Hôm qua, tại sân Hàng Đẫy diễn ra cuộc đấu giữa những người đàn ông cách xa nhau hàng ngàn km nhưng vẫn vô cùng quen thuộc. Hay nói đúng hơn, những cầu thủ lập nghiệp ở TP.HCM đã có ngày trở về với thảm cỏ mà họ từng gắn bó.
Hàng Đẫy với nhiều cầu thủ Sài Gòn FC là nơi nuôi dưỡng tình yêu bóng đá. Họ từng đến nơi này xem bóng đá để thắp lên giấc mơ thành ngôi sao sân cỏ. Cũng có người từng nhận nhiệm vụ nhặt bóng ở đường biên khi còn là cầu thủ trẻ. Rồi, nơi ấy họ từng thi đấu ở giải hạng Nhất, giành vé thăng hạng và sau đó đến với vùng đất mới Sài thành.
Vậy mới nói, các cầu thủ Sài Gòn FC tối qua không hẳn là đá trên sân khách trước một đối thủ mạnh hơn. Đó là ngày trở về của những chàng trai từng là chủ nhân của Hàng Đẫy. Chẳng thế mà trên khán đài B vẫn có một nhóm cổ động viên vẫn đến thúc trống ủng hộ đội bóng của họ ngày nào. Và ở khán đài A, rất nhiều người Hà Nội vẫn dành tình cảm cho Sài Gòn FC, bởi với họ, những cầu thủ đang chạy trên sân vẫn vô cùng thân thuộc.
Bóng đá lý tính, nhưng ở đó có chỗ cho tình cảm bén rễ. Sự thương yêu đôi khi chẳng thể lý giải. Nó cũng giống như việc nhiều người bạn của Văn Quyết, Thành Lương đã quay sang cổ vũ cho đội bóng của Ngọc Duy, Quốc Long. Người ta thường có xu hướng dành tình cảm cho những đội bóng yếu hơn. Và tối qua, một Sài Gòn FC kiên cường và cá tính đã dành được nhiều thiện cảm của người Hà Nội.
Thiện cảm ấy đến từ tinh thần thi đấu quả cảm, bền bỉ, rực lửa của Sài Gòn FC trước một Hà Nội FC toàn năng. Họ không chỉ là người ghi bàn trước mà còn trụ vững được trước áp lực không ngừng nghỉ của đội chủ nhà. Bóng đá là nơi mà kẻ yếu cũng có quyền theo đuổi giấc mơ. Và hôm qua, một Sài Gòn FC khủng hoảng lực lượng đã thực hiện được giấc mơ bằng tinh thần của những chiến binh đầy tự trọng.
Bình Luận