CLB Thanh Hóa vẫn chứng minh họ là hiện tượng chưa có lời giải ở V-League 2023. Suốt 9 vòng đấu, chưa CLB nào, ngay cả đương kim vô địch Hà Nội hay thế lực Viettel, có thể đánh bại đội bóng xứ Thanh. 6 thắng, 3 hòa và 21 điểm sau 9 vòng đang giúp Thanh Hóa ngự trị ngôi đầu, bỏ xa đội xếp sau là Công An Hà Nội (CAHN) tới 4 điểm.
Không phải Nam Định hay CAHN, Thanh Hóa mới chính là bất ngờ lớn nhất của V-League 2023. Không được đầu tư mạnh, không HLV thực sự tên tuổi, không có ngôi sao quá lớn trong đội hình, Thanh Hóa vẫn làm được điều mà không đội bóng lớn nào khác làm được.
Có nhiều cách lý giải cho thành công hiện tại của CLB Thanh Hóa. Đầu tiên là cách đội bóng này chuẩn bị cho mùa giải mới. Việc mua sắm có phần “từ tốn” trên thị trường chuyển nhượng khiến Thanh Hóa ít bị chú ý.
Đội hình Thanh Hóa đá V-League gần như không có ngôi sao là tuyển thủ quốc gia mà sử dụng cầu thủ bản địa chiếm đa số, trong đó có Hoàng Đình Tùng, Nguyễn Minh Tùng, Vũ Xuân Cường, Lê Văn Thắng hay Lê Quốc Phương thậm chí đã qua tuổi đỉnh cao.
Những nội binh Thanh Hóa mang về mùa này cũng không quá nổi bật, như A Mít (từ Đà Nẵng), Hoàng Thái Bình (Hải Phòng), Lâm Ti Phông (TP.HCM) hay Lê Thanh Bình (Bình Định).
Về ngoại binh, Thanh Hóa chiêu mộ Paulo Conrado, cầu thủ có mác từng chơi cho Pathum United nhưng chủ yếu dự bị và chỉ ghi được 3 bàn sau 13 trận. 2 “Tây” còn lại là Bruno Cantanhede và Gustavo Santana đều quen thuộc ở V-League, đến Thanh Hóa khi sa sút phong độ và từng bị nhiều đội bóng thải loại.
Khi không bị chú ý, lực lượng không được đánh giá cao ấy của Thanh Hóa lại chơi hay ngoài sức tưởng tượng, thi đấu gắn kết và liên tục tạo ra bất ngờ. Thanh Hóa có thể không phải đội ghi nhiều bàn nhất hoặc để thủng lưới ít nhất nhưng lại là đội chơi hiệu quả nhất.
Dấu ấn của HLV Velizar Popov cũng là một yếu tố cho thành công của CLB Thanh Hóa. Ông Popov mang triết lý huấn luyện từng áp dụng cho U23 Myanmar giành HCĐ SEA Games 2019 tới với Thanh Hóa, kết hợp sự am hiểu bóng đá Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng, để nhào nặn một tập thể rất khó đánh bại.
Những ai theo dõi CLB Thanh Hóa từ đầu mùa có thể thấy các học trò HLV Popov luôn thi đấu máu lửa với nền tảng thể lực dồi dào. Trước bất kỳ đội bóng nào, Thanh Hóa sẵn sàng tấn công tổng lực để ghi bàn và khi cần cũng có thể tạo ra khối bê tông vững chắc trước vùng cấm nhằm bảo toàn thành quả.
Cách tấn công của Thanh Hóa không rườm rà mà chú trọng sự hiệu quả ở những bài tấn công biên và tấn công trực diện, trong đó vai trò của các ngoại binh được thể hiện rất rõ. Paulo Conrado có thể làm tường cho đồng đội tuyến hai, Bruno Cantanhede luôn phát huy tốc độ để đón những đường chuyền dài chính xác của Lê Phạm Thành Long. Trung vệ Gustavo Santana ngoài vai trò phòng ngự cũng tận dụng tốt các pha bóng cố định để ghi bàn.
Sau 9 vòng, 3 ngoại binh kể trên đã đóng góp 11 trong tổng số 18 bàn của Thanh Hóa. Bằng cách này hay cách khác, khi không ghi bàn, các ngoại binh Thanh Hóa vẫn biết cách tạo cơ hội cho các đồng đội nội tỏa sáng. Nhiều cái tên khác nhau trong tập thể không ngôi sao ấy đã ghi bàn là A Mít, Hữu Dũng, Thanh Bình, Trọng Hùng, Văn Thắng hay Ti Phông.
Những bàn thắng ở thời điểm quan trọng là minh chứng cho sự hiệu quả trong tấn công của Thanh Hóa. Còn trong phòng ngự, đội bóng này cũng sẵn sàng trả giá cho lối đá máu lửa của mình bằng việc chấp nhận thẻ phạt. 24 là tổng số thẻ vàng của cả cầu thủ lẫn BHL và cán bộ đội Thanh Hóa sau 9 vòng, trong đó 16 thẻ đến sau 4 vòng đầu.
HLV Popov cũng để lại dấu ấn nhờ sự nhiệt huyết khi chỉ đạo đội cả trong tập luyện lẫn thi đấu. Ông luôn đề cao tính kỷ luật và tinh thần thi đấu. Trận Thanh Hóa hòa ĐKVĐ Hà Nội 0-0 ở vòng 4 giúp thầy trò ông Popov nhận được nhiều lời khen. HLV người Bulgaria không dám nhận công lao mà cho rằng đây là nỗ lực của cả tập thể đội bóng.
Thành công của HLV Popov đến thời điểm này cũng là bất ngờ khi V-League vốn chứng kiến hàng loạt thất bại của các HLV ngoại trước đây. Ông Popov thuận lợi hơn khi đã có thời gian nhiều năm làm việc ở Malaysia, Myanmar, am hiểu phần nào bóng đá Đông Nam Á. Trước khi đến Việt Nam, ông cũng tìm hiểu rất kỹ văn hóa Việt Nam để thích nghi nhanh với môi trường bóng đá.
Nói Thanh Hóa thăng hoa không thể không nhắc đến sự sa sút của các thế lực lớn. Đầu tiên là CLB Hà Nội vốn thiếu hàng loạt trụ cột Đương kim á quân Hải Phòng bị thay gần nửa quân số, trong khi những chấn thương khiến Viettel phải đá trong tình cảnh chấp ngoại binh.
Sau 9 vòng, CLB Thanh Hóa chỉ còn CAHN là đội trong nhóm đầu bảng chưa gặp. Cuộc đối đầu giữa hai đội tại vòng 11 sẽ mang tính chất quan trọng trong cuộc đua vô địch mùa này.
Bình Luận