Bản quyền truyền hình V.League: Bao giờ 'gà đẻ trứng vàng'?

Bản quyền truyền hình được coi là “con gà đẻ trứng vàng” của nhiều giải bóng đá trên thế giới. Và V.League cần làm gì để biến giấc mơ ấy thành hiện thực?
Bản quyền truyền hình V.League: Bao giờ 'gà đẻ trứng vàng'?

Có một thực tế rằng khi những người có trách nhiệm với V.League đưa ra bất cứ một sáng kiến hay đề xuất nào, thì ngay lập tức nhiều đội bóng sẽ lại… kể lể những khó khăn nội tại của đội nhà như một minh chứng cho việc khó lòng thay đổi theo sáng kiến đó. Đó là một trong những lực cản khiến V.League không có nhiều đột phá trong thời gian dài vừa qua. Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi cách đây không lâu, ông  Brian Wright - đại diện La Liga tại Việt Nam khẳng định, bản quyền truyền hình - chứ không phải bán vé, bán đồ lưu niệm, áo đấu - mới là “gà đẻ trứng vàng” của các giải bóng đá. Nhưng theo ông Brian Wright, V.League chắc chắn phải thay đổi rất nhiều nếu muốn có nhiều tiền từ bản quyền truyền hình.  

Đầu tiên là sân bãi. Phải thấy rằng, chất lượng sân đấu của đa phần các đội bóng ở V.League khá tệ. Có một sự thật buồn là một số ngoại binh được đào tạo bài bản đến từ Anh, Hà Lan… sang Việt Nam thử việc nhưng sau khi dạo bước thử trên sân thi đấu lồi lõm ấy, họ đã phải từ chối để về nước bởi sợ chấn thương. Ở V.League, chỉ có 1 số sân như Thống Nhất, Hàng Đẫy, Pleiku là tương đối đảm bảo chất lượng. Còn lại, đa phần đều không đảm bảo đủ để tổ chức bóng đá chuyên nghiệp. Chất lượng mặt sân cỏ kém thì hẳn nhiên, chất lượng chuyên môn cũng đi xuống theo. Rất khó cho các cầu thủ có thể phô diễn kỹ thuật trên mặt sân cỏ lồi lõm, xấu nên không thể đòi hỏi chuyên môn cao. 

Quang Hải tặng bóng cho NHM trước giờ khai cuộc một trận đấu V.League

Chất lượng ngoại binh là yếu tố khác tạo sức hút cho V.League. Có thể thấy, các CLB không chi mạnh để tậu lực lượng ngoại binh có tiếng và có trình độ. Thay vào đó, họ chỉ thử ngoại binh thuộc dạng “vô danh” để trông chờ vào vận may. Đó là lý do mà chất lượng của lực lượng lính đánh thuê này đang ngày càng đi xuống. Đa phần những gương mặt nổi đình nổi đám ở V.League hiện tại cũng đã “xưa cũ”, còn tân binh lại thi đấu vật vờ khiến cho khán giả cảm thấy  ngao ngán. Hải Phòng từng trở thành “mãnh lực” đối với khán giả và truyền thông khi tậu Denilson. Khoan nói đến tính hiệu quả về chuyên môn nhưng rõ ràng, hình ảnh của CLB, V.League được chú ý, có sức hút nhiều hơn khi danh thủ người Brazil xuất hiện. Hẳn nhiên, muốn có được nhiều tiền (từ bản quyền truyền hình) thì phải chịu chi tiền, tương tự cách đội bóng đất Cảng từng thử nghiệm.  

Bạo lực sân cỏ là vấn đề khác mà V.League cần phải chú ý. Rõ ràng, không có mùa giải nào lại không xảy ra những hành vi phi thể thao. Nhưng để giải quyết gốc rễ vấn đề này, sự uốn nắn từ CLB có ý nghĩa quyết định chứ không chỉ hẳn những chiếc thẻ đỏ của trọng tài hay án phạt nguội của Ban kỷ luật khi sự cố đã xảy ra. Một vấn đề nữa là cần triệt tiêu hoàn toàn những trận cầu điều tiếng theo kiểu “chị ngã em nâng” trong những mối quan hệ zíc zắc ngoài sân cỏ. Nói cách khác, phải xây dựng được một sân chơi sạch, bằng những trận cầu sòng phẳng để tạo được niềm tin lớn từ bóng đá sạch. 

Khi chất lượng chuyên môn thấp, tức sản phẩm không có chất lượng tốt, hình ảnh không đẹp thì hẳn nhiên, các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh bản quyền không mặn mà để lao vào cuộc đua đấu giá bản quyền truyền hình như cách thức họ nhập cuộc ở các sân có sức hút như AFF Suzuki Cup, vòng loại World Cup, ngoại hạng Anh… Bởi bất cứ đài truyền hình hay công ty truyền thông nào thì một trong những yếu tố mà họ cần cân nhắc để mua bản quyền truyền hình là lợi nhuận. Khi giải đấu không phải là một sản phẩm “bắt mắt” thì khó có sức hút đối với việc quảng cáo. Kinh doanh mà không có lợi nhuận thì các đài truyền hình, đơn vị kinh doanh truyền hình không mặn mà lắm đối với bản quyền V.League cũng là điều dễ hiểu.  

V.League phải thay đổi nhiều nhưng nếu không thay đổi được vấn đề cốt lõi trên thì câu hỏi bao giờ V.League thành “gà đẻ trứng vàng?” khó xác định được thời gian cụ thể. 

XEM THÊM

Với Công Phượng, TP.HCM khởi đầu ấn tượng nhất sau 4 năm chơi ở V.League

Công Phượng và đồng đội ở CLB TP.HCM giảm 30% lương

Công Phượng: Bàn thắng của niềm tin 

    Bình Luận