CLB Than Quảng Ninh đã tuyên bố tạm dừng hoạt động trong vòng 1 năm vì vấn đề tài chính. Một số cầu thủ nhận được thanh lý hợp đồng để tìm kiếm bến đỗ khác. Tuy nhiên, họ vẫn bị nợ lương 4 tháng qua cùng các khoản phí lót tay, tiền thưởng từ các mùa trước chưa được giải quyết.
Theo Chủ tịch CLB Than Quảng Ninh Phạm Thanh Hùng, đội bóng đang nợ cầu thủ số tiền khoảng 60-70 tỷ đồng và không có khả năng để chi trả. Các bên có liên quan vẫn chưa có giải pháp để giải quyết vấn đề này cho các cầu thủ.
Trong bối cảnh đó, nhiều cầu thủ phải tìm các giải pháp khác nhau để mưu sinh; có người tìm được đội bóng mới, có người phải tìm kiếm tạm thời công việc khác để trang trải cuộc sống thời điểm này trước khi có phán quyết cuối cùng từ đội bóng.
Hiện tại, số phận CLB Than Quảng Ninh chưa được quyết định nên các cầu thủ trong chế độ chờ. Tuy vậy, nguy cơ bị “mất trắng” có thể hiển hiện.
Không chỉ Than Quảng Ninh, hàng loạt CLB trên toàn thế giới rơi vào cảnh điêu đứng vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Trước đó, rất nhiều CLB phá sản đã đẩy cầu thủ vào tình cảnh khó khăn.
Để hỗ trợ tài chính cho những cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp không có khả năng lấy lại tiền lương mà CLB chưa trả, FIFA và Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Thế giới (FIFPro) đã thành lập một quỹ có tên Quỹ FIFA dành cho các cầu thủ bóng đá (FIFA FFP).
Theo đó, FIFA đã dành 16 triệu đô la (USD) cho quỹ đến năm 2022, được phân bổ như sau: 3 triệu USD vào năm 2020, 4 triệu USD vào năm 2021 và 4 triệu USD vào năm 2022, cộng thêm 5 triệu USD nữa được dành cho việc hồi tố bảo vệ tiền lương của cầu thủ trong khoảng thời gian từ tháng 7/2015 đến tháng 6/2020.
Một số báo cáo gần đây, bao gồm “Báo cáo việc làm toàn cầu 2016 của FIFPro: Điều kiện làm việc trong bóng đá chuyên nghiệp”, đã chứng minh việc ngày càng tăng các trường hợp các cầu thủ trên khắp thế giới không được trả lương.
Vào năm 2019, FIFA đã sửa đổi Bộ luật kỷ luật nhằm xử lý việc không trả lương cho cầu thủ, đặc biệt là trong các tình huống “người thừa kế thể thao của các CLB con nợ”, tức là các CLB mới được thành lập với mục đích chính là tránh trả lương đã quá hạn cho cầu thủ.
Thỏa thuận dự kiến thành lập một ủy ban giám sát bao gồm các đại diện của FIFA và FIFPro để xử lý, đánh giá và hành động đối với các đơn xin hỗ trợ từ FIFA FFP. Mặc dù các khoản hỗ trợ này không bao gồm toàn bộ số tiền lương còn nợ của các cầu thủ, quỹ này sẽ cung cấp một mạng lưới an toàn quan trọng.
Chủ tịch FIFPro Philippe Piat cho biết: “Hơn 50 CLB ở 20 quốc gia đã đóng cửa trong 5 năm qua, khiến hàng trăm cầu thủ bóng đá rơi vào tình trạng bấp bênh và khó khăn. Quỹ này sẽ hỗ trợ quý giá cho các cầu thủ và gia đình đang gặp khó khăn nhất.
Nhiều CLB đã đóng cửa để tránh phải trả khoản tiền lương lớn nhưng sau đó ngay lập tức hình thành lại trong vai trò CLB mới. FIFPro từ lâu đã vận động chống lại hành vi vô đạo đức này và cảm ơn FIFA vì đã chống lại nó trong Bộ luật kỷ luật của mình”.
Tổng quan về Quỹ FIFA đã được phê duyệt cho các cầu thủ
Làm thế nào để yêu cầu bồi thường sau khi CLB phá sản?
Nếu cầu thủ không thể nhận được số tiền nợ lương thông qua các tòa án hoặc hội đồng xét xử thì có thể nộp đơn để được hưởng lợi từ Quỹ FIFA. Quỹ được dùng để hỗ trợ cho cầu thủ thuộc các trường hợp từ năm 2015.
Những cầu thủ nào tin rằng mình đủ điều kiện để hưởng lợi từ Quỹ bảo vệ cầu thủ có thể liên hệ với FIFPro tại: [email protected]
Nếu cầu thủ không thể thu hồi tiền lương từ CLB sau quyết định của cơ quan tư pháp hoặc tòa án thì cần làm đơn yêu cầu bồi thường.
Trong đơn yêu cầu bồi thường, cầu thủ nên cung cấp tất cả tài liệu và bằng chứng có trong tay, chẳng hạn như bản sao hợp đồng lao động liên quan, quyết định của tòa án, bản tóm tắt tình hình của mình và thông tin về tình trạng của CLB cũ.
Về nguyên tắc, quyết định trợ cấp hoặc từ chối đơn đăng ký của cầu thủ sẽ được một ủy ban bao gồm các đại diện của FIFA và FIFPro đưa ra mỗi năm một lần.
FIFA có đưa ra về quyền chấm dứt hợp đồng khi bị nợ lương và nghĩa vụ bồi thường của CLB khi vi phạm hợp đồng. Theo đó, tại Điều 14bis của Quy chế FIFA về địa vị pháp lý và chuyển nhượng cầu thủ có quy định: "Khi CLB không trả lương đúng hạn cho cầu thủ (mà không có lý do hợp pháp) ít nhất hai tháng, cầu thủ có lý do chính đáng để chấm dứt hợp đồng sau khi đã thông báo với CLB bằng văn bản về việc CLB đã vi phạm hợp đồng và dành cho CLB ít nhất 15 ngày để khắc phục (trả lương)”.
Trong hợp đồng, hai bên có thể thỏa thuận hợp pháp khác thì thỏa thuận sẽ được tính đến, ví dụ thời gian thông báo dài hơn v.v.. hoặc giữa CLB và tập thể/cá nhân cầu thủ có thỏa thuận hợp pháp khác.
Ở phần Quy chế (phiên bản trước, nhưng nguyên tắc vẫn đang được áp dụng), bên vi phạm hợp đồng dẫn đến việc hợp đồng bị chấm dứt vẫn phải chịu các trách nhiệm phát sinh do việc vi phạm dẫn đến làm chấm dứt hợp đồng.
Xuân Hoàng - Trần Khánh
Đồ họa: Đức Dũng
Bình Luận