Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó đoán định, BTC V-League quyết định cho mỗi CLB đăng ký 35 cầu thủ. Quân số như vậy để giúp CLB có đủ số người thay thế phòng trường hợp bị nhiễm Covid-19.
Trên thực tế, hầu hết các đội bóng đều sớm chốt lực lượng từ trước Tết, chỉ có một vài điều chỉnh nhỏ hay bổ sung phút cuối. Những "bom tấn" được chờ đợi, như cú dịch chuyển của ngôi sao Nguyễn Quang Hải đã không xảy ra.
Tiền vệ người Đông Anh được xác định chốt đơn gắn bó ít nhất 3 mùa với đội chủ sân Hàng Đẫy, thay vì ra nước ngoài hoặc chuyển đến một đội bóng khác khi hợp đồng đáo hạn vào tháng 4.
Do Quang Hải "ổn định" nơi thi đấu, vì vậy việc Topenland Bình Định có chữ ký của trung vệ Đình Trọng đúng ngày chốt hạn đăng ký danh sách với BTC có thể xem là cú nổ lớn trong đợt shopping đầu mua. Đình Trọng ký 3 năm với đội bóng đất Võ, với mức lót tay được cho là 10 tỷ và mức lương gần gấp đôi so với lúc gắn bó cùng Hà Nội FC.
Thiếu cú nổ lớn nhưng thị trường chuyển nhượng V-League cũng diễn ra rất sôi động. Năng động nhất chính là đội bóng đất Võ khi chiêu mộ đến 13 tân trong mùa giải thứ 2 tham dự V-League. Về ngoại binh, Bình Định lấy về bộ đôi chân sút Jermie Lynch và Rafaelson.
Ở danh sách nội binh, ngoài bản hợp đồng "bom tấn" Đình Trọng, đội bóng đất Võ chiêu mộ nhiều cầu thủ chất lượng khác như Đức Chinh, Thanh Thịnh, Lý Công Hoàng Anh, Nghiêm Xuân Tú, Mạc Hồng Quân…Cùng với ngôi sao tuyển Việt Nam Tấn Tài, Bình Định rất tham vọng tranh ngôi cao ở mùa giải năm nay.
Một đội tương đối tích cực nữa là SLNA. Nhưng trái với Topenland Bình Định, đội bóng xứ Nghệ tập trung làm tăng bản sắc địa phương khi hút về hàng loạt ngôi sao trưởng thành từ chính lò đào tạo. Giữ chân Xuân Mạnh và Văn Đức, SLNA thành công trong việc đưa Quế Ngọc Hải, Trọng Hoàng, Trần Đình Hoàng... về lại với sân Vinh.
HAGL là một trong những đội chốt danh sách đăng ký sớm nhất V-League. Đội bóng phố Núi mùa này cùng lúc tham dự V-League, Cúp Quốc gia và AFC Champions League nên có sự đầu tư mạnh tay về ngoại binh.
HAGL giữ chân trung vệ Kim Dong Su và Washington Brandao, đồng thời chiêu mộ thêm Barbosa Mauricio và Jefferson Silva. Bốn ngoại binh của HLV Kiatisuk đều rất chất lượng, đủ giúp HAGL tự tin cạnh tranh sòng phẳng ngôi vô địch, sau khi đã lỡ cơ hội lên ngôi mùa trước vì dịch Covid-19.
Ngoài nhóm năng động hoặc ổn định sớm trên, Hà Nội FC được xem thành công khi giữ chân Quang Hải. Dàn nội binh của đội bóng Thủ đô vẫn ổn định với cái tên chất lượng khi Hùng Dũng trở lại sau chấn thương, Quang Hải, Văn Quyết, Duy Mạnh, Việt Anh...vẫn còn đó, trong khi bổ sung Hải Long, ngôi sao đang lên của tuyển Việt Nam Phạm Tuấn Hải đồng thời thay máu ngoại binh với sự xuất hiện của Djuro Zec và Josip Ivancic.
Nhóm còn lại là cuộc "xào xáo" lực lượng của nhau. Chẳng hạn đội bóng xứ Thanh công bố những bản hợp đồng mới cho mùa giải 2022 như hậu vệ Đinh Tiến Thành, Đàm Tiến Dũng, thủ môn Trần Bửu Ngọc. Hai ngoại binh mới là tiền đạo Paulo Henrique và trung vệ Igor Jelic, còn Paulo Pinto được giữ lại.
Hải Phòng với cựu HLV trưởng Hà Nội FC Chu Đình Nghiêm mang về rất nhiều tân binh, nhưng nổi bật chính là 2 trò cũ của thuyền trưởng xứ Thanh là Rimario và Moses. Dàn nội binh của đội chủ sân Lạch Tray có 2 gương mặt nổi lên là Hải Huy, cựu đội trưởng Than Quảng Ninh hay cựu tiền vệ U23 Việt Nam Bùi Tiến Dụng...
Bình Luận