Trong hơn 10 tháng qua, bóng đá Việt Nam chịu tác động lớn từ cuộc khủng hoảng mà đại dịch Covid-19 đem lại. Rất mừng là trong quãng thời gian bão tố này, hệ thống thi đấu quốc nội vẫn được duy trì và dòng tiền vẫn được đảm bảo.
Bốn bề bão tố
Trong vòng 10 tháng, bóng đá Việt Nam đã trải qua rất nhiều biến cố. Tất cả các hoạt động thi đấu phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh của đất nước. Giai đoạn khó khăn nhất đối với bóng đá Việt Nam chính là những tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng như việc thực hiện giãn cách xã hội nên các trận đấu của giải đấu do LĐBĐ châu Á (AFC) và LĐBĐ Việt Nam (VFF) tổ chức đã bị hoãn, hủy. Mà công tác vận động tài trợ gắn trực tiếp với các hoạt động thi đấu. Có thi đấu, VFF, VPF và các đội bóng mới có sản phẩm để bán hoặc trả quyền lợi cho các nhà tài trợ. Điều này cũng đã ảnh hưởng tới kế hoạch hợp tác tài trợ, quảng cáo của nhiều đối tác và nhà tài trợ cũng như làm giảm nguồn thu hoạt động tài trợ theo mục tiêu kế hoạch năm 2020 đề ra.
Khó khăn lớn nhất đối với bóng đá Việt Nam chính là không có, hoặc không đủ sản phẩm để bán. Với bóng đá, các hoạt động thi đấu chính là tiền, rất nhiều tiền. Tiền từ bản quyền truyền hình. Tiền từ bán vé, bán thương quyền đội tuyển. Điều đáng nói, ngay cả với những bản hợp đồng đã ký thì việc không có các hoạt động bóng đá khiến VFF không thể hoàn thành trách nhiệm với nhà tài trợ, vì thế, nguồn thu bị ảnh hưởng.
Đại dịch Covid-19 tác động đặc biệt lớn đến sức khỏe tài chính và chiến lược quảng cáo, tiếp thị của rất nhiều doanh nghiệp. Điều này cũng tác động đến các đối tác và trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của VFF. Một số đối tác của bóng đá Việt Nam đã đề nghị kết thúc hợp đồng trước thời hạn. Một số đối tác khác không gia hạn hợp đồng. Chưa kể đến việc, có những đối tác phải thay đổi chiến lược nên tạm dừng việc tài trợ cho các hoạt động bóng đá.
Nhưng dòng tiền vẫn chảy
Điều đáng mừng là trong bối cảnh các hoạt động bóng đá bị đình trệ, gián đoạn, hoặc thu hẹp quy mô nhưng bằng rất nhiều giải pháp tích cực, bóng đá Việt Nam vẫn duy trì được việc đảm bảo hình ảnh tài trợ gắn kết với hoạt động bóng đá. VPF về đến đích thành công về chuyên môn và ổn định về tài trợ. Đối với các hoạt động của ĐTQG, dù các sự kiện quốc tế không thể thi đấu do ảnh hưởng của đại dịch nhưng rất nhiều các động thái đã được tiến hành nhằm đảm bảo dòng tiền cho các hoạt động bóng đá. Điểm nổi bật chính là bản hợp đồng với các đối tác nhằm trả lương cho HLV Park Hang Seo. Chưa hết, bản hợp đồng với Hưng Thịnh Land đã giúp VFF có được khoản kinh phí đáng kể nhằm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động HLV, chuyên gia và phát triển bóng đá nữ hướng tới World Cup.
Bên cạnh đó, VFF duy trì bám sát, thực hiện các hợp đồng tài trợ đã ký trong các năm trước với các đối tác như Công ty Dentsu, Vinamilk. Triển khai thực hiện hợp đồng đã ký với nhà tài trợ trang phục, trang thiết bị thể thao Grand Sport có thời hạn 4 năm với sự gia tăng cả về số lượng sản phẩm cũng như giá trị tiền tài trợ. Bên cạnh đó, VFF cũng ký mới hợp đồng quảng cáo nhãn hàng King Coffee sau khi kết thúc hợp đồng với nhà tài trợ Daikin.
Dù có nhiều khó khăn, biến động, nguồn thu kế hoạch dự kiến giảm 25% do nhiều trận đấu không được tổ chức để triển khai quyền lợi của nhà tài trợ, nhưng có thể nói, dòng tiền vẫn chảy để giúp VFF đảm bảo duy trì các hoạt động và thực hiện các mục tiêu chiến lược của mình.
Đã xác định 2 đội lên hạng Nhì 2021
Sau một thời gian tranh tài, giải hạng Ba 2020 đã kết thúc. Theo đó, 2 đội bóng Hải Nam Vĩnh Phúc và Trẻ Quảng Nam xếp đồng giải nhất, giành quyền lên thi đấu tại giải hạng Nhì 2021. Phần thưởng cho 2 đội bóng giành vé lên hạng Nhì là 50 triệu đồng/đội. Giải hạng Ba năm nay có sự tham dự của 9 đội, được chia thành 2 bảng để thi đấu vòng tròn 1 lượt tính điểm. Hai đội nhất ở 2 bảng giành vé lên hạng.
Bình Luận