiệu lạc quan và được kỳ vọng sẽ mang tới nhiều thay đổi.
Điều này được thể hiện trong việc khán giả đến sân khá đông ở trận đấu tranh Siêu cúp Quốc gia giữa Quảng Nam và Sông Lam Nghệ An, các trận đấu của Sông Lam Nghệ An và FLC Thanh Hóa tại AFC Cup, thậm chí cảnh “vỡ sân” trong trận giao hữu giữa Bình Phước và Hoàng Anh Gia Lai vừa qua.
Theo ông Trần Anh Tú, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc VPF, các trận đấu “khởi động” diễn ra trong bầu không khí tuyệt vời, khán giả tới sân cổ vũ cuồng nhiệt cho các cầu thủ.
Sau khi kết thúc trận đấu, khán giả đứng chờ bên ngoài để xin chữ ký của cầu thủ. Đây là hiệu ứng rất rõ ràng và cơ sở thuận lợi cho V-League sắp tới.
Tuy nhiên, để duy trì hiệu ứng đó phải nỗ lực rất nhiều. Hiệu ứng đó có thể kéo dài được 4-5 vòng nhưng nếu các câu lạc bộ không đá thật, hay nhiều bất cập như những năm trước thì người hâm mộ sẽ quay mặt đi.
Một trong những vấn đề được quan tâm để lấy lại niềm tin của người hâm một là công tác trọng tài. Hiện Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) và VPF đang tổ chức Chương trình tập huấn giám sát, trọng tài, điều phối viên, cán bộ truyền thông các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia 2018 (diễn ra từ ngày 4-8/3 tại Hà Nội).
Chỉ những trọng tài, trợ lý trọng tài đạt yêu cầu mới tiếp tục được phân công làm nhiệm vụ tại V-League 2018.
Theo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, bên cạnh tập trung nâng cao tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức và thi đấu thì công tác trọng tài cũng được VFF củng cố và nâng cao chất lượng.
VFF kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi thiếu văn hóa, thi đấu thô bạo trên sân cỏ, tạo thói quen tuân thủ luật cho các cầu thủ cũng như các thành viên tham dự giải.
Ông Trần Anh Tú cho rằng, trước mắt phải lấy lại niềm tin của người hâm mộ. Đá đẹp là tất yếu nhưng trước hết các đội phải đá thật và trọng tài điều khiển các trận đấu phải thật công tâm.
Người hâm mộ tin tưởng vào sự thật và họ biết đâu là sai sót, sai lầm hay “có vấn đề” của trọng tài. Để lấy lại niềm tin thì tất cả các đội, VPF, trọng tài cùng phải nỗ lực.
Xây dựng từng hình ảnh nhỏ
Từ khi ra đời đến nay, Giải bóng đá Vô địch Quốc gia luôn là một trong những sự kiện bóng đá quan trọng nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia.
Theo ông Lê Hoài Anh, Tổng Thư ký Liên đoàn Bóng đá Việt Nam, VFF cùng VPF và các câu lạc bộ đã và đang nỗ lực phối hợp thực hiện các giải pháp nhằm cải thiện chất lượng giải đấu.
Hiện V-League đã từng bước có những thay đổi tích cực và nhận được ủng hộ của các thành phần trong xã hội, trong đó có các doanh nghiệp đầu tư cho bóng đá.
Với sự đổi mới mạnh mẽ từ đơn vị tổ chức VPF trong năm nay, tin rằng mùa giải 2018 sẽ mang lại một luồng sinh khí mới, tạo động lực mới để bóng đá Việt Nam đi đúng quỹ đạo chuyên nghiệp.
V-League 2018 dự kiến diễn ra từ 10/3-6/10 với sự tham gia của 14 câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp, 182 trận đấu (26 lượt trận). Để thuận lợi hơn cho khán giả theo dõi, giờ thi đấu năm nay cũng khá linh hoạt với nhiều khung giờ khác nhau, đặc biệt là các trận đá muộn lúc 19 giờ.
Các trận đấu sẽ được truyền hình trực tiếp, phát sóng trên các kênh sóng của Đài truyền hình Việt Nam (VTV), Truyền hình cáp Việt Nam (VTV Cab), Đài truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (HTV), Truyền hình vệ tinh K+, cùng các Đài phát thanh - truyền hình địa phương và kênh truyền thông VPF.
Để thu hút khán giả đến sân, VPF xác định không chỉ cải thiện chất lượng chuyên môn giải đấu mà phải xây dựng hình ảnh giải đấu thông qua những thay đổi nhỏ nhất, bao gồm hình ảnh trực tiếp và trực tuyến.
Với hình ảnh online (trực tuyến), VPF đang tạo dựng hình ảnh ban đầu để giới thiệu về giải một cách ấn tượng, đổi mới hơn trước. Đồng thời, VPF tăng cường sử dụng các ứng dụng trực tuyến để gần gũi với người hâm mộ.
Tuy nhiên, việc tạo dựng hình ảnh trực tiếp là xây dựng cơ sở vật chất của các sân vận động là một quá trình.
Tổng Giám đốc VPF Trần Anh Tú cho biết, hiện các câu lạc bộ là đơn vị quản lý sân nhưng quyền sở hữu lại thuộc địa phương nên khi xây dựng, cải tạo vẫn gặp bất cập.
Đơn cử như Sông Lam Nghệ An, họ rất muốn sửa chữa sân nhưng phải phụ thuộc vào cơ chế, vì đó là tài sản nhà nước. Trước mắt, các Câu lạc bộ có thể giải quyết từng hạng mục nhỏ để thay đổi và nâng chất lượng cơ sở vật chất của sân, tạo không gian đẹp thu hút khán giả.
Tổng Giám đốc VPF Trần Anh Tú khẳng định, VPF luôn mong muốn đổi mới và xem đó là đòi hỏi cấp thiết của người hâm mộ và bóng đá Việt Nam. Thời gian qua, chúng ta theo cách làm cũ nên trước hết phải đổi mới tư duy, cách làm.
Các thành viên tham dự giải cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc hơn để cùng với các câu lạc bộ, cầu thủ xây dựng, phát huy hình ảnh giải đấu đẹp hơn đối với người hâm mộ cả nước, đưa hình ảnh của các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong lòng khán giả.
Bình Luận