Sau thời gian dài chuẩn bị về trang thiết bị, con người và cơ sở vật chất, dự kiến công nghệ VAR sẽ được áp dụng ngay tại vòng 3 giai đoạn 2 V.League 2023. Để có được kết quả này, VFF, Công ty VPF, Ban Trọng tài VFF cùng đội ngũ trọng tài đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn để tiến gần tới việc công nghệ VAR xuất hiện tại các giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Trả lời trong buổi phỏng vấn mới đây, Chủ tịchVFF Trần Quốc Tuấn cùng Phó Chủ tịch VFF - Chủ tịch HĐQT VPF Trần Anh Tú đã có những chia sẻ về quá trình từ những bước đầu tiên để đưa công nghệ VAR về Việt Nam
“Năm 2019, khi sang tham quan Thai-League, chúng tôi thấy họ đã triển khai VAR. Do đó tôi cũng ấp ủ việc áp dụng VAR ở V.League. Ban đầu chúng tôi tưởng rằng điều này sẽ đơn giản, nhưng khi cử cán bộ liên hệ làm việc với FIFA thì chúng tôi nhận được danh sách yêu cầu rất phức tạp. Từ đó, chúng tôi mới vỡ ra rằng mọi việc không hề dễ dàng chút nào. Kể cả Thai League khi đó cũng áp dụng VAR mà chưa có sự phê chuẩn của FIFA, nên họ phải dừng lại. Sau này khi được phê chuẩn thì họ mới được phép tiếp tục triển khai VAR.
Từ 2019 tới 2023, chúng ta mất 2 năm vì ảnh hưởng dịch Covid-19, đồng thời vẫn phải tuân thủ mọi yêu cầu chặt chẽ của FIFA. Dẫu vậy, các trọng tài Việt Nam tiếp thu rất nhanh, đồng thời VPF cũng nhanh chóng triển khai các phương án tài chính, đấu thầu thiết bị và mọi công việc khác. Nhờ vậy, chúng ta đã có xác nhận đạt tiêu chuẩn áp dụng VAR của FIFA từ cuối tháng 6, thay vì tháng 9 hoặc tháng 10 theo tiến độ đặt ra ban đầu”, ông Trần Anh Tú nói.
Ý tưởng triển khai dự án VAR của Công ty VPF nhận sự đồng thuận cao từ VFF. Với tư cách là tổ chức quản lý cấp cao, VFF không chỉ có những chỉ đạo, mà còn hỗ trợ từ nhiều góc độ khác nhau, giúp Công ty VPF đẩy nhanh quá trình hiện thực hoá việc áp dụng VAR vào các trận đấu.
"Đầu tiên, tôi muốn khẳng định về tầm quan trọng của VAR. Khi VAR được áp dụng vào hệ thống thi đấu sẽ giúp các trận đấu được công bằng hơn, chất lượng giải đấu cũng nâng cao hơn. VAR là bước đột phá trong việc phát triển bóng đá thế giới. Ngay từ lần đầu tiên áp dụng chính thức tại World Cup 2018, VAR đã nhận những đánh giá cao của giới chuyên môn cũng như các nhà hoạch định chính sách.
Tại AFF Suzuki Cup 2020, đại diện các nền bóng đá khu vực Đông Nam Á đã có những trao đổi, với sự tham gia của Chủ tịch FIFA Gianni Infantino. Đây là tâm tư của nhiều nền bóng đá, làm sao có hệ thống VAR để áp dụng vào giải đấu của mình, góp phần giảm thiểu sai sót của trọng tài. Công tác trọng tài là thách thức, với nhiều khó khăn. Cường độ, tính chất giải đấu gây áp lực tới công tác trọng tài rất lớn. Vì thế VAR đóng vai trò rất quan trọng, là công cụ để đội ngũ trọng tài đưa ra phán quyết chính xác hơn. Tuy nhiên để có VAR, cần rất nhiều yếu tố, tài chính cũng như đào tạo con người để thích ứng với công nghệ đều đóng vai trò quan trọng", Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn chia sẻ.
Trong các cuộc trao đổi, thay mặt VFF, ông Trần Quốc Tuấn cũng bày tỏ mong muốn FIFA hỗ trợ các nền bóng đá đang phát triển hoặc có định hướng nâng cấp giải đấu quốc nội và được chủ tịch FIFA Gianni Infantino rất ủng hộ quan điểm này. Bên cạnh đó, lãnh đạo VFF, lãnh đạo Công ty VPF và các bộ phận chuyên môn cũng tổ chức trao đổi, học hỏi kinh nghiệm từ các nước bạn trong khu vực và châu Á về việc triển khai VAR.
