Các đội V.League giải quyết bài toán dinh dưỡng thế nào vì COVID-19?

Dịch COVID-19 khiến mọi hoạt động bị ảnh hưởng. Các đội bóng ở V.League cũng tìm cách vượt qua khó khăn vì dịch bệnh, nhất là khâu dinh dưỡng.

Sau hơn 1 tháng bị tạm hoãn vì dịch COVID-19, các giải VĐQG được ấn định trở lại trong tháng 9. Hiện tại, các CLB V.League lẫn hạng Nhất đều quay trở lại tập luyện để chờ ngày bóng lăn. Và hơn 1 tháng vừa qua là quãng thời gian đầy thách thức với các đội, từ sự kiên nhẫn, khả năng ứng phó với thời cuộc đến kế hoạch tập luyện. Đặc biệt, yếu tố dinh dưỡng bị ảnh hưởng phần nào. Mỗi đội bóng đều có cách thức khác nhau để vượt qua khó khăn.

Trao đổi với Webthethao, bác sĩ Đồng Xuân Lâm của HAGL cho biết: “Chúng tôi thường xuyên tập luyện giúp các cầu thủ nâng cao hệ miễn dịch, phòng chống lại COVID-19 cũng như nhiều bệnh tật khác khi V.League 2020 trở lại.

Đến thời điểm chưa có vắc xin đặc trị nên khả năng phòng chống dịch phụ thuộc vào sức đề kháng của VĐV, cầu thủ và tất cả mọi người. Để tăng cường hệ miễn dịch, chống lại bệnh tật các cầu thủ buộc phải có chế độ ăn uống, tập luyện và nghỉ ngơi thật sự khoa học. 

HAGL duy trì tập luyện đều đặn trong thời gian qua. Ảnh: CLB HAGL

Về chế độ dinh dưỡng, nhằm tăng sức đề kháng cho VĐV cần nhiều thức ăn tác động hệ miễn dịch, tăng khả năng tự bảo vệ cơ thể thông qua đường hô hấp. Bữa ăn đầu tiên phải đủ calo, tỉ lệ thành phần dinh dưỡng phải cân đối, đặc biệt chú ý một số đồ ăn thức uống tăng hệ miễn dịch cho cơ thể như trái cây có vitamin C chanh, cam, bưởi,… hay rau xanh có kháng thể tự nhiên. Các đội bóng có điều kiện nên dùng thêm một số thực phẩm chức năng làm tăng cường sức đề kháng. 

Vấn đề tập luyện, VĐV phải giữ được sự sung sức. Trong thời kỳ COVID-19 như hiện tại, nếu anh tập quá mức hoặc tập không đủ đều không thể tạo ra sự sung sức. Sự sung sức giúp nâng cao khả năng vận động cho VĐV, tăng cường khả năng chống lại sự xâm nhiễm của nhiều loại virut khác vào cơ thể. Muốn tập sung sức VĐV phải theo lượng vận động sinh lý, nó sẽ quyết định sự sung sức, điều này giúp VĐV không lo bị quá tải hay thiếu. 

Muốn tập lượng vận động sinh lý thì phải tập hệ thống chuyển hóa năng lượng như yếm khí, gluco… Có cả 3 hệ thống sức bền cơ, tim mạch, năng lượng. Trên cơ sở tập đúng đủ như thế phải có quãng thời gian nghỉ hợp lý cho VĐV, về cơ bản là như vậy”.

Đà Nẵng là tâm dịch nên vấn đề khó khăn chính là nhu yếu phẩm. Các học trò của HLV Lê Huỳnh Đức đã quay trở lại tập nặng với 2 buổi/ngày. Tuy vậy, để cân bằng giữa yếu tố dinh dưỡng và lượng vận động là bài toán không hề đơn giản với đội chủ sân Hòa Xuân vào lúc này. 

“Vì ảnh hưởng của dịch nên thực phẩm khó phong phú. Trước đó có nhiều sự lựa chọn như bò, tôm, cá,… nhưng hiện tại chỉ có thể ưu tiên nhóm bò, cá là chính”, bác sĩ Phạm Quốc Thắng cho biết. 

Phương Nam - Huy Kha

    Bình Luận