Thời điểm đó, cả hai đội bóng cùng cho ra mắt lứa cầu thủ trẻ tài năng nhưng HAGL được đánh giá cao hơn đối thủ về chuyên môn cũng như độ lan tỏa với cộng đồng. Sau mấy năm, HAGL vẫn miệt mài với mục tiêu trụ hạng nhưng Viettel lại trở thành nhà vô địch V.League.
Nhìn một chặng đường dài, có thể thấy sự khác nhau về hướng đi giữa HAGL với Viettel hay Hà Nội. Bầu Đức thay mới cả đội hình khi lứa trẻ tài năng xuất hiện. Ông muốn tiến hành một cuộc cách mạng về đội hình và cả tư duy chơi bóng. Tham vọng của bầu Đức là vô cùng lớn. Ông muốn HAGL trở thành một đội bóng khác với phần còn lại của cuộc chơi. Thậm chí, đội bóng này phải trở thành bệ phóng cho giấc mơ World Cup của bóng đá nước nhà.
Khác với HAGL, Hà Nội và Viettel hay rộng ra là SLNA, những đội bóng có hệ thống đào tạo trẻ cực tốt lại chọn một con đường đổi mới thay vì cải tổ, cách mạng. Họ lựa chọn hướng tiếp cận cởi mở dần dần thay vì đập bỏ cả hệ thống. Những cầu thủ kinh nghiệm vẫn được trọng dụng và trở thành người dẫn dắt đàn em. Nói đâu xa, đến tận lúc này, dù Quang Hải là ngôi sao sáng nhất Việt Nam thì tại Hà Nội, Văn Quyết vẫn là số 1. Ở Viettel, hàng loạt tài năng trẻ tỏa sáng thì biểu tượng của đội bóng thuộc về Bùi Tiến Dũng.
Tiến lên phía trước bằng sự cân bằng giữa cũ và mới, giữa tiếp biến bảo toàn những hệ giá trị truyền thống là lựa chọn của Viettel hay Hà Nội FC. Bằng lựa chọn này, các đội bóng duy trì được sự ổn định và đảm bảo các cầu thủ trẻ không bị khớp khi bước ra sân khấu lớn. Tất nhiên, cách làm ấy không thể giúp ngay lập tức tạo ra cái mới, làm giảm cơ hội tỏa sáng của các cầu thủ trẻ nhưng lại đảm bảo con đường đi không bị chệch hướng.
Mỗi đội bóng có cho mình một lựa chọn. Mỗi ông bầu chơi bóng theo cách mà mình muốn. Họ có thể chấp nhận, thậm chí hạnh phúc với lựa chọn của mình. Chỉ có điều, tương lai của mỗi đội bóng, sự nghiệp của mỗi cầu thủ lại phụ thuộc nhiều vào hướng đi của từng ông bầu.
Bình Luận