"Chúng tôi có tham quan tại Nhật Bản, nước đã áp dụng VAR vào giải VĐQG và thấy rằng để thực hiện VAR cần rất nhiều công đoạn, cần thời gian và rất phức tạp. Từ các buổi làm việc, chúng tôi cũng học hỏi quy trình đào tạo nguồn nhân lực và các vấn đề như trang thiết bị. Từ đó, kết hợp với các vấn đề thực tế, chúng tôi làm việc với FIFA để có những hỗ trợ từ cơ quan quản lý bóng đá lớn nhất thế giới.
Mặt khác, VFF đề nghị VPF tự chủ động tìm thêm các nguồn lực xã hội hoá, tự triển khai VAR. Hiện nay, 2 con đường này đang chạy song song. Dự kiến cuối năm nay, chúng ta sẽ có thêm 2 xe VAR được FIFA tài trợ. Trong khi chờ đợi, chúng tôi liên tục trao đổi giữa các bộ phận điều hành cùng các chuyên gia, thực hiện việc đào tạo nhân lực để khi có thiết bị có thể lập tức sẽ triển khai luôn được. Nếu không có gì thay đổi, ngày 7/9 Uỷ ban đầu tư phát triển FIFA sẽ họp và có các quyết định liên quan đến hệ thống VAR tại Việt Nam.
Từ đại hội VFF cuối năm 2022, Thường trực và Ban chấp hành VFF đã phân tích, xác định lộ trình và chỉ đạo quyết liệt. Trong các cuộc họp hàng tháng, VFF cùng các bộ phận, đặc biệt là Công ty VPF có những chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ để có các kết nối giữa FIFA, bộ phận điều hành VFF, bộ phận điều hành VPF làm sao để hoạt động hiệu quả, tiết kiệm thời gian với mục tiêu đưa VAR vào hoạt động sớm nhất".
Chia sẻ về quá trình đưa VAR vào áp dụng tại các trận đấu thuộc giải VĐQG, Chủ tịch HĐQT Công ty VPF Trần Anh Tú cho biết 2 vấn đề nhân sự và trang thiết bị là khó khăn lớn nhất: "Đây là lần đầu tiên chúng ta áp dụng công nghệ VAR, Công ty VPF đã tìm đến các đối tác chuyên về thiết bị truyền hình để hỗ trợ, cung cấp các thiết bị đạt chuẩn FIFA. Về nhân sự, chúng ta phải đào tạo trọng tài VAR từ những bước đầu tiên. Ban đầu, chúng tôi dự kiến sẽ đào tạo số lượng lớn, tuy nhiên dưới sự hướng dẫn của FIFA đã hướng dẫn, để đảm bảo chất lượng, 18 trọng tài và trợ lý trọng tài đã được lựa chọn để tham gia khóa đào tạo Trọng tài VAR đầu tiên ở Việt Nam.
Phải nói rằng lực lượng trọng tài tham gia đào tạo rất vất vả, phải tập trung thành nhiều đợt, xen kẽ với thời điểm các giải bóng đá chuyên nghiệp tạm nghỉ. Lẽ ra, các Trọng tài cũng được tạm nghỉ làm nhiệm vụ, quay trở về với công việc và gia đình, nay lại phải tập trung thời gian dài để tham gia đào tạo về VAR. Qua đây, tôi xin gửi lời cảm ơn các trọng tài. Họ đã hy sinh rất nhiều và cực kỳ nỗ lực để đạt được chứng nhận của FIFA.
Một vấn đề khác là tài chính. Thời gian qua, VPF đã nỗ lực vận động, và may mắn là chúng ta có các nhà tài trợ sẵn sàng đóng góp. Bên cạnh đó, Liên đoàn bóng đá Việt Nam cũng hỗ trợ chúng tôi trong nhiều mặt, đặc biệt là quá trình làm việc với FIFA để có thêm 2 xe VAR. Dĩ nhiên vấn đề chi phí vận hành hệ thống VAR cũng là điều chúng tôi phải tính tới. Hiện tại, cả VPF và VFF đang nỗ lực để đảm bảo nguồn tài chính chắc chắn nhằm vận hành hệ thống VAR”.
Nói về kỳ vọng với việc áp dụng VAR, Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn cho biết: "Thực tế cho thấy dù có VAR thì các trọng tài vẫn có thể sai sót. Vì thế, vấn đề con người là quan trọng nhất. Vừa rồi FIFA đã tổ chức các đợt tập huấn, thực hành, kiểm tra rất khắt khe với những tiêu chí cao để chọn nhân sự phù hợp, đáp ứng yêu cầu với công nghệ mới này. Một điều chắc chắn là VAR sẽ góp phần nâng cao chất lượng cho V.League.
Hiện nay, trong khu vực có một số nước cũng đang áp dụng VAR như Thái Lan... Khi đưa VAR vào hoạt động, các giải bóng đá nội sẽ được nâng tầm chất lượng, đảm bảo tính công bằng và hình ảnh giải đấu cũng được nâng lên hơn".
Bình Luận